Phải xóa bỏ tình trạng "chúng tôi làm đúng quy định" nhưng bộ máy vẫn trì trệ

ANTD.VN - Sáng nay (10-3), Văn phòng Chính phủ và Bộ KH-ĐT đã tổ chức hội nghị triển khai Nghị quyết 19/2017 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đến tham dự hội nghị.

Nhiều "món nợ" với doanh nghiệp

Chia sẻ cảm nhận về sự cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam sau 4 năm thực hiện Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh (từ năm 2014 đến nay), Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung- Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực.

"Đã có nhiều thay đổi nhỏ nhưng mang lại hiệu quả lớn. Ví dụ việc Bộ Công Thương bãi bỏ Thông tư 37 về kiểm tra hàm lượng formaldehyte trên sản phẩm dệt may, giúp tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng và hàng vạn ngày công cho các doanh nghiệp dệt may; Việc bãi bỏ xác nhận khai báo hóa chất giúp tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng bởi hàng năm doanh nghiệp phải thực hiện khoảng 55.000 tờ khai báo hóa chất, và chuyển sang hậu kiểm ở nhiều lĩnh vực"- ông Nguyễn Đình Cung nói.

Theo báo cáo của CIEM, 3 năm gần đây, thứ hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam liên tục được cải thiện. Trong đó, năm 2016 tăng 9 bậc, từ vị trí số 91 lên vị trí số 82. Đây là mức cải thiện thứ hạng nhiều nhất kể từ năm 2008. 

Tuy nhiên, các bộ ngành địa phương vẫn còn "món nợ lớn" đối với doanh nghiệp. Chẳng hạn như chưa giảm số lượng kiểm tra chuyên ngành từ các cửa khẩu từ 30-35% xuống còn 15%. Đây là món nợ lớn đối với doanh nghiệp tồn tại từ năm 2016. Đáng chú ý, công chức có liên quan nói riêng và bộ máy quản lý Nhà nước nhìn chung còn thụ động, trì trệ, rất ít đổi mới, sáng tạo.

Câu trả lời thường nghe là “chúng tôi làm đúng quy định”, luôn dành phần đúng về cơ quan nhà nước; ít chủ động đề xuất bổ sung, sửa đổi quy định có liên quan để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Những bổ sung, thay đổi từ trước hết và chủ yếu do sức ép từ doanh nghiệp, từ chính phủ và từ dư luận xã hội. 

Nhiều doanh nghiệp phản ánh “trở tay không kịp” với sự thay đổi cơ chế chính sách

Đồng quan điểm này, ông Lê Tiến Trường - Tổng giám đốc Tập đoàn Diệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, thủ tục hành chính, thông quan và kiểm tra chuyên ngành rườm rà, phức tạp vẫn gây nhiều khó khăn, tốn kém về thời gian, chi phí cho doanh nghiệp. Ví dụ thông tư 38/2015/TT-BTC quy định về thủ tục hải quan, doanh nghiệp gửi rất nhiều phản ánh về quy định của báo cáo xuất nhập tồn, các biểu mẫu báo cáo còn quá phức tạp, mã hàng nhiều, nhiều size… thì có thể lên đến 500 biểu mẫu. Một số quy định sửa đổi lại mang tính thụt lùi so với quy định cũ.

Trước đây đơn vị nhập khẩu chỉ cần chứng minh thuê một đơn vị khác sản xuất cho mình là có thể nhập khẩu hàng không thu thuế với các thủ tục đơn giản. Nhưng theo quy định mới, doanh nghiệp phải chứng minh có nhà xưởng máy móc thực sự thì mới được chấp nhận… Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn “trở tay không kịp” với sự thay đổi cơ chế chính sách, hay một số loại phí tại một số địa phương và buộc phải tuân thủ.

Theo ông Nguyễn Hạc Thúy - Tổng thư ký Hiệp hội phân bón Việt Nam: Thông tư 35/2014/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định chế độ cấp giấy phép nhập khẩu tự động đối với một số mặt hàng phân bón và quy định cảng nhập khẩu là trái với Quyết định số 46/QĐ-TTg của Chính phủ về bỏ hạn ngạch nhập khẩu các loại phân bón từ năm 2000, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Nếu thực hiện Thông tư 35 này, thương nhân phải làm trái luật vì họ phải thực hiện hoàn tất thủ tục nhập khẩu đối với nước ngoài trước khi xin phép. Thêm vào đó, thời gian doanh nghiệp mất quá nhiều thời gian chờ đợi Bộ Công Thương trả lời xem được phép nhập khẩu hay không (chi phí phạt tàu chờ cảng khoảng 150-250 triệu/ngày), tốn kém chi phí, tăng rủi ro cho doanh nghiệp.

Không thể làm theo cách truyền thống

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đặng Huy Đông cho rằng, "một rào cản đối với doanh nghiệp được xóa bỏ, một thay đổi tạo thêm thuận lợi cho doanh nghiệp là kết quả của sự nỗ lực, kiên trì, không mệt mỏi trong nhiều năm của nhiều bên, nhất là cộng đồng doanh nghiệp. Do đó, chúng ta chưa đạt được mục tiêu đề ra, chưa thu hẹp được khoảng cách về chất lượng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh so với các quốc gia khác trong khu vực".

Năm 2017, Chính phủ tiếp tục đặt mục tiêu cao hơn, toàn diện hơn. Cụ thể, đến hết năm 2017, đạt trung bình ASEAN 4 trên 10 chỉ tiêu về môi trường kinh doanh; Giai đoạn 2017-202 cải thiện điểm số và thứ hạng trên 4 nhóm trụ cột: môi trường kinh doanh; năng lực cạnh tranh toàn cầu; đổi mới sáng tạo; và Chính phủ điện tử. gắn trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương với gần 250 chỉ tiêu cụ thể.

"Thực tế cho thấy, nếu chỉ triển khai thực hiện theo cách truyền thống, tuần tự từng bước; nếu chỉ có sự tích cực của các hiệp hội doanh nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp mà không có sự tích cực, năng động và sáng tạo của cán bộ, công chức Nhà nước có thẩm quyền với tinh thần của Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động và phục vụ người dân,doanh nghiệp thì khó có thể đạt được mục tiêu đề ra. Vì vậy, để cải thiện môi trường kinh doanh cần sự nỗ lực theo cấp số nhân từ nhiều phía"- Thứ trưởng Đặng Huy Đông nói.

Điều hành hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, đại diện các bộ, ngành, địa phương cần có cam kết mạnh mẽ cải thiện môi trường cạnh tranh với doanh nghiệp và không để doanh nghiệp phải chờ đợi cơ quan quản lý.