- Chuẩn bị Tổng điều tra kinh tế năm 2017
- Từ 1-3-2017: Tổng điều tra kinh tế
- Kinh tế toàn cầu năm 2017: Chưa thể "cất cánh"
Cẩn trọng với lạm phát
Nhìn lại năm 2016, các chuyên gia kinh tế trong nước và quốc tế cho rằng, Việt Nam đã trải qua những thách thức lớn. Khởi đầu năm 2016 khá khó khăn đối với Việt Nam khi trận hạn hán tồi tệ nhất trong gần thập kỷ qua đã ảnh hưởng mạnh đến các hoạt động kinh tế. Nhưng đến quý III, những ảnh hưởng của thiên tai đã bớt dần và tăng trưởng kinh tế dần hồi phục đạt mức tăng 6,6% so với năm trước. Ngoài khó khăn từ nông nghiệp, một nguyên nhân khác khiến tăng trưởng giảm tốc chính là sự thu hẹp của ngành khai khoáng. Trong năm trước đó, ngành khai khoáng được xem là động lực của tăng trưởng, tuy nhiên đến năm 2016 chỉ số tăng trưởng của ngành này đã giảm mạnh.
Mặt khác, tăng trưởng kinh tế Việt Nam phụ thuộc lớn vào xuất khẩu. Tỷ lệ xuất khẩu/GDP tăng nhanh qua từng năm và năm 2016 ở mức trên 85%. Với việc khối FDI đóng góp hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2016, các doanh nghiệp này tiếp tục khẳng định vị trí quan trọng trong việc hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Nhưng điều này cũng khiến các chuyên gia lo ngại bởi khi xét một cách tổng thể, với việc khối FDI chiếm tỷ trọng và đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế, sự suy yếu về tăng trưởng của dòng vốn FDI rất cần được lưu tâm do có thể ảnh hưởng đến tiềm năng tăng trưởng trong tương lai, đặc biệt trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động về chính trị kèm theo chính sách bảo hộ thương mại có thể được tăng cường.
Năm 2016 khép lại, mặc dù kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu tích cực, nhưng theo đánh giá từ các chuyên gia của Ngân hàng HSBC, vấn đề lo ngại chính trong vài tháng gần đây là áp lực lạm phát quay trở lại. Các nhà sản xuất cho biết, giá cả đầu vào leo thang rất nhanh, nhưng họ cũng đã chuyển mức tăng giá này vào giá xuất xưởng vốn cũng tăng nhanh không kém. Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng, việc thực hiện mục tiêu tốc độ tăng CPI bình quân của năm 2017 là 4% sẽ có nhiều áp lực lớn tới nhà điều hành khi giá cả nhiều mặt hàng cơ bản trên thế giới có xu hướng phục hồi, nhất là giá dầu thô được dự báo tăng lên mức 65-70 USD/ thùng.
Các chuyên gia Ngân hàng HSBC cho rằng, tại một quốc gia mà cách đây không lâu vẫn còn quay cuồng với mức lạm phát hai chữ số, bất kỳ sự gia tăng nào cũng không tránh khỏi gây ra những mối lo ngại. Thực tế, tăng trưởng tín dụng mạnh cũng góp phần thúc đẩy lạm phát. Nhưng tình hình lạm phát tăng gần đây không diễn ra trên diện rộng mà do chi phí chăm sóc sức khỏe và giáo dục tăng dẫn dắt, vì vậy lạm phát thực sự là một vấn đề cần phải lưu ý nhưng không là một mối lo ngại.
Đang đi đúng hướng
Theo Báo cáo triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam do khối nghiên cứu của Ngân hàng HSBC vừa công bố cho rằng, trong thời gian gần đây, ngay cả khi các điều kiện kinh tế toàn cầu đã mờ nhạt, Việt Nam vẫn là một trong những nước tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực. Chuyên gia nghiên cứu của HSBC nhấn mạnh rằng: “Đáng khích lệ là Chính phủ đang đi đúng hướng trong việc cải cách tài chính công. Cải cách xung quanh tài chính công không chỉ bao gồm quản lý hiệu quả hơn các nguồn quỹ công và quản lý tốt hơn các khoản nợ, mà còn đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước nhanh hơn”.
“Nếu lạm phát vượt ngưỡng 5%, lãi suất danh nghĩa sẽ phải điều chỉnh tăng, có thể gây ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh và thị trường tài chính, tác động bất lợi tới nền kinh tế nói chung”.
TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR)
Một vấn đề đáng chú ý khác theo các chuyên gia là tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ đã giảm dần khi Công ty Quản lý Tài sản Việt Nam (VAMC) đã mua các tài sản yếu kém từ các ngân hàng. Nhưng những nguy cơ vẫn chưa được loại bỏ hoàn toàn. Chính vì vậy, việc giải quyết nợ xấu kéo dài cần có những chính sách đặc biệt.
Cũng theo các chuyên gia, với những biến động lớn về chính trị trên thế giới trong năm 2016 trong khi triển vọng của nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới trong 2017 chưa thực sự sáng sủa, sẽ khó để kỳ vọng vào sự bứt phá mạnh của xuất khẩu cũng như khối FDI trong năm 2017. Như vậy, bên cạnh xuất khẩu với đóng góp chính từ các doanh nghiệp FDI, nỗ lực đẩy mạnh đầu tư công, các hoạt động chi đầu tư phát triển và khai thác tài nguyên thiên nhiên, chủ yếu là dầu thô, sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc giúp nền kinh tế duy trì đà tăng trưởng. Điều này không chỉ đòi hỏi định hướng mà còn cả những điều hành sát sao và linh hoạt từ phía Chính phủ.
Nhìn nhận về những triển vọng, ông Vũ Quang Đông, Giám đốc Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đánh giá, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư bắt nguồn từ xu hướng nới lỏng của nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới, đặc biệt là khu vực châu Á, khi Việt Nam có lợi thế cạnh tranh là nền kinh tế tiếp tục ổn định, hoạt động tái cơ cấu nền kinh tế sẽ được đẩy mạnh, trọng tâm là hệ thống ngân hàng và hiệu quả của khối doanh nghiệp Nhà nước sau cổ phần hoá được nâng cao.
Mặc dù vậy, chuyên gia này cũng chỉ ra rằng, bối cảnh thế giới đang tiềm ẩn những rủi ro khó lường đối với mức tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Trong đó, yếu tố đáng chú ý là chính sách của tân Tổng thống Mỹ có thể ảnh hưởng bất lợi đến thương mại, biến động của các ngoại tệ mạnh theo sát với thời điểm và lộ trình Cục Dự trữ Liên bang Mỹ nâng lãi suất cũng như các biến động chính trị như Brexit... Bên cạnh đó, các vấn đề xung quanh việc giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc, bao gồm nợ xấu, bong bóng bất động sản, thương mại suy giảm kéo theo khả năng đồng Nhân dân tệ tiếp tục mất giá và dẫn tới tác động tiêu cực tới thị trường trong nước.
Còn theo TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thì điểm sáng của kinh tế Việt Nam năm 2017 được kỳ vọng là hoạt động của khu vực doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp chế biến, chế tạo. “Doanh nghiệp nói chung đang có điều kiện phát triển thuận lợi khi Chính phủ đã và đang cho thấy rõ quyết tâm trong cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh. Các Nghị quyết 19 và 35 liên tiếp được ban hành trong năm 2016 được kỳ vọng sẽ giúp giảm bớt các thủ tục hành chính không cần thiết cũng như hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp tư nhân”, TS. Nguyễn Đức Thành nhận định.