Kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô:

Phải xóa bỏ hai giá

(ANTĐ) - Khái niệm “lạm phát”, có người hiểu và nhiều người không hiểu. Chỉ có một sự thật đơn giản là với thu nhập không đổi, đời sống của người lao động ngày càng khó khăn hơn. Để người nghèo bớt khổ, Chính phủ đã và đang nỗ lực để “ghìm cương” giá cả.

Hệ lụy của lạm phát và giá cả tăng cao đã gây rất nhiều khó khăn cho sản xuất và đời sống xã hội, nhất là đối với người nghèo. Do việc tham gia bình ổn giá không thông qua đấu thầu, mạng lưới ít, tư thương lợi dụng chênh lệch giá của hàng bình ổn để kiếm lời, rồi ngay tại nội bộ đơn vị thương mại tham gia bình ổn giá cũng khó quản lý tiêu cực. Cần kiên quyết xóa bỏ chính sách 2 giá manh nha từ những điểm bán hàng bình ổn giá hiện nay.

Giá cả tăng, đời sống người lao động ngày càng khó khăn

Mua bìa đậu cũng phải cân nhắc

Theo ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hội Siêu thị TP Hà Nội, đang có hiện tượng một số người giàu (khoảng 20%) đang mua sắm và đẩy giá cả lên theo khiến cho 80% số người còn lại phải chịu cùng. Có những người sẵn sàng chi cả chục triệu đồng để mua một chiếc túi, nhưng cũng có nhiều người khi mua một bìa đậu cũng phải cân nhắc.

Hệ lụy của lạm phát và giá cả tăng cao đã gây rất nhiều khó khăn cho sản xuất và đời sống xã hội, nhất là đối với người nghèo. Ông Phú cho rằng, con số thực tế về lạm phát và giá cả mà Tổng cục Thống kê nêu ra chưa phản ánh đầy đủ thực tế của lạm phát trong những năm gần đây. “Tôi có hỏi nhiều bà nội trợ thì được trả lời là trước đây trung bình mỗi ngày mua 3 lạng thịt lợn nay chỉ dám mua một nửa”, ông Phú nói.
Con số được công bố mới chỉ ra được 50-60% thực tế, đại bộ phận người dân nghèo thu nhập thấp chiếm 70-80% dân số xã hội, mặc dù thu nhập danh nghĩa có tăng nhưng thu nhập thực tế lại bị giảm sút, đời sống ngày càng khó khăn. Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong - Viện Kinh tế - xã hội Hà Nội cũng cho rằng, con số CPI mấy tháng vừa qua “quá đẹp”. CPI tháng 4 tăng 3,32%, tháng 5 là 2,21% và tháng 6 là 1,09%, như vậy là trung bình mỗi tháng giảm 1%. Con số này khiến nhiều người nghi ngờ.

Chính sách bình ổn giá được đưa ra nhằm hỗ trợ người nghèo, tuy ý tưởng thì tốt nhưng thực tế hàng bình ổn giá lại phục vụ không đúng đối tượng. Do việc tham gia bình ổn giá không thông qua đấu thầu, mạng lưới ít, tư thương lợi dụng chênh lệch giá của hàng bình ổn để kiếm lời, rồi ngay tại nội bộ đơn vị thương mại tham gia bình ổn giá cũng khó quản lý tiêu cực. “Cần kiên quyết xóa bỏ chính sách 2 giá manh nha từ những điểm bán hàng bình ổn giá hiện nay” - ông Phú nhấn mạnh.

Áp lực gia tăng cuối năm

Theo nhận định của Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính, từ nay tới cuối năm có rất nhiều áp lực gây sức ép tăng giá. Bước sang quý III, thời tiết vào mùa mưa bão nên dịch bệnh trên gia súc, gia cầm vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Cộng với tình hình xuất hàng sang Trung Quốc gia tăng làm hạn chế nguồn cung trong nước.
Nhu cầu hàng hóa dịch vụ chuẩn bị cho Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán cũng sẽ tăng cao vào quý IV gây áp lực tăng giá những tháng cuối năm. Bên cạnh đó, việc thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, lãi suất ở mức cao gây khó khăn cho doanh nghiệp vay vốn tín dụng để duy trì sản xuất, kinh doanh. Giá một số mặt hàng tiếp tục được điều chỉnh nhằm tiến tới thục hiện cơ chế giá thị trường cũng có thể gây sức ép tăng giá.

Ngoài những nguyên nhân cơ bản, thì lạm phát và giá cả tăng cao còn có một số nguyên nhân như hệ thống phân phối không tốt khiến hàng hóa đi lòng vòng, chi phí vì thế cũng tăng lên. Người sản xuất không thu được lợi nhuận cao, trong khi người tiêu dùng bị thiệt thòi. “Chúng ta đang buông lỏng khâu bán buôn, dẫn tới hệ quả không chi phối được bán lẻ. Đồng thời gây ra hiện tượng đầu cơ, găm hàng, thao túng giá chỉ có lợi cho một nhóm lợi ích nhưng làm thiệt hại cả xã hội và người tiêu dùng, đẩy lạm phát lên cao” - ông Phú phân tích.
Nhằm kiểm soát tình hình giá cả, Thủ tướng vừa có Công điện gửi các bộ, ngành, địa phương về việc tăng cường công tác quản lý giá, thị trường, tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp kiểm tra, kiểm soát giá, thị trường, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, tùy tiện.