Phải tiếp công dân mỗi tháng một ngày

ANTĐ - Ngày 19-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về 2 dự án: Luật Tiếp công dân và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy, chữa cháy.

Cần tiếp tục làm rõ trách nhiệm tiếp công dân của cơ quan Nhà nước

Theo dự Luật Tiếp công dân, trừ trường hợp tiếp công dân đột xuất, Bộ trưởng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải trực tiếp tiếp công dân ít nhất 1 ngày mỗi tháng; giám đốc sở, chủ tịch UBND cấp huyện, xã tiếp dân ít nhất 2 ngày mỗi tháng. Thẩm tra dự án Luật Tiếp công dân, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, nếu chỉ quy định việc tiếp công dân tại các cơ quan hành chính Nhà nước là không toàn diện vì công tác tiếp công dân là công việc thường xuyên của hầu hết các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị. Nhiều quy định khác trong dự thảo luật cũng được đánh giá là “chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới một cách toàn diện về tổ chức và hoạt động tiếp công dân như đã nêu trong quan điểm chỉ đạo xây dựng luật này”. 

Theo Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, dự luật khó có thể khắc phục được những hạn chế, yếu kém trong công tác tổ chức tiếp công dân hiện nay. Cơ quan thẩm tra đề nghị tiếp tục đầu tư nghiên cứu, hoàn thiện dự án luật để có thể giải quyết một cách thấu đáo hơn các vấn đề như trách nhiệm tiếp công dân, sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong công tác tiếp công dân, cơ chế phối hợp cung cấp thông tin... và nhất là cơ chế, mô hình tổ chức, hoạt động tiếp công dân của Quốc hội, HĐND và một số cơ quan Nhà nước khác. 

Chiều cùng ngày, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy, chữa cháy. Theo Bộ Công an, qua 10 năm thực hiện Luật Phòng cháy, chữa cháy, công tác PCCC đã có chuyển biến tích cực; phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy được đẩy mạnh và ngày càng phát triển sâu rộng. Hiệu lực quản lý Nhà nước về PCCC được tăng cường. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, Luật PCCC cũng bộc lộ một số vướng mắc, bất cập cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường công tác quản lý Nhà nước về PCCC trong tình hình mới. 

Một nội dung sửa đổi quan trọng trong dự thảo luật so với hiện hành là quy định cụ thể hơn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức và trách nhiệm của chủ hộ gia đình trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC; trong đó bổ sung trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức do thiếu trách nhiệm để xảy ra cháy, nổ thì phải bồi hoàn chi phí chữa cháy. Nếu gây thiệt hại cho cá nhân, cơ quan, tổ chức khác thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Dự luật cũng bổ sung nội dung về phòng cháy đối với công trình cao tầng, công trình trên mặt nước, công trình ngầm, đường hầm, nhà khung thép mái tôn... theo hướng quy định cụ thể về điều kiện an toàn PCCC đối với các loại công trình này. Đồng thời bổ sung các quy định quan trọng, cốt lõi về PCCC nhằm đảm bảo điều kiện thoát nạn, cứu người, tài sản, chữa cháy đối với nhà cao tầng, siêu cao tầng, công trình ngầm, đường hầm... Các chợ và trung tâm thương mại bắt buộc phải có lối thoát nạn bảo đảm theo quy định; phải trang bị hệ thống báo cháy, chữa cháy, giải pháp chống cháy lan phù hợp với quy mô, tính chất hoạt động. Nếu được Quốc hội thông qua, Luật sửa đổi sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2014.

Đa số ý kiến UBTVQH cho rằng dự án luật đã được chuẩn bị khá công phu, nội dung cơ bản đáp ứng được yêu cầu PCCC trong tình hình mới. Dù vậy, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước lưu ý, dự luật còn nặng về chống mà còn nhẹ về phòng. Ông cũng nhấn mạnh: “Xã hội hóa hoạt động PCCC không chỉ có nghĩa là động viên các lực lượng PCCC tại chỗ của cơ quan đơn vị, mà phải nâng cao được ý thức, tính trách nhiệm của cộng đồng dân cư, không để xảy ra tình trạng đám đông tụ tập ở hiện trường vụ cháy làm “khán giả”, không giúp gì mà còn cản trở hoạt động chữa cháy”.