Phải có trách nhiệm tới cùng với người dân

ANTĐ - Hôm qua, 19-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề quan trọng, ý kiến còn khác nhau của các dự án Luật việc làm; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng và dự án Luật tiếp công dân.
Phải có trách nhiệm tới cùng với người dân ảnh 1
Tiếp nhận đơn thư theo hướng nhanh chóng giải quyết, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân theo quy định của pháp luật


Xung quanh Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng, có ý kiến đề nghị nâng thời hạn xét tặng một số danh hiệu thi đua, danh hiệu vinh dự nhà nước, giải thưởng nhà nước, xem đây là một trong những giải pháp nhằm nâng cao tiêu chuẩn, đảm bảo tính tiêu biểu, tôn vinh đối với các danh hiệu này, khắc phục việc công nhận danh hiệu thi đua, xét khen thưởng tràn lan. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, việc nâng thời hạn sẽ không đảm bảo mục tiêu thi đua, khen thưởng kịp thời, ảnh hưởng đến lợi ích của những trường hợp nghỉ hưu, chuyển công tác... Một số ý kiến băn khoăn về hành động cá nhân anh hùng xuất hiện trong một hoàn cảnh rất đặc biệt, nếu để 5 năm sau mới xem xét thì không hiệu quả, phải kịp thời tôn vinh biểu dương và đặt đúng vị trí, có như vậy mới có tính khuyến khích. 

Cũng trong chiều 19-8, UBTVQH đã nghe và cho ý kiến về dự án Luật việc làm. Nhiều đại biểu cho rằng không nên mở rộng áp dụng bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động thuộc khu vực không có quan hệ lao động vì chưa phù hợp với năng lực quản lý của các cơ quan, tổ chức trong thời điểm hiện nay, có thể dẫn tới mất cân đối Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Theo đó, dự thảo Luật đã được chỉnh lý, chỉ mở rộng thêm đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động có hợp đồng lao động từ 3 tháng đến dưới 12 tháng. 

UBTVQH cho rằng, bảo hiểm thất nghiệp là một loại hình bảo hiểm xã hội ngắn hạn có tính chất chia sẻ cao giữa những người cùng tham gia và người lao động chỉ được hưởng chính sách này khi gặp rủi ro mất việc làm. Theo quy định của pháp luật hiện hành, viên chức cũng là đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Tính đến 31-12-2012, tổng số viên chức thuộc khu vực sự nghiệp công có khoảng 1,79 triệu người. Vì vậy, việc tiếp tục quy định viên chức thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp trong dự thảo Luật là phù hợp.

Góp ý vào dự án Luật Tiếp công dân, Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, bà Trương Thị Mai cho rằng, tiếp công dân là để có lợi cho người dân, do đó, không nên thiết lập quy trình mang tính chất hành chính quá cứng nhắc. Trong khi đó, dự thảo Luật Tiếp công dân lại có quy định: “Khi đến nơi tiếp công dân, người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh phải có nghĩa vụ xuất trình giấy tờ tuỳ thân hoặc giấy uỷ quyền và các giấy tờ có liên quan khác”.

Bà Trương Thị Mai thắc mắc: “Giấy tờ có liên quan khác là những giấy tờ gì? Quy định chặt chẽ với người đi kiến nghị, có thể làm cản trở công dân khi muốn khiếu kiện, góp ý. Trong khi cơ quan hành chính cũng là cơ quan của dân, vì người dân bầu ra, vì vậy phải phục vụ dân”. Cùng quan điểm, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương cho rằng, việc tiếp công dân phải thường xuyên, không quá trang trọng về thủ tục hành chính. Quá trình giải quyết không nên đặt ra quá lâu, quá nặng nề. Một số ý kiến khác cũng đồng ý quan điểm việc giải quyết, trả lời khiếu nại, tố cáo của dân hiện nay thường diễn ra “lòng vòng” từ trên xuống dưới, từ cơ quan này sang cơ quan khác nên người dân phải chờ đợi kết quả lâu, chưa nói đến việc văn bản trả lời không làm cho họ thấy thoả đáng.

Nhấn mạnh việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cơ quan tiếp dân phải đạt được mục đích và yêu cầu của người dân, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng, tiếp dân phải có hơi thở cuộc sống, tức là phải giải quyết được vấn đề. Ông Nguyễn Kim Khoa, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh góp ý: “Cần quy định trụ sở tiếp công dân phải trả lời công dân thì mới giải quyết được vấn đề, chứ không để người dân đi hết chỗ nọ đến chỗ kia trình bày”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhắc nhở, trụ sở, cơ quan tiếp dân phải phân loại xem đơn gửi có đúng địa chỉ hay không để tránh lòng vòng, nếu không đúng phải hướng dẫn người dân gửi đúng địa chỉ. Chủ tịch Quốc hội nói: “Nếu đơn gửi đến Bộ trưởng hay Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố thì thời hạn bao lâu để trả lời? Nếu nơi giải quyết mà sai thì sao? Còn nếu không giải quyết được thì phải như thế nào? Phải quy định vào đây để đảm bảo tính khả thi. Cần có trách nhiệm đến cùng với người dân”.

Trả lời chất vấn về cấp “sổ đỏ”

Hôm nay, 20-8, tại phiên họp thứ 20 của UBTVQH, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường và Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang sẽ trả lời chất vấn các ĐBQH theo các nhóm vấn đề. Cụ thể, Bộ trưởng Hà Hùng Cường sẽ trả lời các nội dung liên quan tới trách nhiệm trong việc tham mưu xây dựng, triển khai thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; thẩm định văn bản quy phạm pháp luật; kiểm tra việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật... Cùng ngày, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang sẽ trả lời về trách nhiệm quản lý Nhà nước về khai thác tài nguyên, khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường; kết quả triển khai việc giao và cấp “sổ đỏ”, tình trạng sử dụng đất lãng phí... Trong quá trình chất vấn, các bộ trưởng, trưởng ngành khác sẽ được chỉ định tham gia giải trình làm rõ thêm những vấn đề có liên quan. Phiên chất vấn sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp.