Phá tan "cục máu đông"

ANTD.VN - “Mùa tín dụng” cuối năm của hệ thống ngân hàng cũng là “mùa làm ăn” của cộng đồng doanh nghiệp. Một số ngân hàng thương mại lớn đã tung ra những chương trình khuyến mãi với mức lãi suất cho vay thu hút khách hàng, nhất là các doanh nghiệp đang “ăn nên làm ra”. Tuy nhiên, để hạn chế rủi ro tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục ban hành 2 công văn yêu cầu các ngân hàng thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng vượt giới hạn, nhất là khách hàng có dư nợ lớn.

Dưới góc nhìn của một số chuyên gia tài chính ngân hàng, có 2 rủi ro lớn liên quan đến hoạt động cho vay của các ngân hàng. Rủi ro lớn nhất là về thanh khoản, bởi nguồn vốn huy động tại ngân hàng chủ yếu là vốn rất ngắn hạn, trong khi cho vay các dự án lớn với thời gian dài hạn. Điều này gây áp lực cho các ngân hàng luôn phải huy động vốn để “nuôi dưỡng” các khoản tín dụng dài hạn. Rủi ro thứ hai là khả năng trả nợ của khách hàng. Với các món vay 1-2 năm, qua phân tích tín dụng của các ngân hàng có thể xác định khả năng hoàn trả của khách hàng, nhưng với các dự án 5-10 năm mới thu hồi được vốn thì rủi ro sẽ rất lớn. 

Sự thận trọng là rất cần thiết để giúp hoạt động tín dụng của hệ thống ngân hàng được an toàn và lành mạnh. Tuy nhiên, cũng vì thận trọng quá mức cần thiết, hiện nay không ít ngân hàng lên tiếng kêu khổ vì... thừa tiền, đến mức “đóng băng” trong nhà băng, trong khi các doanh nghiệp vẫn trong tình cảnh “đói khát vốn”, nhất là dịp cuối năm. Lâu nay, đã có những ý kiến kêu gọi ngân hàng và doanh nghiệp ngồi lại với nhau, tìm ra tiếng nói chung nhằm khơi thông dòng vốn ứ đọng trong “két sắt” chảy vào sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, nhất là khu vực doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ. 

Mặc dù đã có một số ngân hàng tìm đến doanh nghiệp gỡ khó những điều khắt khe cho vay vốn như tài sản thế chấp, thẩm định tính khả thi của dự án cũng như khả năng trả nợ, thu hồi vốn. Thế nhưng, những trường hợp ngân hàng “bắt tay” doanh nghiệp vì sự sống còn của doanh nghiệp cũng chính là vì lợi ích của ngân hàng, của nền kinh tế, tiếc thay chưa phải là phổ biến. Tình trạng doanh nghiệp yếu thế so với những công ty, doanh nghiệp lớn, vốn là khách hàng “thân quen” của ngân hàng, vẫn phải chầu chực “gõ cửa” ngân hàng để tiếp cận, vay vốn đang diễn ra.

Đồng tiền ứ đọng trong ngân hàng là đồng tiền “chết” không sinh lời. Dòng vốn tín dụng tắc nghẽn không lưu thông như “cục máu đông” trong huyết mạch “cơ thể” của nền kinh tế. Công cụ cạnh tranh của Việt Nam trong hội nhập nằm ở lãi suất và tỷ giá. Lãi suất của nước ta vẫn cao, tỷ giá thì ổn định “quá lâu”. Tỷ giá neo thì khuyến khích nhập khẩu lắp ráp, không khuyến khích được sản xuất xuất khẩu. Không thể có chuyện vừa xuất khẩu tốt, vừa kích thích sản xuất nếu không giảm giá VND, giảm lãi suất. Vấn đề là phải lựa chọn dứt khoát để phá tan “cục máu đông” tín dụng.