Với các doanh nghiệp nước ngoài, Hà Nội vẫn là điểm đến lý tưởng để
đầu tư sản xuất bởi chính sách và cơ chế hỗ trợ
(Trong ảnh: Sản xuất linh kiện điện tử tại một công ty FDI tại KCN Thăng Long, Hà Nội)
- PV: Kết quả xếp hạng do VCCI công bố mới đây cho thấy chỉ số PCI năm 2012 của Hà Nội không được khả quan, thậm chí bị hạ nhiều bậc so với năm 2011. Ông có nhận xét gì về thứ hạng này?
- Ông Mark Tappin: Mặc dù chỉ số PCI là một kênh thông tin hữu dụng, song đó chỉ là con số mà các doanh nghiệp dùng để tham khảo khi muốn đầu tư tại Hà Nội nói riêng và các tỉnh, thành lân cận nói chung. Với nhiều năm làm việc tại Hà Nội, tôi nhận thấy đây là thành phố có môi trường đầu tư tốt, tình hình ANTT và chính trị đảm bảo, thân thiện và an toàn. Năm 2006 khi lần đầu tiên đến Việt Nam, tôi đã nhìn thấy những tiềm năng kinh tế mà Hà Nội có thể tiến xa hơn trong tương lai. Cho đến thời điểm này, chính quyền thành phố đã có những bước tiến trong việc hoạch định chính sách, cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nước ngoài có mong muốn đầu tư vào một số lĩnh vực tiềm năng. Cá nhân tôi, khi lựa chọn một môi trường kinh doanh mới, tôi chưa từng để ý đến những chỉ số xếp hạng, bởi theo tôi những con số này ít nhiều chỉ là những con số trên giấy, không mang giá trị thực.
- Giả sử là một doanh nghiệp lần đầu đến Việt Nam, mong muốn chọn Hà Nội là điểm đầu tư, vậy tiêu chí nào sẽ được ông đặt lên bàn cân khi quyết định tìm kiếm cơ hội kinh doanh?
- Khi lựa chọn một môi trường đầu tư mới, bất cứ doanh nghiệp nào cũng luôn có những tính toán kỹ lưỡng. Nếu chọn Hà Nội là điểm đầu tư, tìm kiếm cơ hội kinh doanh, điều mà tôi quan tâm đó là môi trường cạnh tranh và chính sách hỗ trợ của chính quyền thành phố trong thủ tục thành lập doanh nghiệp, đào tạo lao động và những thiết chế pháp lý gắn liền với doanh nghiệp trong quá trình hoạt động. Bên cạnh đó, văn hoá và môi trường cũng là một trong những yếu tố tích cực khiến doanh nghiệp có “cảm hứng” và duy trì năng lượng trong quá trình đầu tư, kinh doanh. Tôi thường nhìn vào xu hướng phát triển mang tính lâu dài, chứ không bằng cảm quan và đánh giá nào khác.
- Chưa bàn đến những tiêu chí mà nhóm nghiên cứu VCCI khảo sát đối với các doanh nghiệp, nhưng chỉ dựa trên đánh giá của hơn 200 doanh nghiệp trong tổng số hàng chục nghìn doanh nghiệp đang kinh doanh tại Hà Nội, theo ông đây có phải là đánh giá “hẹp”, thiếu sức thuyết phục?
- Rất có thể đây chưa phải là con số phản ánh trung thực, khách quan nhất. Bởi, có những tiêu chí chỉ đúng trên sách vở, trong bài giảng nhưng khi áp dụng trong thực tế lại không mang thông điệp sống. Cụ thể, với những khảo sát mà VCCI đưa ra, có thể đúng với doanh nghiệp này nhưng lại không đúng với doanh nghiệp khác. Hơn nữa, con số khảo sát của VCCI là quá nhỏ so với tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, kinh doanh tại Hà Nội. Do đó, không ai dám chắc rằng những chỉ số này chính xác 100%. Trên thực tế, khi lựa chọn môi trường đầu tư, mỗi doanh nghiệp đã có sẵn chiến lược kinh doanh của mình. Khi đó, họ gần như biết chắc điểm đến đầu tư để lựa chọn đối tượng, cơ hội tiềm năng phát triển trong tương lai. Nếu chỉ dựa trên chỉ số PCI thì chưa đủ sức thuyết phục
- Theo ông chỉ số xếp hạng PCI của những nước khác có được coi là tiêu chí thuyết phục cho các nhà đầu tư và ngược lại đối với Việt Nam?
- Như tôi đã nói, doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam chỉ coi bảng xếp hạng PCI như là kênh thông tin để tham khảo. Nhiều năm làm việc tại một số nước như Anh, Mỹ… tôi nhận thấy, những thông số PCI mà nhiều tổ chức khảo sát, đánh giá cũng không được nhiều doanh nghiệp “tâm phục, khẩu phục”, thậm chí họ còn cho đây là bảng xếp hạng không có giá trị, giống như để làm cảnh. Bởi, những tiêu chí đánh giá mà các tổ chức đưa ra được chạy trên một phần mềm có sẵn. Từ những tiêu chí này, nhóm nghiên cứu sẽ khảo sát các doanh nghiệp để đưa ra kết quả. Trong trường hợp phần mềm đó quá cũ, hoặc không còn phù hợp với thực tế thì kết quả sẽ càng không có sức thuyết phục.