![]() |
EVFTA thúc đẩy tích cực quan hệ thương mại Việt Nam- EU |
Năm nay, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) kỷ niệm năm năm thực thi Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA).
EuroCham cho biết, 66% doanh nghiệp tham gia khảo sát chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) quý II-2025 đang tích cực tham gia vào hoạt động thương mại EU–Việt Nam hoặc các lĩnh vực hỗ trợ chuỗi cung ứng như hậu cần, kho bãi và phân phối – cho thấy mối liên kết thương mại ngày càng sâu sắc giữa hai bên.
Kết quả khảo sát cũng phản ánh sự ghi nhận ngày càng rõ rệt từ phía doanh nghiệp đối với những lợi ích thiết thực mà EVFTA mang lại. Cụ thể, có tới 98,2% doanh nghiệp được khảo sát cho biết họ đã biết đến EVFTA.
Ông Bruno Jaspaert- Chủ tịch EuroCham cho hay: “Gần một nửa trong số đó báo cáo rằng hiệp định mang lại lợi ích từ mức trung bình đến đáng kể cho hoạt động kinh doanh của họ – một tín hiệu rõ ràng cho thấy chúng ta đang đi đúng hướng”.
Dữ liệu khảo sát cũng cho thấy mức độ thụ hưởng từ EVFTA có sự khác biệt tùy theo quy mô doanh nghiệp. Các doanh nghiệp lớn thường ghi nhận lợi ích nổi bật hơn, đặc biệt trong hoạt động xuất khẩu từ EU sang Việt Nam.
Trong khi đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ lại đóng vai trò tích cực hơn trong việc thúc đẩy thương mại hai chiều, đặc biệt ở chiều xuất khẩu từ Việt Nam sang EU.
Một trong những chuyển biến đáng chú ý nhất trong năm qua là tỷ lệ doanh nghiệp xác định ưu đãi thuế quan là lợi ích nổi bật của EVFTA đã tăng vọt – từ 29% trong quý II-2024 lên đến 61% trong quý II-2025. Sự gia tăng này phản ánh hiệu quả của lộ trình cắt giảm thuế theo từng giai đoạn, cũng như mức độ tận dụng ngày càng cao các điều khoản ưu đãi của hiệp định.
Tổng kim ngạch thương mại giữa EU và Việt Nam đã tăng 40% kể từ năm 2020, theo số liệu của Bộ Công Thương. Dù chỉ có 21% doanh nghiệp được khảo sát cho biết có thể định lượng lợi nhuận trực tiếp từ EVFTA, mức tăng trung bình mà nhóm này ghi nhận vào lợi nhuận ròng là 8,7% – với một số doanh nghiệp báo cáo con số ấn tượng lên tới 25%.
Tuy nhiên, theo EuroCham, việc khai thác trọn vẹn tiềm năng của EVFTA còn phụ thuộc vào nhiều nỗ lực phối hợp. Một trong những rào cản nổi bật hiện nay là vấn đề định giá hải quan: 37% doanh nghiệp tham gia khảo sát xác định là trở ngại chính.
Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp phản ánh rằng sự khác biệt trong cách phân loại sản phẩm giữa cơ quan hải quan Việt Nam và EU thường xuyên dẫn đến tranh cãi về mức thuế suất và kéo theo các quy trình xử lý phức tạp, mất thời gian.
Bên cạnh đó, những thách thức khác như hệ thống pháp lý còn chưa rõ ràng, cũng như khoảng cách trong giao tiếp với các cơ quan chính quyền địa phương, tiếp tục cản trở việc tận dụng hiệu quả các ưu đãi trong hiệp định – phản ánh phần nào những bất cập đã được nêu trong tâm lý kinh doanh chung của cộng đồng doanh nghiệp.
Để vượt qua các rào cản này, nhiều doanh nghiệp đã kiến nghị những giải pháp cụ thể như: đơn giản hóa quy trình nhập khẩu, tăng cường ứng dụng công nghệ số và các nền tảng khai báo điện tử, cũng như cho phép cơ chế tự chứng nhận xuất xứ.
Ngoài ra, 28% số doanh nghiệp mong muốn có hướng dẫn và thực thi hải quan nhất quán hơn, trong khi 22% đề xuất cần đẩy mạnh việc loại bỏ các rào cản kỹ thuật trong thương mại.
Ở nhiều khía cạnh, EVFTA chính là minh chứng cho những gì có thể đạt được khi cải cách đi đôi với sự gắn kết mạnh mẽ từ cộng đồng doanh nghiệp. Để phát huy trọn vẹn động lực này, Việt Nam cần tiếp tục thúc đẩy sự rõ ràng và nhất quán trong thực thi – không chỉ mở cửa tiếp cận, mà còn đảm bảo tính bền vững và tin cậy của môi trường đầu tư.