Ông ‘‘khảo cổ” đi thi âm nhạc

ANTĐ - Đọc trên báo chí, thường chỉ thấy cái tên PGS.TS Nguyễn Lân Cường xuất hiện cùng với những công trình khảo cổ học, những bộ xương người hàng nghìn năm, rồi thì việc ông chịu trách nhiệm lãnh đạo nhóm phục dựng, tu bổ nhục thân của các vị thiền sư ở các chùa Đậu, Tiêu Sơn, Phật Tích… Ấy vậy mà lần này hẹn gặp ông, lại thấy ông hớn hở khoe rằng: Tớ đang có mấy bài hát dự thi, có bài đoạt giải rồi đấy. Vâng, với bút danh là Lân Cường, hiện ông là Chánh Văn phòng Hội Âm nhạc Hà Nội, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nhạc Hà Nội… 
Ông ‘‘khảo cổ” đi thi âm nhạc ảnh 1

Đau đáu nhạc thiếu nhi

Được biết Hội Âm nhạc Hà Nội và Công ty TNHH Nghệ thuật An Việt đang  làm “Tổng tập Giai điệu vàng tuổi thần tiên”, tập hợp tất cả những bài hát thiếu nhi từ 100 năm trở lại đây. Có điều lạ là bao nhiêu nhạc sĩ trẻ ở Việt Nam, hầu như chẳng mấy ai sáng tác nhạc cho thiếu nhi, nhìn đi nhìn lại chỉ những ông “đầu bạc” là cứ đau đáu rằng thiếu nhi lâu lắm rồi chả có mấy bài hát hay. Mấy ông nhạc sĩ mới ngồi lại với nhau để làm cái “Tổng tập Giai điệu vàng tuổi thần tiên”, đến nay ban biên tập vừa soạn thảo xong tập đầu tiên bao gồm những sáng tác dành cho thiếu nhi của các nhạc sĩ sinh từ năm 1910 đến 1929. 

Thời gian gần đây, ông “nhục thân”  Lân Cường suốt ngày tất bật với việc làm “liên lạc viên” của dự án. Ông bảo các nhạc sĩ Việt Nam thế hệ trước sáng tác cho thiếu nhi, như nhạc sĩ Phạm Tuyên có gần 500 ca khúc cho tuổi thơ, các nhạc sĩ khác như Hoàng Lân, Hoàng Long, Hàn Ngọc Bích, Mộng Lân, Phạm Trọng Cầu, Phan Huỳnh Điểu, Trương Quang Lục, Hoàng Giai, Văn Dung, Vũ Trọng Tường, Cao Minh Khanh, Bùi Anh Tú, Vũ Nhân, Nguyễn Ngọc Thiện… cũng có hàng chục, hàng trăm bài. Nhưng bây giờ nhiều người lớn cũng quên mất, thành ra trẻ con không được biết tới.

Thông tin về dự án được truyền tải trên website của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, ngay lập tức đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các nhạc sĩ, đến nay NS Lân Cường đã nhận được hơn 800 ca khúc của 121 tác giả khắp cả nước gửi về, trong đó 1/3 con số này là ca khúc mới. “Nếu chúng tôi không làm ngay và tập hợp hết thì chúng sẽ dần mai một mất. Các nhạc sĩ nổi tiếng của thiếu nhi giờ đều đã già cả rồi. Lớp nhạc sĩ trẻ ngày nay thì mấy ai sáng tác cho thiếu nhi nữa, hoặc có sáng tác cũng ít được phổ biến. Việc biên soạn tập sách này nằm trong kế hoạch triển khai một dự án lớn là cuộc thi sáng tác bài hát thiếu nhi “Giải thưởng cánh én tuổi thơ” do Công ty TNHH Nghệ thuật An Việt, Hội Âm nhạc Hà Nội, VTV6, TƯ Đoàn tổ chức.” - nhạc sĩ chia sẻ. 

Tôi đến với âm nhạc cũng lâu rồi

Nhạc sĩ  Lân Cường cũng khoe với tôi 3 sáng tác cho thanh thiếu nhi gần đây nhất, đó là “Chú bộ đội dạy cho em cái chữ”;  “Đèn đỏ, đèn xanh”;  “Em chịu thôi”  và bảo, “thật ra mọi người ít biết chứ tôi đến với âm  nhạc khá lâu  rồi, suýt nữa còn trở thành nghệ sĩ kịch nói thực thụ nữa cơ”. Chả là khi mới vào đại học năm 1960, ông nghe nói Bộ Văn hóa có tổ chức thi tuyển diễn viên kịch nói đi học tại Mátxcơva. Dù biết có hàng trăm thí sinh mà chỉ chọn 15 người nhưng ông vẫn thử. Không ngờ qua 3 lần thi ông đỗ và đã đi học bổ túc tiếng Nga để chuẩn bị đi du học. Tiếc thay vì chủ trương của Bộ Văn hóa thay đổi, nên cả đoàn bị hoãn vô thời hạn. 

Ngay từ năm 1960, ông đã từng chỉ huy dàn nhạc và hợp xướng của Trường Phổ thông Việt - Đức giành giải Nhất trong phong trào ca hát của sinh viên, học sinh Thủ đô. Tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông về công tác ở Viện Khảo cổ học với những công trình nghiên cứu các di cốt người cổ. Công việc tưởng như khô khan, nhưng chính việc được đi đây đi đó khiến tâm hồn nghệ sĩ của ông càng bay bổng, và những bản nhạc cứ ra đời ở mỗi vùng đất ông qua: Tiếng hát bản Mường, Ba điểm 10, Về đây mái trường xưa, Cô giáo bản Giàng, 2 viên “as-pêrin”, “Book” Hồ sống mãi với lũ làng, Chào Hà Nội tôi lên đường nhập ngũ, Con sẽ làm nghề gì? Về đây mái trường xưa, Bài ca người thợ bẻ ghi, Giây phút ngỡ ngàng, Con về thăm nhà sàn của Bác, Tạm biệt Hà Nội của em…

Năm 1976, nhân cuộc viếng thăm Cuba của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, ông xúc động viết ca khúc Viva Cuba! Viva Việt Nam. Bài hát sau đó được chọn mở đầu cho chương trình ca múa nhạc của Đoàn văn công Việt Nam đi tham dự Festival ở La Habana năm 1978. Năm 1992, nhân cuộc vận động sáng tác ca khúc cho “Trẻ em hôm nay thế giới ngày mai”, của tổ chức UNICEF và Hội Nhạc sĩ Việt Nam, ông dự thi ca khúc Con búp bê của em. Bài hát đã được tặng giải Nhì. Năm 2001 ông cùng các nhạc sĩ của Hà Nội lên thăm Trung tâm bảo trợ xã hội 2, Ba Vì, xúc động trước những lời bộc bạch của một em gái 17 tuổi bị nghiện ma túy, nhạc sĩ đã viết ca khúc Về đi em và gửi cho cô gái đó. Sau này bài hát đã đoạt giải của Sở Tư pháp và Hội Âm nhạc Hà Nội. 

Rồi với công việc đặc thù, ông cũng sáng tác nhiều tác phẩm gắn liền với nghề như bản hợp xướng 3 chương Bài ca địa chất (được giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam) hay ca khúc Cảm xúc Hoàng thành  cũng nhận được giải thưởng của Hội Âm nhạc Hà Nội. Hay như trong dịp Tiger Cup 1998, khi đội tuyển Việt Nam thắng đội tuyển Thái Lan. Trong lúc hòa cùng dòng người mừng chiến thắng, ông đã viết ca khúc Việt Nam chiến thắng. Nhưng không may, trận chung kết ta lại thua Singapore, thế là bài hát đành nằm trong ngăn kéo. Mãi 10 năm sau, khi Việt Nam vô địch AFF cup, lúc này bài hát của ông đã vang lên khắp nơi để mừng chiến thắng đội nhà.

Mặc dầu đã qua cái tuổi thất thập cổ lai hy, nhưng đều đặn hơn một năm nay sáng chủ nhật nào người ta cũng thấy ông lên trụ sở của Hội Âm nhạc Hà Nội ở 19 Hàng Buồm, cùng với NS, TS. Thiếu Hoa, NSƯT Bích Việt để dàn dựng cho Đoàn hợp xướng HANOI HARMONY. Thầy trò họ làm việc hết mình nhưng không một đồng thù lao. Họ đến với nghệ thuật bằng cả tấm lòng của mình. Cứ xem ông chỉ huy hợp xướng nhân ngày âm nhạc Việt Nam vừa qua thì không ai nghĩ ông đang ở tuổi 72. Và nếu ai gặp ông dù chỉ một lần cũng không thể quên nụ cười đôn hậu trên môi ông, một trái tim nhiệt huyết cả với khoa học lẫn âm nhạc…