Ôn thi tốt nghiệp vẫn học “dồn toa”

ANTĐ - Ngày 2-4, Bộ GD-ĐT tiếp tục yêu cầu các trường THPT không được cắt xén chương trình từ nay đến hết năm học dù phải tập trung cao độ cho ôn thi tốt nghiệp THPT.

Thí sinh quá tải ôn thi vì cách dạy, học và thi cử không thực chất

Kín lịch “rèn” học sinh yếu kém

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT vừa đưa ra hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2013 với yêu cầu các địa phương tuyệt đối không được cắt xén chương trình đã quy định và có các giải pháp hiệu quả tổ chức ôn tập cho học sinh lớp 12 phù hợp với từng trường, từng nhóm đối tượng học sinh. Bộ GD-ĐT cũng nhấn mạnh tổ chuyên môn, giáo viên dạy các môn thi tốt nghiệp THPT phải chủ động tổ chức việc ôn tập giúp học sinh học tập ở các mức độ nhận thức thông hiểu và vận dụng kiến thức. Cũng theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, giáo viên chủ nhiệm lớp chủ động phối hợp với giáo viên dạy các môn thi tốt nghiệp để phân nhóm học sinh theo khả năng nhận thức và phải thống nhất với học sinh và cha mẹ học sinh để sắp xếp thời gian ôn tập hợp lý, đảm bảo sức khỏe của học sinh, ôn tập có hiệu quả nhưng không gây quá tải.

Hướng dẫn của Bộ GD-ĐT khá chu đáo nhưng xem ra các yêu cầu này không dễ thực hiện. Để đối phó với kỳ thi này, trường THPT Nguyễn Việt Hồng, Cần Thơ lên kế hoạch xếp 6 môn thi vào các buổi sáng cho học sinh lớp 12, sau khi có kết quả thi học kỳ II, học sinh yếu kém sẽ được tổ chức thành từng lớp riêng ôn tập vào buổi chiều, học liên tục từ 22-4 đến 29-5. Đồng thời, trường này phân công giáo viên là những thầy cô có nhiều kinh nghiệm dạy ôn tập và dò bài cho các em vào buổi tối. Cùng với đó, vào giờ truy bài các buổi tối trường sẽ vận động một số học sinh khá, giỏi tự nguyện vào trường giúp bạn ôn tập. 

Với việc bố trí lịch kín cả 3 buổi học trong cả tháng như vậy, quá tải là không tránh khỏi với cả học sinh lẫn giáo viên. Điều này chứng tỏ thực tế diễn ra không như yêu cầu của Bộ GD-ĐT.

“Không thi là không học”

“Hiện ở Việt Nam vẫn còn tình trạng thi thế nào, học thế ấy. Không thi là không học” - TS. Nguyễn Tùng Lâm, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Hà Nội nhận xét. Trước tình trạng đối phó với kỳ thi tốt nghiệp bằng cách nhồi nhét kiến thức cả năm trong vòng 1 tháng trước kỳ thi, TS. Nguyễn Tùng Lâm khẳng định, người học phải được trang bị động cơ học tập đúng đắn. “Chúng ta phải nhấn mạnh quy luật học thực là học cho cá nhân, có thầy giỏi mấy mà người học không học thì thầy cũng chịu” - TS. Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.

“Việc người học không chịu học, chỉ trông chờ học tủ, vào mách nước của thầy cô với các mẹo làm bài thi, thậm chí chờ quay cóp, nhắc bài thì giáo dục mãi mãi không có chất lượng. Học sinh phải biết cách tự học, thường xuyên quyết tâm chăm lo đến kết quả thực chất của quá trình học tập của mỗi người. Nếu thi cuối kỳ, cuối năm không đủ điểm thì cả thầy lẫn trò phải chấp nhận  học lại” - TS. Tùng Lâm chỉ ra những điểm yếu của cách dạy và học hiện nay. 

“Để cho các kỳ thi tốt nghiệp đi vào thực chất thì khâu tổ chức thi cũng cần được khoa học hơn. Tức là phải hỏi những phần người học hiểu, không ra đề về những kiến thức sách vở để thí sinh có cơ hội chép tài liệu hay nhắc bài nhau. Muốn có được đề thi như thế trong năm, nhà trường, thầy cô, học sinh cần phải được làm quen dần chứ không thể ra bất ngờ được. Quan điểm của tôi thi là đánh giá năng lực của con người ứng phó với một tình huống rất cụ thể, cuộc đời cần như thế chứ không phải kiểm tra tất cả các kiến thức đã học” - TS. Tùng Lâm gợi ý về hướng đổi mới kỳ thi tốt nghiệp sắp tới.