Nữ chiến sĩ công an luôn thánh thiện

(ANTĐ) - Chỉ trong thời gian ngắn, Đại tá Phan Gia Liên đã trở thành một hiện tượng khi trở thành nữ kịch gia hiếm hoi chuyên viết về ngành công an. Nỗi ám ảnh về sự hy sinh của những người chiến sỹ, đặc biệt là các nữ chiến sỹ công an đã khơi gợi trong bà nguồn cảm hứng để viết 11 vở kịch.

Nữ kịch gia Phan Gia Liên:

Nữ chiến sĩ công an luôn thánh thiện

(ANTĐ) - Chỉ trong thời gian ngắn, Đại tá Phan Gia Liên đã trở thành một hiện tượng khi trở thành nữ kịch gia hiếm hoi chuyên viết về ngành công an. Nỗi ám ảnh về sự hy sinh của những người chiến sỹ, đặc biệt là các nữ chiến sỹ công an đã khơi gợi trong bà nguồn cảm hứng để viết 11 vở kịch.

Đại tá Phan Gia Liên
Đại tá Phan Gia Liên

Nỗi ám ảnh về người chiến sỹ CAND

Nhiều lần đi xem các vở kịch, thứ ánh sáng lung linh, huyền ảo của sân khấu tỏa ra từ các vai diễn khiến Đại tá Phan Gia Liên chạnh lòng khi nghĩ về các đồng đội của mình. Họ là những con người bằng xương bằng thịt, sẵn sàng hy sinh cả mạng sống của mình đem lại sự bình yên cho nhân dân lại chưa nhận được sự quan tâm nhiều của các kịch gia. 15 năm làm trinh sát đã từng kề vai sát cánh cùng các đồng đội trong nhiều chuyên án, sự gian khổ và hy sinh của những chiến sĩ công an giờ đây lại trở thành nỗi ám ảnh thôi thúc bà cầm  bút. Chắt chiu lại ký ức, mỗi vở kịch được bà viết ra, người chiến sỹ nào cũng thấy được bóng dáng của mình trong đó. Vất vả, hy sinh hạnh phúc cá nhân cho niềm vui chung của nhân dân hay những nỗi niềm đều được bộc bạch qua từng nhân vật, qua từng số phận.

Có điều, nếu xem kỹ hơn các vở kịch của Đại tá Phan Gia Liên, khán giả có thể thấy tác giả đã có phần ưu ái dành cho phái nữ ngay cả ở những vai diễn phản diện. Bởi theo bà, phụ nữ là phái đẹp là thánh thiện, nhất là những người nữ chiến sỹ CAND càng đáng được tôn vinh, trân trọng cho những hy sinh hạnh phúc cá nhân của họ. Trong vở “Hoa thép”, hình ảnh của người nữ chiến sỹ công an được khắc họa rõ nét nhất, dũng cảm, mưu trí trong chiến đấu nhưng dịu dàng, luôn lo lắng cho gia đình. Mỗi một chi tiết trong vở kịch đều được bà chắt lọc từ những sự việc đời thường của nữ chiến sỹ công an.

Và khi vở kịch được diễn cho các đồng chí nữ xem nhân ngày 8-3 đã không ít người rơi nước mắt. Cô Sen trong “Hoa thép” bị chồng rầy la thậm chí tức giận đến mức hắt cả mâm cơm đổ đi cũng là trường hợp mà ai đó đã trải qua, đã từng nhẫn nhịn, hy sinh trong gia đình để cùng đồng đội đi phá án. Không chỉ xây dựng hình ảnh đẹp về những nữ chiến sĩ công an, mà ngay cả những nhân vật nữ phản diện cũng được tác giả nhìn với cái nhìn thánh thiện, cái nhìn của một người phụ nữ. Trong vở kịch “Đối đầu”, nhân vật phản diện nữ điệp viên ở bên kia chiến tuyến đã được bà xây dựng góc cạnh, nham hiểm nhưng bản ngã của con người đã đưa nữ điệp viên về phía lương thiện.

Chỉ cần có tình yêu

Còn rất nhiều câu chuyện về các nữ chiến sỹ công an mà theo Đại tá Phan Gia Liên, cuộc đời và những chiến công của mỗi người xứng đáng để viết nên một vở kịch. Một cô Sen trong “Hoa thép” chưa đại diện hết cho hàng nghìn phụ nữ mang quân hàm của ngành công an. Một cái chết của nữ điệp viên đứng trong hàng ngũ của địch chưa đại diện hết cho cái xấu sẽ đầu hàng trước cái thiện. Và đây cũng là điều mà Đại tá Phan Gia Liên luôn trăn trở khi đặt bút viết. Bà luôn đặt ra một cái kết có hậu, mở ra một con đường tươi mới và thênh thang cho người lầm lỗi và vinh danh những người Anh hùng.

Hình ảnh nữ chiến sĩ công an giữa đời thường trong vở kịch “Hoa thép” của Đại tá Phan Gia Liên

Hình ảnh nữ chiến sĩ công an giữa đời thường trong vở kịch “Hoa thép” của Đại tá Phan Gia Liên

Đến với những kịch bản sân khấu khi đã về với đời thường, khi những ngày tháng cùng đồng đội phá án chỉ còn là những ký ức nhưng Đại tá Phan Gia Liên vẫn muốn được cống hiến và giúp công chúng hiểu hơn về ngành công an, về người chiến sỹ CAND ở nhiều khía cạnh khác nhau của cuộc chiến đấu chống lại cái ác, bảo vệ công lý. Bà đã lao vào viết kịch bản bằng tất cả sự nhiệt huyết, bằng tất cả sự đam mê, và bằng trái tim yêu thương, đồng cảm với những người đồng đội của mình. Và hàng loạt kịch bản được ra đời như thế. Với Đại tá Phan Gia Liên thì khi viết về những người chiến sĩ công an, điều quan trọng nhất là cần phải hiểu và có tình yêu với ngành công an. “Tôi tin rằng chỉ cần có tình yêu với ngành công an thì những kịch gia chuyên nghiệp, nổi tiếng sẽ có những tác phẩm hay và sâu lắng về người chiến sỹ CAND” - đó cũng là lời chia sẻ và kinh nghiệm được bà đúc rút ra sau quãng thời gian sống cùng  những vai diễn về người chiến sỹ CAND.

Phạm Thu Hương