Nữ chiến sĩ cảnh vệ (trái) bảo vệ Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra sang thăm Việt Nam
(ảnh tư liệu)
Gian nan vào nghề
Do đặc thù của công tác cảnh vệ rất đặc biệt, chuyên tiếp cận bảo vệ các nữ nguyên thủ, cá Phu nhân nguyên thủ hoặc Nữ hoàng, Công chúa… các nước tới thăm Việt Nam. Công việc này đòi hỏi người nữ cảnh vệ ngoài nhan sắc, ngoại hình thì còn phải có những tố chất nghiệp vụ đặc biệt. Vì vậy về nghiệp vụ, so với các đồng nghiệp nam, những nữ cảnh vệ không có gì khác biệt. Nghĩa là họ cũng cần phải giỏi các môn võ thuật, bắn súng, bơi lội… Không những thế, họ còn phải có trí thông minh, sự phản xạ nhanh nhạy mới được coi là đạt chuẩn. Khi đã trở thành lính ở Bộ Tư lệnh Cảnh vệ đặc biệt là ở những đơn vị có nhiệm vụ tiếp cận với đối tượng cần bảo vệ, các nữ chiến sĩ đều phải trải qua một khóa huấn luyện đặc biệt để trau dồi chuyên môn và những kỹ năng, trong đó bắn súng và võ thuật được coi là 2 môn cơ bản.
Do yêu cầu huấn luyện, cường độ tập luyện của họ thường nặng hơn so với những vị trí công tác khác, nếu không có sức khỏe, không có quyết tâm khó mà thực hiện được nhiệm vụ đó. Những nữ cảnh vệ thường là những tay súng thiện xạ với tài bắn súng điêu luyện, họ có thể điểm xạ chính xác những mục tiêu cố định và di động ở những góc bắn hiểm nhất. Tuy nhiên trong thực tế công tác tiếp cận, việc sử dụng vũ khí không phải lúc nào cũng là ưu điểm, do vậy các bài võ thuật là một lựa chọn mà bất kỳ nữ cảnh vệ nào cũng phải thuộc nằm lòng. Với các nữ cảnh vệ việc tập luyện võ thuật không hề có một chút ưu ái nào so với các đồng nghiệp nam. Đại úy Nguyễn Thị Hiệp công tác tại Phòng Tiếp cận bảo vệ các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước (Phòng 6) - Bộ Tư lệnh Cảnh vệ chia sẻ với chúng tôi: “Yêu cầu của công tác cảnh vệ ngoài môn võ thuật cơ bản của lực lượng công an còn được huấn luyện thêm những bài võ thuật nâng cao hoặc những bài võ thuật chuyên về cảnh vệ và xử lý tình huống theo chiến thuật. Đó là sự rút tỉa những miếng hay, những đòn thế vận dụng hiệu quả trong cận chiến có thể là một miếng quăng, vật của vovinam, judo, một đòn dứt điểm của karate… Để thành thạo được những miếng đòn này thực sự là một thử thách đối với phái nữ. Đó chưa kể tới việc hàng năm liên tiếp luôn phải có những đợt tập huấn để nâng cao trình độ”.
Bên cạnh những yêu cầu về sức khỏe cũng như nghiệp vụ, các nữ cảnh vệ còn phải thuần thục những kỹ năng “mềm” như khả năng sử dụng ngoại ngữ một cách trôi chảy, đồng thời phải ứng xử linh hoạt trong các tình huống bất ngờ. Ngoài ra, mỗi khi nhận nhiệm vụ, các nữ cảnh vệ còn phải thường xuyên tìm hiểu các kỹ năng giao tiếp, ứng xử để phù hợp với văn hóa quốc gia và tính cách, sở thích của đối tượng mà mình tham gia bảo vệ.
Phút thảnh thơi của nữ cảnh vệ
Những kỷ niệm với nghề
Phòng 7 - Bộ Tư lệnh Cảnh vệ là đơn vị có nhiệm vụ bảo vệ an ninh cho các nguyên thủ và các vị khách quốc tế đặc biệt đến thăm và làm việc tại Việt Nam. Với truyền thống lịch sử của đơn vị rất nhiều thế hệ các nữ cảnh vệ đã phát triển và trưởng thành từ môi trường này. Không ít người đã hàng chục năm gắn với công việc bảo vệ những nữ chính khách nổi tiếng đến từ nhiều quốc gia trên thế giới.
Với Trung úy Đặng Hồng Nhung, chị vẫn còn nhớ mãi những kỷ niệm khi lần đầu tiên được tham gia bảo vệ phu nhân của Phó Tổng thống Ấn Độ. Khi giới thiệu mình là nhân viên an ninh Việt Nam sẽ bảo vệ cho bà phu nhân Phó Tổng thống trong suốt hành trình tại Việt Nam, dường như giữa Nhung và phía phái đoàn bạn vẫn còn khoảng cách. Tuy nhiên, chứng kiến thái độ làm việc nghiêm túc và có trách nhiệm của chị, vị phu nhân Phó Tổng thống đã đặt trọn niềm tin vào người nữ cảnh vệ này. Trong những ngày làm việc tiếp theo, nếu như không nhìn thấy có nữ cảnh vệ tiếp cận Việt Nam xuất hiện mở cửa xe, thì phu nhân sẽ không bước ra khỏi xe cho dù có những vệ sĩ riêng của bà có đứng ở xung quanh. Sau này trước lúc lên đường về nước, những người cảnh vệ tiếp cận của Ấn Độ đã nói rằng họ rất cám ơn những người cảnh vệ Việt Nam vì nhờ các chị mà họ cảm thấy yên tâm và thoải mái.
Chia sẻ về công việc của mình Thượng úy Bùi Thị Thanh Nhàn lại có một góc nhìn khác: “Mỗi cuộc bảo vệ đều để lại cho tôi những ấn tượng riêng, nhưng niềm vui là sau mỗi cuộc bảo vệ là mình đã bảo vệ tuyệt đối an toàn cho đối tượng cảnh vệ”. Thượng úy Nhàn cho biết, với công việc của các chị, một yếu tố góp phần vào những thành công đó là sự chân thành cởi mở, sự vui vẻ của người mà mình bảo vệ. Trong chuyến bảo vệ phu nhân của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào đến thăm Việt Nam. Đây là chuyến bảo vệ đầu tiên nên Nhàn không tránh khỏi những lo lắng, hồi hộp. Tuy nhiên khi đứng ở chân cầu thang máy bay và chứng kiến phu nhân bước xuống, chắp tay chào theo đúng nghi lễ của nước bạn Lào, cười rất tươi và hiền hậu với mình, tự nhiên mình cảm thấy bớt đi phần lo lắng và tự tin thực hiện nhiệm vụ. Sau mỗi cuộc làm việc hay những lần đi tham quan bà luôn nói câu cảm ơn bằng tiếng Việt, nhưng điều tưởng chừng nhỏ như vậy nhưng lại khiến Nhàn cảm thấy vui, tự tin để hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Công việc đặc biệt
Nhắc đến nhiệm vụ bảo vệ các chính khách, nguyên thủ quốc gia tới thăm Việt Nam, người ta thường hình dung đến hình ảnh những chiến sĩ cảnh vệ rắn rỏi, nghiêm nghị thậm chí có phần lạnh lùng. Trung úy Đặng Hồng Nhung chia sẻ nhiều lần đi làm công tác bảo vệ, có những lúc đến chỗ đông người, nhìn thấy người quen và thân với mình nhưng vẫn phải coi như là không nhìn thấy. Nhung bảo những lúc như vậy thường phải tập trung tối đa cho công việc của mình nên nếu có gặp… người yêu thì cũng đành ngó lơ. Với những nữ cảnh vệ, ngoài việc tập luyện võ thuật thường xuyên đôi lúc làm giảm bớt đi sự nữ tính thì việc phải xuất hiện trong trang phục vest với tư thế tác phong nghiêm nghị từ cử chỉ cho đến ánh mắt khiến nhiều người cảm thấy họ có vẻ khó gần. Tuy nhiên, yêu cầu công tác là như vậy. Công việc đòi hỏi những cô gái này phải thường xuyên tập trung quan sát xung quanh để nắm bắt, phán đoán tình huống. Ngoài ra trong lúc bảo vệ đoàn, cử chỉ, ánh mắt chính là sự thể hiện tính chuyên nghiệp, sự tự tin và uy lực của mỗi sỹ quan tiếp cận. Do vậy sau mỗi lần đi công tác các nữ cảnh vệ luôn phải tự học cho mình cách bình tĩnh, thả lỏng cơ thể để lấy lại sự cân bằng.
Do yêu cầu của công việc, trong hầu hết trong các cuộc tiếp cận, họ đều phải bám sát tất cả mọi tình huống để bảo vệ khách quốc tế 24/24h kể từ lúc đoàn khách xuống máy bay cho đến khi họ lên máy bay về nước. Với thiên chức của người phụ nữ trong gia đình, các chị đã phải chịu rất nhiều những thiệt thòi, và hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ. Thực tế có nhiều chuyến công tác đột xuất, bất ngờ các nữ cảnh vệ chỉ kịp gọi điện thông báo cho gia đình rồi xách quần áo đi công tác ít nhất là cũng phải 2, 3 ngày. Do vậy, lãnh đạo Bộ Tư lệnh cũng như chỉ huy đơn vị luôn có sự quan tâm và tạo những điều kiện tốt nhất cho các chị em để bù đắp lại những thiệt thòi đó.
Mỗi lần tham gia công tác bảo vệ tiếp cận là một lần thử thách bản lĩnh cũng như sức chịu đựng của các nữ cảnh vệ. Bởi mỗi chuyến bảo vệ là mỗi lần phải đối mặt với những tình huống, những khó khăn vất vả khác nhau. Thế nhưng khi được hỏi về công việc của mình, các nữ chiến sĩ cảnh vệ đều coi đó là một vinh dự và tự hào vì được đại diện cho nữ Công an Việt Nam để bảo vệ những những nhân vật hết sức quan trọng đối với quốc gia và quốc tế. Và cùng với sự vinh dự đó họ luôn xác định cho mình trách nhiệm thường xuyên học hỏi, trau dồi và không ngừng rèn luyện để đáp ứng nhiệm vụ được giao phó.