“Nữ biệt động Sài Gòn” và bí quyết xây tổ ấm

ANTĐ - Ở tuổi ngoài 60 nhưng NSƯT Thanh Loan vẫn rất đẹp. Nét thanh lịch toát lên từ ánh mắt, khuôn mặt, lời nói của người con gái gốc Hà Nội. Chị kể, “phải duyên, phải số” thế nào chị lại “cưa đổ” một anh tiến sỹ vốn là “của hiếm” thời những năm 60 của thế kỷ trước. “Anh ấy ít nói, chẳng bao giờ khen vợ nhưng chu đáo và rất nể, trân trọng vợ. Với tôi, thế là hạnh phúc rồi” – nghệ sỹ Thanh Loan tiết lộ.

2 vai diễn “để đời” của NSƯT Thanh Loan: “Ni cô Huyền Trang” và... bà nội

Được tuyên dương vì… ngồi xa

Sau nhiều lần lỡ hẹn, cuối cùng, tôi cũng hẹn gặp được “ni cô Huyền Trang” của Biệt động Sài Gòn một thời. Khó có thể tin được, dù đã về hưu, nhưng bên cạnh công việc viết kịch bản, làm đạo diễn, nghệ sỹ Thanh Loan vẫn dành thời gian cho sở thích của mình là lên sàn nhảy mà người bạn nhảy thân thiết chính là chồng chị. Kể về cơ duyên hai người thành vợ chồng, chị cười, để lộ đôi núm đồng tiền duyên dáng. Năm 1972, chị đóng phim truyền hình “Câu chuyện 2 ngày đêm”, một người bạn cùng đoàn Tổng cục chính trị lại là bà thím của anh… Đầu tiên, người bạn bảo giới thiệu đứa cháu ruột cho chị, ai ngờ, gặp mặt mới biết anh hơn chị những 10 tuổi. Anh cảm mến chị ngay từ lần đầu gặp bởi nét đẹp dịu dàng, giản dị trong bộ quân phục còn chị thì nể phục anh ở tài năng.

 “Hồi đó, điều kiện gặp nhau khó khăn lắm. Đoàn đóng ở Mai Dịch, 2 tuần mình mới được về nhà 1 lần, mà đến 9h tối là phải có mặt ở đơn vị rồi. Trong quân đội, giờ giấc, kỷ luật gắt gao nên cũng không có điều kiện tiếp xúc với nhiều người. Ai mà có bạn trai thì cả đoàn biết! Thế nên, tuần nào mình không về nhà thì anh lại đạp xe từ Trung Tự lên Mai Dịch chơi. “Khổ nỗi, thời đó đơn vị rèn giũa kinh lắm. Ai có bạn trai vào chơi là mọi người cởi mở, tiếp đón nhiệt tình nhưng với điều kiện hai người phải nói chuyện công khai, cửa không được đóng. Lần đó, anh vào thăm mình. Cán bộ đi kiểm tra, thấy hai người ngồi cách xa nhau, cửa phòng mở toang, thế là sáng thứ hai tuần sau, mình được tuyên dương trước toàn đoàn. Ngẫm lại mà thấy vui vui!” – chị kể.

Biết ơn mẹ chồng

16 tuổi đã trở thành binh nhì của Trường nghệ thuật quân đội, ăn cơm theo kẻng, thế nên Thanh Loan chẳng biết đến việc tề gia nội trợ. Sau ngày lấy chồng, may mắn chị lại được mẹ chồng ân cần dạy cho những việc nhỏ nhất từ đi chợ, chọn cá, chọn rau... Chị bảo, đến cả việc nuôi 2 con nhỏ cũng một tay mẹ chồng và ông xã chăm nom, bởi cả thời trẻ, chị mải miết với những vai diễn. Chị kể: “4 năm liền đóng phim trong Sài Gòn, việc dạy dỗ, nuôi nấng 2 con đều nhờ mẹ chồng hết. 

Luôn tự nhận mình là may mắn trong khi không ít bạn bè cùng lứa phải chịu cảnh hôn nhân tan vỡ thì nghệ sỹ Thanh Loan, dù giờ đã lên chức bà nội, bà ngoại vẫn hạnh phúc bên người chồng hết mực yêu thương, cưng chiều vợ. “Anh ấy là nhà khoa học, lại học ở nước ngoài từ bé nên suy nghĩ rất hiện đại và đặc biệt là trân trọng nghề của vợ cũng như những người làm công tác văn hóa nghệ thuật. Bây giờ dù đã có tuổi, nhưng cứ mệt mỏi là anh lại chở chị đến sàn nhảy. Có hôm, anh mệt, không đi, một mình chị đến sàn, về đến nhà thì cơm nước anh đã làm xong xuôi. “Anh ấy phải sống xa nhà, tự lập từ nhỏ nên việc nội trợ còn giỏi hơn tôi ấy chứ. Giờ cứ bảo anh ấy làm món Âu là anh ấy trổ tài rất nhanh!”. Rồi nghệ sỹ Thanh Loan bảo, nói gì thì nói, để có được sự cưng chiều của chồng, mấy chục năm qua chị cũng phải sống sao cho không hổ thẹn với chính mình, với sự hy sinh của mẹ chồng, của chồng dành cho mình. “Quan trọng là tình nghĩa vợ chồng. Mình quan sát cuộc sống và tự đúc rút cho bản thân, trân trọng cái mình đang có”-chị cười rất vui khi kể về một nửa của mình. 

Hỏi Thanh Loan sao lâu rồi không trở lại với nghề diễn, chị trải lòng, mình là cầu thủ biết rời sân cỏ đúng lúc. Trước khi chia tay chúng tôi, nghệ sỹ Thanh Loan chia sẻ: “Nhiều người bảo, nghệ thuật cần năng khiếu, thanh và sắc, 3 thứ đó, tôi đều có cả nhưng cái mà tôi luôn tôn thờ đó chính là tổ ấm của mình”.