"Nóng" tranh luận tại nghị trường về việc dạy thêm, học thêm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Giơ biển tranh luận, Đại biểu Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai) cho rằng, ngành giáo dục cấm dạy thêm, học thêm nên có những địa phương còn tổ chức mật phục để xử lý, xử phạt, đưa lên báo chí. Tại sao y bác sỹ được làm thêm mà giáo viên không được dạy thêm?

Cũng theo Đại biểu Nguyễn Công Long, chúng ta chưa giải quyết được tận gốc vấn đề của dạy thêm học thêm và luôn coi đó là vấn nạn. Theo Đại biểu, không nên tư duy theo kiểu cũ “không quản được thì cấm” mà cần đánh giá từ yêu cầu thực tiễn của phụ huynh học sinh.

“Con em chúng tôi đi học, đỗ đạt rồi có việc làm cũng một phần do học thêm. Vậy tại sao ngành y được làm thêm mà ngành giáo dục không được dạy thêm. Điều này xuất phát từ thu nhập của giáo viên quá thấp. Không ít giáo viên coi đó là vấn đề mưu sinh nên Bộ cần giải quyết thấu đáo. Chưa nói đến việc đối tượng giáo viên cũng cần cứu trợ chứ không chỉ đối tượng khác” – Đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai) phát biểu tranh luận

Đại biểu Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai) phát biểu tranh luận

Làm rõ nội dung trên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng, theo quy định hiện hành, việc dạy thêm ngoài giờ, ngoài nhà trường, của những người không làm trong cơ sở giáo dục nếu đáp ứng yêu cầu thì không thế cấm được.

Trước đây, Bộ đã có Thông tư 17 quy định về dạy thêm học thêm. Đến năm 2016, Luật Đầu tư đã bỏ dạy thêm học thêm ra ngoài danh sách ngành nghề kinh doanh có điều kiện, iện Bộ đang đề nghị bổ sung lại vào luật này.

“Nếu giáo viên bớt nội dung chương trình chính thức, dạy trước, dạy cho các nhóm riêng biệt thì bị nghiêm cấm và đáng nên án vì thuộc về đạo đức nhà giáo” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Sau phần trả lời trên, Đại biểu Phan Thái Bình (đoàn Quảng Nam) tiếp tục tranh luận, “hôm qua về việc y bác sỹ mở phòng khám riêng, Bộ Y tế đã trả lời việc này nhằm nâng cao thu nhập, củng cố tay nghề của y bác sỹ và không ảnh hưởng đến chất lượng khan chữa bệnh ở các đơn vị y tế công lập”.

Nếu giáo viên dạy thêm không dạy trước chương trình, bỗi dưỡng kiến thức cho học sinh thì cũng sẽ tăng thu nhập, nâng cao tăng nghề của chính họ. Có thể khẳng định nhu cầu dạy thêm và học thêm là có thật, điều quan trọng làm thế nào để tránh dạy thêm học thêm tràn lan – Đại biểu nói.

Làm rõ vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, ở các địa phương, cấp Sở cũng đã có văn bản quy định riêng về học thêm dạy thêm. Tiếp thu ý kiến của các Đại biểu, Bộ sẽ rà soát thêm để xử lý vấn đề được thấu đáo.

Liên quan đến nội dung này, Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Thái Nguyên) tiếp tục tranh luận. Theo Đại biểu, để giải quyết triệt để dạy thêm học thêm có 4 vấn đề cần quan tâm, đó là cần giảm tải chương trình học đang quá nặng, nhiều nội dung chưa phù hợp lứa tuổi.

Bên cạnh đó, cần đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới nội dung phương pháp thi cử đồng thời tổ chức lại hệ thống trường học. "Nếu còn trường chuyên thì còn dạy thêm học thêm. Dù trường chuyên là cơ sở bồi dưỡng nhân tài nhưng cần đổi mới phương pháp dạy học tại đây để tạo môi trường học tập phù hợp" - Đại biểu Thành nói.

Còn theo Đại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình), Bộ trưởng không nên băn khoăn về việc dạy thêm không thuộc danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện bởi giáo viên nào thu nhập cao đã có chính sách thuế điều tiết. Thay vào đó, Bộ trưởng nên đưa ra các tiêu chuẩn đạo đức đối với giáo viên dạy thêm...