"Nóng" tranh luận sửa Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ

ANTD.VN -Thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (đoàn Nghệ An) cho rằng, việc sửa đổi khái niệm vũ khí quân dụng trong Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ là hợp lý và cần thiết. 

Cũng theo Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (đoàn Nghệ An), chính sách hình sự của Nhà nước ta đối với loại tội phạm này từ trước đến nay không có gì thay đổi. Câu hỏi đặt ra là vì sao khi áp dụng lại vướng mắc? Vướng trong khi áp dụng BLHS 2015 sửa đổi hay vướng trong Luật Quản lý, sử dụng, vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ?

Đại biểu Cầu phân tích, Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban TVQH còn 2 quan điểm khác nhau: Thứ nhất, vướng mắc là do khái niệm vũ khí quân dụng trong Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ không quy định vũ khí có tính năng tác dụng tương tự vũ khí quân dụng nên cần sửa đổi điều 3 Luật này.

Quan điểm thứ 2 cho rằng, tội phạm được quy định trong BLHS nên cần sửa đổi điều 304 BLHS năm 2015 sửa đổi để đảm bảo tính đồng bộ thống nhất trong hệ thống pháp luật. Nếu chỉ sửa điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ sẽ ảnh hưởng đến điều 18, 19, 20, 73 BLHS.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (đoàn Nghệ An) phát biểu thảo luận

Theo Đại biểu Cầu, các quan điểm trên đều hợp lý và có cơ sở song Đại biểu này đồng tình với quan điểm thứ nhất với 3 lý do:

Thực tiễn áp dụng PLHS cho thấy trong các điều luật thường quy định tên tội danh mà ít khi nêu ra định nghĩa khái niệm. Điều này chủ yếu quy định trong luật chuyên ngành và các văn bản dưới luật.  Việc sửa đổi khái niệm vũ khí quân dụng trong Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ là hợp lý, tiện lợi hơn.

Thứ 2, từ 1/1/2018-1/7/2018 khi BLHS 2015 sửa đổi đã có hiệu lực thi hành công tác  điều tra, xử lý  tội phạm này không hề vướng mắc. Song chỉ khi Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ có hiệu lực từ 1/7/2018 vướng mắc mới phát sinh nên sửa luật này là phù hợp.

Thứ 3, để không làm ảnh hưởng đến các điều 17, 18, 19, 20, 73 của BLHS 2015 sửa đổi, Đại biểu Cầu đề nghị ban soạn thảo sửa điều 3 và thêm vào như sau:

“Vũ khí được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp không theo tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp có khả năng gây sát thương gây nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, có kết cấu vật chất tương tự như vũ khí quy định tại điểm a khoản này, không trang bị cho lực lượng vũ trang và các lực lượng khác thi hành công vụ quy định tại điều 18 và không nằm trong danh mục vũ khí quân dụng do Bộ Quốc phòng ban hành...”

Không đồng tình với ý kiến trên, Đại biểu Nguyễn Văn Khánh (đoàn Bình Dương) cho rằng, điều 304 BLHS 2015 sửa đổi không quy định hành vi chế tạo tàng  trữ, vận chuyển vũ khí có tính năng tác dụng tương tự vũ khí quân dụng là hành vi phạm tội nhưng Điều 306 lại quy định hành vi chế tạo tàng trữ vận chuyển sử dụng vũ khí có tính năng tác dụng tương tự như súng săn, vũ khí thể thao...là hành vi tội phạm. Đây là thiếu sót trong BLHS 2015 sửa đổi.

Do vậy, nếu chỉ sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ mà không sửa đổi Điều 304 BLHS 2015 là không hợp lý.

Đại biểu Vũ Xuân Hùng (đoàn Thanh Hóa) cũng cho rằng, nếu chỉ sửa khoản 2 và 6 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ sẽ không thống nhất về nội dung với một số khoản khác trong Điều này và một số điều của BLHS 2015 sửa đổi. 

Sau các ý kiến trên, Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu giơ biển tranh luận, "vũ khí có tính năng tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng từ trước đến nay không nằm trong danh mục Nhà nước quản lý, nên đề nghị đưa vào “không nằm trong danh mục do Bộ Quốc phòng ban hành là hợp lý”.

Thực tiễn có những vụ việc vẫn xác định không phải vũ khí quân dụng như AK cắt nòng, chỉ là vũ khí có tính năng tác dụng tương tự.  Việc sửa Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ là hoàn toàn phù hợp.