“Nội soi” giá độc quyền

ANTĐ - Có lẽ lần đầu tiên, Bộ Tài chính tổ chức một cuộc hội thảo chuyên sâu bàn cơ chế quản lý Nhà nước về giá đối với hàng hóa thiết yếu của các doanh nghiệp có vị thế độc quyền, thống lĩnh thị trường sản xuất kinh doanh. Cuộc hội thảo đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới chuyên gia. 

Lâu nay, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và Tập đoàn Điện lực Việt Nam là hai “ông lớn” chiếm vị thế độc quyền, thống lĩnh thị trường xăng dầu và điện. Giá trần được đề cập ở đây là giá trần bán lẻ cuối cùng đến tay người tiêu dùng, không phải giá trần cho sản xuất. Một khi đã có giá trần, hai doanh nghiệp này buộc phải cắt giảm chi phí, tiết kiệm tối đa để có lãi. Vậy giá trần được xây dựng trên cơ sở nào? Cơ quan quản lý sẽ căn cứ các chi phí đầu vào như chi phí kinh doanh, thuế, lương… để tính giá trần. Cơ chế giá trần này cho phép doanh nghiệp chỉ được bán dưới giá trần. Vấn đề quan trọng là cần có giá trần để đảm bảo doanh nghiệp không thể bán đắt quá dẫn đến vi phạm lợi ích người tiêu dùng. Việc điều chỉnh giá thuộc cơ quan chức năng chứ không phải của doanh nghiệp.

Theo phân tích của chuyên gia kinh tế, muốn đạt lợi nhuận cao, doanh nghiệp phải tăng sức cạnh tranh bằng cách giảm chi phí chứ không phải là tăng giá bán. Đây chính là cơ chế bắt buộc các tập đoàn đang độc chiếm thị trường phải cắt giảm chi phí. Điều đặc biệt là, giá trần của cơ quan quản lý phải đảm bảo khách quan. Nhà nước phải đứng ngoài lợi ích của doanh nghiệp và người tiêu dùng, không được “chia sẻ” lợi ích với một trong hai đối tượng này. Bởi vì, Nhà nước là cơ quan cầm quyền, nếu Nhà nước lại “chia sẻ” quyền lợi với doanh nghiệp tất sẽ dẫn đến tình trạng Nhà nước đứng về phía doanh nghiệp, sẽ gây thiệt hại cho người dân. Nói cách khác, để hài hòa lợi ích giữa các bên, Nhà nước phải đứng ngoài cuộc và phải là “trọng tài” phân xử để đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng và doanh nghiệp. Có nghĩa là, khi đưa ra giá trần với xăng dầu, điện, cung cách điều hành theo kiểu “hài hòa lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và người dân” như hiện nay là không ổn. 

Đồng tình với quan điểm dùng giá trần chống độc quyền thị trường xăng dầu và điện, song một số chuyên gia lo ngại, nếu cơ quan quản lý giá không có chuyên môn sâu thì sẽ bất lực trong việc thẩm định giá hai ngành có kỹ thuật đặc thù này. Đặc biệt phải kiểm soát, tính toán chi ly, chính xác chi phí của ngành xăng dầu. điện, thậm chí phải thuê cơ quan kiểm toán vào để “nội soi” giá độc quyền.