Nỗi sợ qua cầu

ANTD.VN - Có lẽ không nơi nào trên thế giới lại có sự chênh lệch về mật độ dân cư giữa các quận, huyện lại cao như Hà Nội. Các khu đô thị ngoại ô vắng ngắt vắng ngơ, trong khi ở trung tâm thành phố người ta chen nhau trong ngõ hẹp. Và tôi không hiểu vì sao việc thuyết phục người thân của mình chuyển ra ngoại ô sống lại khó khăn đến thế?

Nhiều người ngại chuyển sang các quận ngoại thành, chấp nhận sống trong những không gian chật chội trong nội đô

Mẹ tôi bảo “Bao nhiêu bạn bè, hàng xóm ở đây…”. Tôi ngạc nhiên lắm! Bạn bè thì còn đó, hàng xóm thì ở đâu cũng có. Nói với bà điều đó, bà không nói gì thêm và ở lại.

Bạn tôi bảo “Ngại đi xa lắm! Lại qua cầu nữa”. Tôi ngạc nhiên lắm! Bạn tôi ở phố, ô tô phải gửi cách nhà cả cây số, thời gian lấy xe, gửi xe còn lâu hơn thời gian lái ô tô từ ngoại ô vào trung tâm thành phố. Nói với bạn điều đó, bạn cũng không nói gì thêm và ở lại.

Tôi ở ngoại ô, cuối tuần người thân, bạn bè đến chơi, tất cả đều xuýt xoa ở đây thích thế. Họ hào hứng rủ nhau ra cánh đồng chụp ảnh, khoan khoái hít thở bầu không khí vẫn còn vẻ trong lành. Hỏi “Thích thì sao không sang bên này ở?”. Họ bảo “ngại qua cầu” rồi đi về bên trong thành phố.

Qua cầu thì sao? Có phải bởi Hà Nội nghĩa là ở trong sông mà qua cầu đã là một thế giới khác? Bằng lý trí, tôi không thể lý giải được vì sao lại có nỗi e ngại mơ hồ của những người thành phố khi ngần ngại qua cầu? Lẽ nào đó là một nỗi ẩn ức di truyền qua thế hệ, là nỗi mặc cảm sâu xa từ đời cha, đời ông chuyển giao qua mã gene của những người thành phố.

Đời cha, đời ông, hoặc từ đời cụ kỵ của những người thành phố hôm nay hầu hết đến từ những miền quê bằng những nỗ lực lai kinh khác nhau. Vì thế, về Hà Nội luôn được coi là một niềm tự hào và niềm tự hào đó có lẽ chỉ có thể tồn tại khi họ chứng minh được sống ở Thủ đô là một đẳng cấp khác so với người nhà quê.  

Người Hà Nội qua nhiều thế hệ dường như luôn phải sống với những giá trị kép. Họ vừa muốn thể hiện cái đẳng cấp thành thị của mình, vừa thương nhớ đồng quê. Họ kêu ca về sự ngột ngạt của thành phố nhưng họ không thể không tự hào vì được sống ở trung tâm. Rời xa trung tâm thành phố, rời xa sự ngột ngạt đó, nhất là qua cầu, có vẻ niềm tự hào của họ không còn gì neo giữ.

Để giữ niềm tự hào ấy, họ ở lại trung tâm thành phố, chấp nhận sống trong những không gian chật chội, bức bí và tự sướng bằng giá trị quy đổi thành tiền của những ngôi nhà không mang giá trị sống. Cái giá trị lấp lánh ấy không chỉ duy trì niềm tự hào của họ mà còn thu hút rất nhiều đam mê của những thế hệ người nhà quê lai kinh sau đó.

Những tòa cao ốc như những ngọn chông đâm thủng quy hoạch của Hà Nội cứ theo nhau mọc lên để đáp ứng những niềm tự hào mới. Hà Nội mỗi ngày lại một thêm bức bí bởi áp lực gia tăng dân số nội đô vì niềm tự hào ấy. Những cư dân đô thị mới, với những thói quen, lối sống từ tỉnh lẻ mới về khiến cho niềm tự hào của người Thủ đô trở thành giống như sự châm biếm.

Ở những khu đô thị cao cấp đắt tiền hạng nhất trong trung tâm thành phố, rất dễ thấy những người không nói giọng Hà Nội. Vào đó, người ta thấy những xóm địa phương, những người giàu có từ Thanh Hóa, Nghệ An, từ Hà Tĩnh, Nam Định, từ Quảng Ninh, Hải Dương… trong những tòa cao ốc. 

Và những thế hệ “ngại qua cầu” lại bắt đầu được hình thành từ đây.    

Nhà báo Phạm Trung Tuyến