Nỗi niềm của những cử nhân, thạc sĩ mưu sinh bằng nghề bán trà đá

ANTĐ - Một lần nói chuyện với đứa bạn cũng đang gặp khó khăn trong công việc thì bạn mới đùa rằng: "Hay tao và mày mở quán cháo lòng thạc sĩ, có khi lại kiếm khối tiền". Câu nói của bạn khiến An nghĩ: "Cháo lòng thì chắc không làm được nhưng một quán trà đá nhỏ thì cũng rất khả thi".

Tốt nghiệp đại học, thậm chí là có bằng thạc sĩ, song không ít các cử nhân, thạc sĩ vẫn loay hoay tìm hướng đi và công việc cho mình để sống đất thủ đô. Và một số ít trong đó đã quyết định hoặc buộc phải tạm mưu sinh bằng nghề bán trà đá - một trong những nghề được xem là "một vốn bốn lời" hiện nay...

Những quán "trà cử nhân" - "trà thạc sĩ"

Tôi hẹn gặp Lê Hồng An (26 tuổi, Thanh Hóa) - người được giới thiệu là "thạc sĩ trà đá" trong một buổi chiều đầu tháng 8. Giữa cái nắng oi nồng của Hà Nội, Hồng An khá cởi mở và nhiệt tình khi tôi đề cập đến biệt danh "thạc sĩ trà đá" mà bạn bè vẫn thường gọi cô. An nói rằng việc cô mở một quán trà đá nhỏ đã diễn ra cách đây hơn một năm và cũng là một trong những công việc chưa bao giờ cô từng nghĩ đến trong "kế hoạch" của cuộc đời mình. Tốt nghiệp khoa Ngữ Văn của Đại học Quốc Gia Hà Nội với tấm bằng Giỏi, An được chuyển tiếp lên bậc học cao hơn: thạc sĩ. Do muốn tiếp tục phấn đấu trong con đường học tập nên An quyết định theo học. Do thời gian học cao học chủ yếu diễn ra vào khung giờ chiều tối nên ngoài vấn đề tiếp tục đầu tư cho học tập, An cũng bắt đầu phải đối diện với việc tìm kiếm cho mình công việc để sinh sống.

An nói rằng cô không phải là người "kém năng động", chỉ biết đến "sách vở" như người ta vẫn nghĩ về dân văn chương. Ngay khi còn là sinh viên, bắt đầu từ cuối năm học thứ 2, An đã chịu khó tìm các công việc làm thêm để vừa có thêm thu nhập, trang trải cho cuộc sống vừa tích lũy kinh nghiệm để xin việc sau khi ra trường. An làm cộng tác viên viết - dịch bài cho một số trang tin điện tử. Theo An thì công việc này cũng phù hợp với chuyên ngành học và sở thích của cô.  Bản thân An cũng xác định rằng cô sẽ ở lại đất thủ đô để học tập và tìm kiếm những cơ hội cho mình. Cô nói nếu như về quê (Hà Trung - Thanh Hóa) thì bản thân cũng sẽ không thể có một công việc như mong muốn với tấm bằng văn chương loại Giỏi. Vậy nên, ngay sau khi ra trường, An đã nộp loạt hồ sơ vào các công ty lớn nhỏ. Rồi cô được nhận vào làm ở một công ty cổ phần chuyên cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng trên điện thoại di động cũng như qua mạng Internet.

 

Công việc hằng ngày của An là biên tập các tin tút trên các báo điện tử sao cho phù hợp với dung lượng của những tin nhắn trên điện thoại để cung cấp đến người sử dụng. Cũng có lúc, cô phụ trách luôn việc tuyển lựa nhạc để làm các kho nhạc chuông, nhạc chờ. Thu nhập hàng tháng của An là khoảng 3 triệu đồng. Sau 2 năm làm việc, thu nhập của An tăng lên là 4 triệu một tháng với vị trí trưởng nhóm biên tập. An tâm sự, thực ra, với thu nhập đó, để sống được một cách dư dả ở đất thủ đô là rất khó. Nhưng vì là con gái, bản tính cũng tiết kiệm nên An vẫn có thể xoay xở được sinh hoạt của mình trong phạm vi ấy.

Tuy nhiên, điều An trăn trở nhất chính là việc cô cảm thấy những kinh nghiệm cũng như kiến thức học tập của mình trong suốt nhiều năm trời bị bỏ phí. An muốn tìm cho mình một công việc phù hợp hơn với chuyên ngành hơn để có thể phát huy một cách tốt nhất năng lực của mình. Do đó, sau một thời gian suy nghĩ, đắn đo, An đã quyết định nghỉ việc để tìm kiếm cho mình những cơ hội mới. An nói thực sự vào thời điểm đó, cô nghĩ rằng bản thân mình đã có một chút kinh nghiệm làm báo cộng thêm với việc đã làm "trưởng nhóm biên tập" trong 2 năm cùng tấm bằng "đỏ chót" nên sẽ không gặp nhiều khó khăn trong việc tìm công việc khác. Khi nghỉ việc, An được công ty trả cho gần 10 triệu tiền lương cộng tiền trợ cấp thất nghiệp. An nghĩ rằng, số tiền đó sẽ tạm đủ để cô chi dùng trong khoảng thời gian tìm việc mới.

Song, mọi việc không hề diễn ra theo suy nghĩ của An. An chia sẻ rằng, trong suốt một thời gian dài, quyết định nghỉ việc đã trở thành nỗi ám ảnh đối với cô. An những tưởng rằng chỉ 1 - 2 tháng là cô có thể tìm kiếm cho mình một công việc mới. Thế nhưng, mặc cho An nộp rất nhiều hồ sơ: từ nộp qua mạng đến nộp trực tiếp, cô đều thất bại. Trong thời gian đầu, An còn "chắc nịch" với định hướng mục tiêu mà mình sẽ xin vào sẽ là các tờ báo, các cơ quan nhà nước hoặc các đài truyền hình. Nhưng sau hai tháng không có "dấu hiệu" nào của việc mình sẽ xin được công việc thì An đã bắt đầu hoảng sợ và không còn kiên quyết được nữa. Lúc ấy An hoang mang thực sự. Rồi An lại bắt đầu gửi hồ sơ đến tất cả các công ty lớn nhỏ vì lo sợ thất nghiệp.

An kể: "Mình tính rằng sau thời gian hết hạn nhận hồ sơ thì phải mất khoảng 1 tuần để gọi thi tuyển. Nếu thi 1 vòng thì chỉ mất thêm 1 tuần chờ đợi kết quả, sau đó đến phỏng vấn. Nếu được nhận thì cũng mất khoảng 2-3 tuần. Trong khi đó, có rất nhiều công ty thi tuyển 2-3 vòng thành ra thời gian này kéo dài ra rất nhiều lần". An cũng nói thêm rằng không biết cô đã gửi bao nhiêu bộ hồ sơ, làm bao nhiêu bài thi và trả lời bao nhiêu cuộc phỏng vấn. Công việc trong suốt khoảng thời gian ấy của An được lặp lại như một chuỗi chu kì: sáng dậy kiểm tra mail từ nhà tuyển dụng, đợi điện thoại thông báo rồi lại làm hồ sơ... Số tiền nhận khi nghỉ việc thì đã hết, tiền cộng tác, cho các báo mạng thì khá bập bõm, không theo lịch cố định thành ra việc ổn định cuộc sống trở nên khó khăn hơn.

Khi được hỏi tại sao không nói cho bố mẹ biết thực trạng công việc của mình, An bảo: "Làm sao dám chứ”. Rồi An nói, thực ra, nhà cô ở quê, hoàn cảnh kinh tế cũng thuộc loại khá giả. Bố An làm dược sĩ, mẹ thì kinh doanh tự do nên cũng có "đồng ra đồng vào". Nhưng "mình xưa nay vẫn được xem là niềm tự hào của bố mẹ, họ hàng, thậm chí bố mình còn luôn nghĩ học giỏi thì sẽ có các "cơ quan" đến xin về giống như ngày xưa". Vậy nên, An không dám kể với bố mẹ. Hơn thế nữa, An cũng nghĩ, mình đã 24 tuổi, được bố mẹ nuôi cho ăn học bốn năm trời, giờ ra trường không giúp đỡ được bố mẹ lại còn xin tiền thì xấu hổ lắm. Do đó, trừ những khoản tiền đóng học phí, khoảng gần 5 triệu một đợt mà An không thể "xoay" được thì cô mới gọi điện về hỏi xin bố mẹ.

6 tháng sau khi xin nghỉ việc, An vẫn chưa tìm được công việc mới. An tâm sự. "Quả thực, lúc đó" mình tự trách bản thân nhiều kinh khủng". An bảo cô nghĩ rằng mình đã mơ mộng, hão huyền và tự đánh giá cao bản thân mình một cách quá đáng. Không ít lần cô nghĩ rằng: "Trong thời buổi mỗi năm có hàng nghìn sinh viên ra trường, kinh tế thì ngày càng khó khăn, tìm được công việc ổn định, có lương tháng đã là điều sung sướng rồi. Nếu chịu khó làm thêm công việc này nọ nữa thì dần khắc sẽ ổn định". Vậy mà cô lại xin nghỉ việc một cách giữa chừng như thế. Quả thật, thời gian tìm việc quá lâu khiến An rất hoang mang. An chia sẻ là con gái, quyết định "trụ" lại ở đất Hà Nội nên An cũng mong mình có công việc ổn định, có bảo hiểm, để sau còn có "chế độ này, chế độ nọ". An bảo: "Con gái mà, cứ tính thế nhưng có lẽ tính nhiều quá nên thành ra lại khổ".

Thế rồi, trong một lần nói chuyện với đứa bạn cũng đang gặp khó khăn trong công việc thì bạn mới đùa rằng: "Hay tao và mày mở quán cháo lòng thạc sĩ, có khi lại kiếm khối tiền". Câu nói của bạn khiến An nghĩ: "Cháo lòng thì chắc không làm được nhưng một quán trà đá nhỏ thì cũng rất khả thi". Sau khi suy nghĩ, tính toán, An quyết định mở quán trà đá. An cười: "Lúc ấy cũng muốn tìm một lối thoát cho sự bế tắc, muốn làm cái gì đó như một sự khởi đàu, phá đi cái cũ. Thành ra, mình quyết định rất nhanh".

"Văn hóa trà đá" của Hà Nội thì đã có từ rất lâu nhưng cách đây 2 năm thì cũng chưa đến mức độ "nhà nhà bán trà đá, người người bán trà đá" như bây giờ. Việc tìm được địa điểm bán trà không phải là điều đơn giản. Không thể tự ý mà mang đồ ra vỉa hè "chiếm chỗ" mà bán được. An đã "thuê" lại khoảng hè trước khu trọ của bác chủ nhà với số tiền là 200 nghìn mỗi tháng để mở quán nước. Số vốn ban đầu của An bỏ ra cho hàng nước chè khi đó chỉ có 800 nghìn chi phí để mua: nửa cân chè, 2 cái phích nước nóng, một bình đựng nước, 10 cái cốc nhỏ uống chè nóng, 10 cốc lớn uống trà đá cùng 1 vài chai nước ngọt các loại, 1 ít kẹo lạc, kẹo cao su và 10 cái ghế nhựa. An nói cô không dám mua gì nhiều, một phần bởi không nhiều tiền và cũng bởi cô "nhát gan" sợ không bán được.

Trong hơn một tuần đầu, hàng trà đá của An không có nhiều khách mặc dù khu An ở ngay trên đường Cầu Giấy - nơi có rất nhiều học sinh, sinh viên và lao động tự do. Chủ yếu là mấy người ở trong xóm và bác chủ nhà ra uống "ủng hộ". Bản thân An lúc đó cũng còn hơi ngượng khi bán hàng. An bảo đúng là nghề nào cũng đáng quý cả, đặc biệt khi mình kiếm tiền chân chính, không phạm pháp nhưng do chưa quen công việc nên khi có khách vào uống nước hỏi chuyện, cô vẫn thấy ngại ngần.

An kể, công việc bán trà đá mang lại cho An rất nhiều kỷ niệm vui buồn. Trong đó, kỷ niệm đáng nhớ nhất chính là việc An đã bị khách uống nước "quỵt tiền" trong những ngày đầu tiên cô bán nước. Buổi trưa hôm đó, một nhóm thợ xây khoảng 8 người vào quán của cô. Nhóm thanh niên gọi 8 cốc nước, đĩa hạt hướng dương. Sau đó, một số người gọi thêm nước, thêm hướng dương rồi bảo cô gọt quả ổi và mang lọ kẹo lạc. Đến khi thanh toán, cả nhóm nháo nhào đứng dậy, khi An đang loay hoay đếm cốc nước với tính đồ ăn thì một người trong nhóm đã tự động hô to "9 nước, 2 hướng dương, 2 lạc, 1 ổi". An cũng không tính nữa và chỉ lấy tiền. Khi nhóm thanh niên đi rồi, thu dọn đồ, An mời phát hiện ra rằng họ đã uống 12 cốc nước, 4 đĩa hướng dương còn kẹo lạc khi vơi đi cả... nửa hộp. Dù không "thiệt hại" nhiều nhưng An bảo kinh nghiệm đầu tiên trong việc bán trà đã dạy cho cô biết cách kiểm soát tốt hơn khi "kinh doanh".

Khác và An đến với công việc bán trà đá trong hoàn cảnh bắt buộc thì Phạm Văn Bình (24 tuổi, Bắc Giang) lại là người ngay từ đầu đã lựa chọn công việc bán trà đá để có thể ổn định cuộc sống của mình. Học xong cao đẳng kế toán, Bình cũng đã đi làm kế toán tại nhiều nơi, từ cửa hàng bán nước tinh khiết đóng chai cho đến các công ty và doanh nghiệp nhỏ. Bình nói công việc kế toán ở các các ty nhỏ không quá bận rộn tuy nhiên, thu nhập cũng không cao. Khi còn làm cho một cửa hàng kinh doanh nước tinh khiết đóng chai, lương của Bình là 2 triệu/ tháng. Ở công ty hiện nay thì lương của Bình là 3,2 triệu/tháng. Bình nói: "Không cần kể thì bạn cũng biết là mức thu nhập này không thể đủ sống, nhất là với một người con trai ở tuổi như mình".

Rồi Bình kể, mỗi tháng, Bình phải trả gần 1 triệu 8 cho tiền phòng trọ cộng với điện nước. Tiền ăn hàng tháng cũng vào gần 2 triệu cho 3 bữa ăn tiết kiệm. Chưa kể tiền xăng, tiền điện thoại và hàng trăm khoản tiền "lặt vặt" khác. Vậy nên, mỗi tháng, dù tính toán tiết kiệm chi tiêu, Bình cũng mất gần 5 triệu cho tiền sinh hoạt. Bình cười nói: "Nhiều lúc, bạn bè rủ rê đi nhậu cũng phải từ chối khi trong túi còn vài ba chục cho đến cuối tháng. Hay như tháng nào có tới 3 cái thiệp hồng là méo mặt". Không chỉ thế, là con trai, muốn ở lại lập nghiệp trên đất Hà Nội nên khi nghĩ đến việc lập gia đình, mua nhà cửa, Bình cũng thấy lo lắng. Gia đình Bình ở Bắc Giang chủ yếu làm nông nghiệp. Bố mẹ Bình nay đều cũng đã già nên không có điều kiện giúp đỡ nhiều. Vì vậy, Bình quyết định mở quán trà đá để có thêm thu nhập ổn định cuộc sống của mình.

Khi được hỏi vì sao lại quyết định mở quán trà đá mà không phải quán kinh doanh gì khác, phải chăng vì loại hình kinh doanh này vẫn được xem là "một vốn bốn lời"? Bình nói, thực ra thì bản thân Bình cũng không có nhiều sự lựa chọn cho thời điểm này, các cửa hàng kinh doanh khác đều đòi hỏi nhiều vốn, nhiều kinh nghiệm trong khi Bình chưa có những điều đó. Một quán trà đá nhỏ không đòi hỏi quá nhiều vốn liếng, khả năng thu hồi cũng nhanh, phù hợp với việc làm thêm của Bình hiện nay.

Còn nếu nói vì trà đá "một vốn bốn lời" thì cũng không hẳn bởi mỗi người một cách làm, một cách kinh doanh khác nhau. Bình cũng từng nghe về việc người ta dùng chè cám, "chè người chết" để bán cho lãi nhiều nhưng Bình không định làm như vậy. Hằng ngày, Bình vẫn đi làm công việc hành chính kế toán. Đến chiều tối về, Bình mới mở quán trà. Bình quyết định "cách tân" quán trà của mình với nhiều loại trà khác nhau: có trà đá, trà nóng, trà chanh và còn có cả trà ấm cho những nhóm đông người khi tụ họp với nhau. Ngoài ra, Bình còn bán thêm cả các loại nước giải khát khác như nước chanh, me, sấu...

Bình chia sẻ, chè thì Bình nhờ bạn gái ở Thái Nguyên mua giúp nên giá cũng rẻ hơn mà lại có chè ngon. Buổi tối đi làm về, Bình lại tất bật dọn quán, nhiều khi cũng thấy mệt mỏi, nhất là những hôm nắng nóng. Dọn xong quán, bày xong hàng, Bình mới mua cơm hộp về ăn hoặc bạn gái Bình nấu cơm mang xuống cho. Có những buổi dọn xong chưa kịp ăn cơm thì trời lại mưa dông. Vậy là Bình lại cuống cuồng thu dọn quầy hàng, vừa ướt, vừa mệt, lại vừa đói. Nhưng Bình cũng cười bảo: "Nói thế chứ làm lâu rồi quen, chiều nào mưa ở nhà nghỉ, thì thấy buồn buồn". Thêm vào đó, Bình cũng thấy rất may mắn vì có bạn gái giúp đỡ công việc kinh doanh của mình.

"Lối thoát" tạm thời và những trăn trở về tương lai

Việc kinh doanh quán trà đá nhỏ đã giúp An đỡ được rất nhiều mối lo về kinh tế trong thời gian tìm việc. Do buổi chiều tối phải đi học nên An chỉ bán từ khoảng 9 giờ sáng đến 4 giờ chiều. An nói: "Cái bất lợi của quán mình là chỉ bán được vào ban ngày, tầm chiều tối lúc đông khách thì mình lại bận học thành ra cũng mất đi một lượng khách lớn". Tuy nhiên, dù thế, quán cũng đã mang lại cho An một nguồn thu đáng kể.

An nói, vào thời điểm An mở quán thì trà đá chưa có cái giá cao như bây giờ. Trà nóng là một nghìn còn trà đá là hai nghìn. Nếu nhóm uống đông người, An tính xởi lởi là một nghìn rưỡi cho một cốc trà đá. Tính mọi chi phí, hàng ngày An lãi khoảng 100 - 120 nghìn. Có hôm nào trời nóng, đông người uống thì có thể lên đến 150 nghìn, số tiền này cùng với tiền làm công tác báo giúp An có mức thu nhập đủ sống. Tuy nhiên, như An tâm sự thì điều lớn nhất mà công việc bán trà đá mang lại cho cô không chỉ là thu nhập. An nói, quán trà đá đã giúp cô vượt qua giai đoạn khủng hoảng nghề nghiệp của mình.

 

Một ngày mới bắt đầu, An thấy mình có nhiều việc phải chuẩn bị: nấu nước, dọn hàng, rửa cốc chén... sự bận rộn khiến An cảm thấy vui sống hơn, có "không khí" và "niềm tin" cho nhiều dự định hơn. Không còn sự ảm đạm của một ngày dài nộp đơn xin việc rồi chờ đợi. Không những thế, khi bán hàng, tiếp xúc với nhiều người, nói nhiều câu chuyện cũng giúp An sôi nổi hơn rất nhiều. Những số phân, những câu chuyện từ quán trà đá giúp An nhìn cuộc sống khác hơn. An kể có lần, một nhóm hát rong ghé vào chỗ An uống nước, nói chuyện ra cũng mới biết trong số họ cũng không ít người đã tốt nghiệp đại học mà vẫn bôn ba với nghề này.

Tuy nhiên, An thú thực rằng cô vẫn không dám cho bố mẹ biết chuyện mình mở quán trà. Cô nói, vào thời điểm đó, nếu bố mẹ ở nhà biết ở trên này cô không tìm được việc thì rất có thể, cô sẽ bị "gọi" về nhà rồi bố mẹ lại cố gắng xin cho cô một công việc trong xã, trong huyện. Như thế bản thân cô cũng không thể có cơ hội làm việc đúng chuyên ngành của mình. Nhờ tinh thần thoải mái hơn trong khoảng thời gian bán trà đá nên An vẫn vừa học vừa tiếp tục tìm kiếm việc làm. An nói dù gì cô vẫn muốn phát triển công việc theo hướng ngành nghề của mình đã học.

Trong lúc bán trà, tranh thủ những thời điểm không có khách, An ngồi viết bài. Sau hơn một năm nghỉ việc và gần 8 tháng bán trà đá, An đã xin được việc ở một công ty sản xuất chương trình truyền hình với vị trí biên tập sản xuất. Hiện nay, An đã ngưng công việc bán trà đá của mình để tập trung cho công việc mới. An nói rằng khoảng thời gian bán trà đá có lẽ là một "quãng trầm" cô chưa bao giờ nghĩ tới nhưng chính nhờ "quãng trầm" ấy mà cô đã có thể vững vàng hơn trong công việc hiện nay. Thậm chí, nó vẫn còn gắn lại với cô trong cách gọi của bạn bè: An - "thạc sĩ trà đá". Và có lẽ, trong tương lai gần, cô sẽ nói với bố mẹ mình về khoảng thời gian bán trà đá của mình như một chứng tích chứng minh sự trưởng thành của bản thân.

Về phía Bình, công việc kinh doanh quán trà đá đã mang lại một nguồn thu nhập tương đối lớn, giúp anh không chỉ đủ tiền sinh sống mà còn có thêm tích lũy. Theo tiết lộ của Bình thì mỗi tháng hè vừa qua, số lãi anh thu được hàng tháng vào khoảng trên dưới 8 triệu. Bình chia sẻ rằng, trong thời gian sắp tới, anh sẽ mở rộng quán trà đá của mình hơn. Bình dự tính mùa đông này, anh sẽ bán thêm nem nướng, cá nướng – những món "lai rai" rất hợp vào những ngày trời lạnh. Bình hi vọng nhờ việc kinh doanh trà đá, anh sẽ có một số vốn nhất định để thực hiện các công việc lớn hớn trong cuộc sống của mình.

Khi được hỏi là có ý định gắn bó lâu dài với nghề bán trà đá không thì Bình chia sẻ rằng anh vẫn luôn mong muốn có thể tìm một vị trí công việc nhất định trong nghề kế toán của mình. Nhưng nếu không được thì anh cũng không buồn mà sẽ thay đổi định hướng công việc trong cuộc đời mình. Tích góp đủ vốn, anh sẽ kinh doanh những lĩnh vực lớn hơn. Khi đó, những kiến thức kế toán học trong trường lớp cũng sẽ không vô ích vì đã giúp anh quản lí và tính toán tiền bạc một cách tốt nhất. Bình nhấn mạnh thêm rằng việc bán trà đá với anh chưa bao giờ là "một bước lùi" hay sự xấu hổ bởi chỉ cần dám nghĩ, dám làm thì từ những việc nhỏ nhất cũng có thể góp phần làm nên nghiệp lớn hơn.

Có thể nói rằng, trong những năm gần đây, cùng với tỷ lệ người thất nghiệp ở Hà Nội tăng lên do tình hình kinh tế khó khăn (theo thống kê của Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội thì năm 2010, số người đăng ký thất nghiệp là 4.192, sang năm 2011, con số này đã là 16.100 người và tháng 1 năm 2012, đã có 1.467 người đăng ký bảo hiểm thất nghiệp) thì việc không ít cử nhân - thạc sĩ tìm kiếm một "lối thoát" tạm thời cho cuộc sống của mình bằng nghề bán trà đá không còn xa lạ. Tuy mỗi người đến với công việc này theo một cách khác nhau nhưng họ đều có chung một mục tiêu là có thể vượt qua khó khăn, đạt được những điều tốt đẹp hơn trong cuộc sống tương lai của mình.