Nỗi lòng của cô gái liệt toàn thân viết thơ bằng miệng

ANTĐ - Gặp chị, khó ai có thể tin rằng, trong hình hài không tròn trịa ấy là một tâm hồn thơ trọn vẹn. Cũng khó ai tưởng tượng ra rằng, người phụ nữ đang nằm liệt giường kia lại có thể làm thơ.

Cuộc đời đau khổ đã cướp đi của chị cái ước mơ cháy bỏng mà quá đỗi đơn giản: được đi. Còn nhớ, người thầy Nguyễn Ngọc Ký viết lên cuộc sống bằng đôi chân đã đi vào lịch sử hiếu học của dân tộc. Nhưng tính ra, thầy Nguyễn Ngọc Ký còn hơn chị một đôi chân. Bởi vì, chị liệt toàn thân. Gặp chị, khó ai có thể tin rằng, trong hình hài không tròn trịa ấy là một tâm hồn thơ trọn vẹn. Cũng khó ai tưởng tượng ra rằng, người phụ nữ đang nằm liệt giường kia lại có thể làm thơ. Cái cách chị làm thơ khiến người ta còn kinh ngạc hơn: Chị viết thơ, làm thơ bằng miệng. “Thơ của mình có thể không hay nhưng làm thơ khiến mình thấy cuộc sống này có ý nghĩa hơn” - Hồng tâm sự.

Số phận bất hạnh

Xóm Vỏ, xã Hoàng Lâu, huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc một ngày đầu tháng 10 chìm trong giá buốt của những cơn mưa rả rích. Và gió rét, thổi cái lạnh đến tái tê lòng. Trong căn nhà 3 gian bé nhỏ tường đầy rêu mốc, bà Trần Thị Mấm, tuổi ngoại lục tuần đang bế cô con gái “nhỏ” ngồi lên chiếc xe lăn do Hội  Chữ thập đỏ huyện Tam Dương và UBND xã Hoàng Lâu trao tặng, đẩy nó ra ngoài hè. Hôm nay chị muốn được ngồi ngắm mưa, nhìn những giọt mưa lăn trên giọt gianh, rơi xuống đôi cánh của gà mẹ đang co ro ủ ấp cho đàn con dưới “vòm tay” của mình. Rồi bất chợt ở nơi khóe mắt đang nhìn xa xăm của người con gái ấy nước mặt lại ứa ra. Nhẹ nhàng và tự nhiên như con mưa chiều nay vậy!

Ba mươi mốt năm về trước, Hồng (chị tên đầy đủ là Nguyễn Thị Hồng) cất tiếng khóc chào đời. Niềm vui của bố mẹ chị chưa được bao lâu thì bất hạnh đã vội tìm đến. Một tuổi, hai tuổi vậy mà con họ vẫn cứ đặt đâu nằm đấy, chân tay teo tóp. Và khi biết đứa con thứ tư đã bị liệt toàn thân, người mẹ chỉ biết nhìn trời mà thét gào trong khổ đau, trách ông trời sau chẳng ở yên. Nhà vốn đã nghèo, trông chờ vào mấy sào ruộng lại thêm những cơn ho kéo dài cứ liên tục hành hạ bố Hồng nên mọi việc trong nhà gần như trông vào đôi vai gầy của người đàn bà ấy. Không đành lòng nhìn cô con gái lăn lê trong nỗi bất hạnh mà em thậm chí chưa đủ lớn để nhận ra, người mẹ lóc cóc đến cậy nhờ người chú của Hồng giúp đưa em đi chữa bệnh. Hồng được đưa xuống bệnh viện ở Hà Nội...

Dòng tâm sự của người mẹ khổ đau cứ miên man những đoạn trầm buồn: “Lúc đưa cháu vào bệnh viện, chú của Hồng phải nhận là bố và cái Hồng trúng gió nên mới bị liệt, các bác sĩ mới đồng ý khám, chữa cho nó mà không thu tiền”. Mọi việc diễn ra suôn sẻ cho đến khi bố Hồng nhớ con quá, vừa dứt cơn ho, ông tức tốc đạp xe đến bệnh viện để được nhìn con. Vậy là trong lúc bố con ôm nhau với nỗi lòng sau bao ngày xa cách thì mọi chuyện bị “tắc”.

“Người ta bảo giờ cái Hồng đỡ nhiều rồi, giờ chỉ cần cho về nhà ăn bồi dưỡng, khi nào cần họ lại gọi lên nhưng chúng tôi đều biết vậy là hết rồi” - bà rơm rớm, đưa bàn tay gầy guộc, chai sạn lặng lẽ lau giọt nước mắt lăn dài trên đôi gò má sạm màu sương gió.

Đưa con về, nhìn đôi mắt của thiên thần bé bỏng long lanh như gọi mẹ mà lòng bà đau như xát muối. Bà muốn đưa con đi nơi khác vì “còn nước còn tát”. Nhưng, sau chừng ấy ngày đưa con đi chạy chữa, tiền thuốc của bố Hồng (vì ho) cộng tiền ăn uống, đi lại của gia đình như vậy đã là quá sức với người mẹ ấy rồi. Rồi có người tới chơi, bảo bệnh này chữa khỏi thế nào được, muốn cho con đi bệnh viện thì vợ chồng bà tính sớm chuyện bán cái nhà này đi. Hết hàng xóm đến người thân lời ngọt, tiếng nhạt với vợ chồng bà: “Thôi, chỉ cần anh chị yêu thương cháu, lớn lên rồi nó sẽ hiểu cho bố mẹ thôi”... bà đành nuốt nước mắt vào trong chấp nhận.

5-6 tuổi, Hồng vẫn cố bò lê ra ngoài hiên nhà nhìn chúng bạn chơi đùa. Nhưng càng lớn thì chân tay chị cứ co quắp, rồi liệt hẳn. Suốt ngày chị chỉ có thể nằm trên giường, chăn đắp kín đôi chân, mọi sinh hoạt đều phải có người bế đi. Nhìn chúng bạn chạy nhảy nô đùa đã có lúc tuyệt vọng, chỉ muốn “ra đi” để mọi người không khổ vì mình nữa. Cái ước mơ, dù chỉ một lần thôi là có được đôi chân, bàn tay lành lặn như chúng bạn của chị mãi mãi chỉ là mơ ước xa vời.

Nỗi lòng của cô gái liệt toàn thân viết thơ bằng miệng ảnh 2

Điều kì diệu viết từ... miệng

Trong gia đình có 4 anh chị em, Hồng thân với chị cả tên Vân nhất. Cuộc sống vất vả, chị Vân phải vào Nam kiếm sống rồi lấy chồng luôn trong đó. Phận làm công nhân, đồng lương ít ỏi nên chẳng mấy khi chị có thời gian và điều kiện về nhà. Thương chị, nhớ chị nhiều lắm, nhất là những khi nghe tiếng đoàn tàu đi qua gần nhà, hễ ai cho mấy trăm mua kẹo, Hồng gom góp lại được vài chục ngàn lại gửi vào cho chị. Hồng muốn viết thư cho chị nhưng chẳng thể làm được, đành nhờ bạn viết, mình đọc.

Nhưng nhờ mãi cũng ngại lại thêm thi thoảng bạn bè bận, thậm chí bực mình vì chị hay nhờ người gọi sang chép hộ. Hồng quyết học đọc, viết cho kỳ được. Với một người liệt toàn thân, chân tay teo tóp, co quắp, không đến lớp được, chị nghĩ ra cách học qua tivi, nhờ bạn, nhờ mẹ dạy thêm.

Chị tâm sự: “Cũng qua truyền hình mình biết nhiều người có số phận còn khổ hơn mình nên tự nhủ phải sống cho thật tốt, trước hết là với chính mình đã”. Chị đã khóc vì vui sướng khi biết mình vẫn có thể viết được bằng cách cầm bút bằng miệng: miệng ngậm đầu bút, hai mu bàn tay giữ thân bút.

“Nhiều khi miệng đau lắm, cổ mỏi rã rời, cánh tay thì cứ giật giật khiến con chữ cứ méo mó. Mẹ mình xót con lại khuyên thôi con ạ nhưng mình đã quyết tâm nên mẹ đành xuôi theo” - chị nhớ lại. Và người mẹ đã bật khóc khi đứa con tàn tật của mình đưa cho đọc bài thơ nó viết. Những con chữ khá gọn gàng, sạch sẽ trên nền giấy trắng tinh, khiến cõi lòng người mẹ khổ đau như ấm lại. Nhờ có nỗ lực của bản thân và những người bạn quanh xóm như: Thoa, Tâm, Thanh cuối cùng Hồng đã có thể đọc, viết được sau hơn 1 năm miệt mài tập luyện.

Có cái chữ rồi chị muốn viết và làm thơ. “Đó là động lực giúp mình tiếp tục muốn sống, muốn viết” - Hồng trầm ngâm, triết lý như một nghệ sĩ: “Ai đó đã nói chỉ cần có đam mê và quyết tâm thì việc gì cũng có thể làm được, đúng không?”. Sau khoảng 4 năm từ ngày biết viết, đọc, chị đã có 5 tập với gần 400 bài thơ. Tôi vẫn thích và hay gọi Hồng là “nhà thơ trẻ”. Thơ chị dễ đọc, dễ nhớ, đơn giản mà sâu sắc.

Từ khi học được con chữ Hồng lao vào viết, viết như sợ ngày mai không còn được viết nữa, viết như sợ thời gian sẽ lấy đi những thứ mong manh Hồng đang có. Thơ như tiếng lòng trọn vẹn cất lên từ thể xác không hoàn hảo của chị. Thơ là nơi chị gửi gắm yêu thương, hay trút nỗi giận hờn. Thơ là chốn để tâm hồn chị thoải mái rong chơi trong thế giới vô cùng của thơ, thơ là cõi đi - về khi thân thể chị không thể nào đi được. Đó là “Nỗi nhớ không tên”: Nỗi nhớ không có bóng hình/ Vậy mà nó cứ ở trong tim mình/ Nhớ chị nhớ bạn nhớ em/ Và bao nỗi nhớ những người thân quen/ Suốt đời ta không thể nào quên/ Vì nỗi nhớ nó không hề có tên”. Thơ của Hồng có buồn, có hụt hẫng: Có những nỗi buồn sầu/ Không thể nói thành câu/ Có những điều đau khổ/ Không thể nào chia sẻ/ Cuộc đời là thế đó/ Buồn cũng đành phải vui/ Chứ không phải là tôi/ Không biết buồn biết vui. (“Không phải”).

Một bức tranh do Hồng vẽ bằng... miệng

Là người phụ nữ, Hồng cũng có khao khát được yêu, được ghét, được giận hờn, để mà nhớ mà thương. Những bài thơ tình của một người có thể chưa bao giờ trải qua tình yêu đôi lứa ấy lại đủ sức chạm đến khúc tâm tình của những người đã đôi lần biết đến thứ tình cảm thiêng liêng với bao dư vị ngọt - đắng. Có lẽ, Hồng yêu theo cách mà tôi không hiểu được, và chị thể hiện tình yêu ấy với thơ và bằng thơ: Tôi rất ghét những người gian dối/ Những con người dễ dàng nói tiếng yêu (“Ghét”); Chiều nay phố vắng bóng em/ Mình anh trên phố mưa rơi ngập đường/ Giọt sương giọt nhớ giọt buồn/ Giọt nào mang nỗi nhớ em theo cùng (“Nhớ em”), rồi lại tự an ủi mình: Cuộc đời có mấy khi vui/ Bạn ơi đừng khóc mà cười thật vui/ Để cho đời mãi tươi cười/ Vì không có nước mắt rơi ngậm ngùi (“Đừng khóc”), “Thôi hãy đành quên hết nỗi đắng cay/ Quên con tim mình vẫn đang rỉ máu/ Mà mỉm cười như không biết buồn đau” (“Đừng”).

Chị bảo, thơ như dòng máu nóng tiếp sức cho cơ thể còm cõi của chị, thơ là cả cuộc sống và tình yêu mà chị theo đuổi, chẳng phải vì chức danh “nhà thơ” mà nhiều người vẫn thân mật gọi chị, mà vì chị thấy yên bình khi tìm đến thế giới của “nàng thơ”. Và chị sẽ còn làm thơ chừng nào một bộ phận trên cơ thể quằn quại của chị còn cử động. “Nhiều lúc mình cũng buồn, cũng chán, chẳng thiết sống nữa. May mà có gia đình, bạn bè, người thân luôn bên cạnh động viên mình và nhất là “nàng thơ - người bạn tri kỷ” đã vực mình đứng lên, cười tươi mà “chiến đấu” với số phận”. Câu nói thay cho lời chào tạm biệt ấy của chị đủ để tôi biết rằng, lần sau gặp lại, tôi sẽ lại đọc được rất nhiều bài thơ nữa của chị - những bài thơ chị viết lên bằng miệng.

Ngoài làm thơ, Hồng còn vẽ. Chị thích vẽ chân dung nhất, bởi: “Ở đó mình tha hồ chọn kiểu trang phục cho nhân vật, ai cũng đẹp cũng rất đáng yêu”. Không chỉ cầm được bút, làm được thơ, Hồng còn có thể xâu kim, thực hiện công việc may vá rất thành thục. Chị hiện đang sống với người mẹ đã gần 70 tuổi và vợ chồng người anh cả Nguyễn Văn Khoa. Nhà anh Khoa nghèo lắm, nuôi mình còn khó. Thế nên, hai mẹ con chị trông cả vào số tiền trợ cấp 400 ngàn đồng do Hội Chữ thập đỏ của địa phương giúp đỡ hàng tháng.