Nới lỏng có chừng mực

ANTĐ - Cục Quản lý giá dự báo, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 tăng nhẹ so với tháng 10 với mức tăng 0,51%. Trung tâm Thông tin Công thương cho biết, sức ép chính đẩy giá cả hàng hóa tăng là tình hình mưa bão gây thiếu nguồn cung hàng hóa thiết yếu, trong khi tổng cầu có khả năng tăng do tác động từ các chính sách tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và thúc đẩy đầu tư toàn xã hội.

Tháng 11 là mùa cao điểm các doanh nghiệp gia tăng sản xuất, chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết. Các biện pháp tập trung tháo gỡ sản xuất, thúc đẩy đầu tư xã hội, tăng dư nợ tín dụng, xử lý nợ xấu tiếp tục được thực hiện góp phần tăng tổng cầu xã hội, gây sức ép lạm phát. Dẫu vậy, tháng 11 vẫn có một số yếu tố quan trọng góp phần bình ổn giá. Đó là tác động theo độ trễ của việc giảm giá xăng, giá một số hàng hóa dịch vụ có khả năng ổn định như giá điện, than cho sản xuất điện, xi măng, sắt thép, dịch vụ y tế, giáo dục, thức ăn chăn nuôi. Bên cạnh đó, cung cầu trong  nước cơ bản vẫn ổn định, các địa phương đang xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường, dự trữ hàng hóa phục vụ cuối năm.

Do nền kinh tế còn nhiều khó khăn, sức cạnh tranh và hấp thụ vốn còn yếu, kênh tín dụng tăng chậm nên trong ngắn hạn, Chính phủ đã trình Quốc hội cho phép nới lỏng tài khóa để tập trung khắc phục tình hình tăng trưởng kinh tế chậm. Thu chi ngân sách có lẽ là vấn đề lớn nhất của nền kinh tế, không chỉ trong năm nay mà cả trong năm 2014. Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã có trên 10 buổi làm việc với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch-Đầu tư để xem xét, xử lý các vấn đề phát sinh. Tình hình ngân sách nhà nước căng thẳng tới mức thu ngân sách sụt giảm tới 63.630 tỷ đồng. Chính phủ đã chủ động rà soát, kiên quyết cắt giảm những khoản chi chưa thật cần thiết, cấp bách lên đến trên 30.000 tỷ đồng. Đối với ngân sách địa phương, cho phép sử dụng 50% số dự phòng của ngân sách địa phương, sử dụng khoản tiết kiệm chi để bù đắp số hụt thu này. Đối với ngân sách Trung ương, sau khi sử dụng số tiết kiệm chi, theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách, nếu giữ mức bội chi là 4,8% như nghị quyết của Quốc hội, thì ngân sách Trung ương vẫn sẽ “treo nợ” 33.500 tỷ đồng. Vì vậy Ủy ban đồng tình với việc Quốc hội điều chỉnh tăng bội chi của năm 2013 lên 5,3% GDP để phản ánh đúng thực trạng cân đối ngân sách nhà nước. Tuy vậy, Chính phủ phải hết sức cân nhắc trong việc ban hành chính sách làm tăng chi, nếu như không tính đến nguồn cân đối thì vô hình trung sẽ làm tăng nợ công và bị động trong quản lý điều hành ngân sách.

Trong hoàn cảnh kinh tế chưa hết khó khăn, sức cạnh tranh và sự hấp thụ vốn còn yếu, kênh tín dụng tăng chậm, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị trong ngắn hạn cho phép nới lỏng tái khóa có chừng mực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đến khi kinh tế thực sự hồi phục sẽ thực hiện thắt chặt tiền tệ, đảm bảo an ninh tài chính.