Nỗi lo không chỉ trong dịp Tết

ANTD.VN - Cận Tết, nhu cầu tăng mạnh khiến mối lo thực phẩm không an toàn lại bùng phát.

Các lực lượng chức năng đã vào cuộc ráo riết nhưng cũng rất khó để ngăn chặn hết được thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc tràn về các thành phố lớn…

Sát Tết, báo chí liên tiếp phản ánh các trường hợp sản xuất, buôn bán thực phẩm bẩn, vi phạm quy định pháp luật về an toàn thực phẩm. Nơi này nêu sự việc bắt giữ 10 tấn mứt không rõ nguồn gốc; phát hiện cơ sở sản xuất thực phẩm cho trẻ em “siêu bẩn”, bán thịt lợn chết; chỗ kia thông tin một nạn nhân tử vong do uống phải rượu có cồn công nghiệp hay tìm thấy chất cấm trong thịt, cá, bún, bánh… Tần suất các vụ vi phạm gia tăng tới mức, người ta dần cảm thấy chai sạn với thông tin về thực phẩm bẩn và đành tặc lưỡi, thôi thì “khuất mắt trông coi”.

 Để ngăn chặn thực phẩm bẩn tràn vào Hà Nội trong dịp Tết và mùa lễ hội 2017, cùng với hoạt động thường xuyên của các lực lượng chức năng, thành phố đã thành lập 6 đoàn kiểm tra liên ngành để thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, tiêu thụ thực phẩm trên toàn thành phố, từ ngày 27-12-2016 đến ngày 25-3-2017.

Đoàn giám sát của Quốc hội cũng lựa chọn dịp cao điểm này để giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016 trên địa bàn Thủ đô.

Dù vậy, đâu chỉ có ngày Tết, mà ở tất cả các ngày trong năm, người dân luôn mong muốn được sử dụng thực phẩm sạch, an toàn. Trách nhiệm hiện thực hóa mong muốn này không chỉ ở cơ quan quản lý Nhà nước mà còn thuộc về cả các doanh nghiệp - nhà sản xuất và người tiêu dùng. Hiện nay, sự liên kết giữa 3 “nhà” này còn lỏng lẻo nên thực phẩm sạch, an toàn - dù lượng sản xuất ra chưa nhiều nhưng vẫn gặp khó trong khâu tiêu thụ, trong khi thực phẩm không an toàn lại dễ dàng tìm được kẽ hở để len lỏi vào mâm cơm của các gia đình.

Công tác đấu tranh, ngăn chặn sản xuất, chế biến, tiêu thụ thực phẩm bẩn đang được đẩy mạnh. Hà Nội đã trang bị nhiều máy móc, thiết bị hiện đại để phát hiện các vi phạm. Hệ thống quy định pháp luật về an toàn thực phẩm đưa ra chế tài ngày một nghiêm khắc hơn đối với hành vi vi phạm.

Quy định về trách nhiệm của lực lượng thực thi công vụ cũng rất rõ ràng. Thế nhưng, đó mới chỉ là một phía của vấn đề bởi nếu nhu cầu thực phẩm sạch chưa được đáp ứng thì người dân buộc phải chấp nhận mua để sử dụng và thực phẩm không rõ nguồn gốc, không an toàn vẫn còn đất sống.

Để kết nối 3 “nhà”, Hà Nội đã hợp tác với các địa phương xây dựng được hơn 140 điểm phân phối thực phẩm an toàn theo chuỗi. Con số này còn quá ít so với nhu cầu thực tế, chưa đủ tạo ra sức mạnh lấn át thực phẩm không rõ nguồn gốc, không an toàn. Rõ ràng, để đáp ứng được yêu cầu “sạch từ trang trại tới bàn ăn”, cần nỗ lực rất lớn, thường xuyên và lâu dài từ cả 3 “nhà”.