Nỗi đau được báo trước

ANTĐ - Bố đánh con đẻ đến chết là tội ác không thể dung thứ. Đáng buồn, những trẻ em này bị hành hạ, đánh đập đã lâu, hàng xóm đều biết nhưng không có biện pháp can thiệp, chính quyền ít quan tâm, khiến bạo lực ngày càng tàn khốc. 

Sự hối hận muộn màng

Gần đây nhất là vụ việc cháu Đỗ Doãn Lộc (8 tuổi, ở Bắc Ninh) bị bố dùng vật cứng vụt đến mức chấn thương sọ não, chấn thương đa phủ tạng, dẫn đến hôn mê. Sau khi điều trị 3 ngày tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), cho dù được các bác sĩ hết lòng cứu chữa, nhưng cháu không qua khỏi. Nguyên nhân trận đòn ác nghiệt chỉ vì bố và mẹ kế nghi cháu ăn cắp 20.000 đồng. Trước đó, bé Lộc đã nhiều lần bị bố đánh tàn nhẫn, hàng xóm láng giềng đều biết nhưng vì “anh ta đóng kín cửa nên chẳng ai dám vào can ngăn”. Đến khi cháu Lộc mất, nhiều hàng xóm tỏ lòng thương xót, ái ngại và cho biết: “Ai nghĩ cháu bị hành hạ đến mức này”. Nếu như  hàng xóm có tấm lòng, chính quyền có trách nhiệm, ngăn chặn ngay từ đầu thì có thể, cháu Lộc đã không phải chết oan uổng như vậy. 

Đầu năm 2014, một bé gái 12 tuổi ở Đắk Lắk cũng bị bố đánh chết vì để mất bao hồ tiêu. Hai em gái của em cũng bị bố đánh đến chấn thương nặng. Cán bộ thôn xóm cho biết, các cháu bé thường bị bố đánh nhưng không hề có biện pháp ngăn chặn. Chỉ đến khi cháu chết, chính quyền mới đến hỏi thăm. Thậm chí, cán bộ còn trách do bố mẹ cháu không tham gia tổ chức, đoàn thể nào nên họ không vào thăm. Trước đó, tại huyện Nông Cống  - Thanh Hóa cũng xảy ra vụ án rùng rợn. Bé Linh 3 tuổi đã bị người cha dội xăng thiêu sống chỉ vì giận vợ cũ. Cháu bé được cứu sống, tuy nhiên đã bị tổn hại gần 90% sức khỏe, toàn thân chằng chịt sẹo. Trước khi châm lửa đốt con, người bố độc ác đã nhiều lần đe dọa, hành hạ con như ép con uống trừ sâu (bị người thân kịp thời phát hiện ngăn chặn), hành hạ (ép quỳ dưới mưa khi cháu mới 1 tuổi rưỡi), mở bình gas dọa đốt cả vợ con, rút dao dọa chém. Khi ra tòa xử ly hôn, ngay giữa phiên tòa của TAND huyện Nông Cống, anh ta đã mang chai xăng trong người, tưới lên người con dọa đốt. Tuy nhiên, cán bộ tòa án chỉ hoãn phiên tòa mà không có hành động nào để ngăn chặn, trong khi hành vi cấu thành tội phạm đã rõ ràng. Và chỉ vài ngày sau đó, ngọn lửa tội ác đã thực sự bùng lên… 

Ngăn chặn từ khi mới nảy sinh

Bà Nguyễn Thanh Thúy – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới, Gia đình, Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) cho biết, bạo lực gia đình (BLGĐ) không giống như các dạng bạo lực khác, thường có một tiến trình, diễn biến kéo dài, có thể nhìn thấy, đoán trước và càng ngày càng leo thang nặng nề hơn. Vì thế, nếu ngay từ ngày đầu BLGĐ vừa xảy ra, chính quyền địa phương vào cuộc can thiệp, nhắc nhở hoặc xử phạt hành chính, nghiêm khắc giám sát thì chắc chắn người gây bạo lực sẽ chùn bước. Nhưng nếu những người xung quanh vô cảm, vô trách nhiệm, thì bạo lực sẽ ngày càng nghiêm trọng, mà trẻ em là những người gánh chịu hậu quả nặng nề nhất. 

Theo bà Thúy, khi được hỏi về ngăn chặn BLGĐ ở địa phương, không ít cán bộ chính quyền cho rằng không có đơn của gia đình thì không thể can thiệp. Quan điểm như vậy là hoàn toàn sai. Trong Luật Phòng chống BLGĐ, bất cứ người dân nào (không cần là nạn nhân bị BLGĐ) nếu nhìn thấy bạo lực và báo lên cán bộ cơ sở, thì chính quyền địa phương phải cho người xuống địa bàn thẩm tra và xử lý. Nếu không làm là không hoàn thành nhiệm vụ. Thật phi lý khi đợi đơn “xin” trợ giúp từ những đứa trẻ bị bố mẹ đánh. 

Ông Hoa Hữu Vân – Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa Du lịch và Thể thao) cho biết, để xảy ra các vụ bạo lực gia đình thì trách nhiệm đầu tiên là của chính quyền địa phương mà ông trưởng thôn, cán bộ phụ nữ phải là “tai mắt” của xã phường để kịp thời phát hiện và ngăn chặn bạo lực từ trong trứng nước, tránh để bạo lực bùng phát thành án mạng. Tuy nhiên, công tác này ở dưới địa phương đang lỏng lẻo. 

“Luật có, văn bản hướng dẫn dưới luật cũng đầy đủ, hầu như phường xã nào cũng có Ban phòng chống BLGĐ do Phó Chủ tịch UBND trực tiếp phụ trách, tuy nhiên hoạt động thế nào lại tùy thuộc vào “tinh thần” địa phương. Lực lượng giúp phát hiện BLGĐ sớm nhất chính là mạng lưới cấp thôn thì hiện nay hoạt động chưa hết trách nhiệm” – ông Vân cho biết. 

“Can thiệp, ngăn chặn bạo lực gia đình, cũng như giúp đỡ phụ nữ và trẻ em bị BLGĐ rất cần nhân viên công tác xã hội. Họ có thể vừa giám sát các đối tượng gây bạo lực, phòng chống khủng hoảng tâm lý cho các nạn nhân bị bạo lực. Tuy nhiên, ở Việt Nam, dịch vụ xã hội đang còn trống. Trong thời gian tới, Vụ Gia đình sẽ làm thí điểm về công tác phòng chống khủng hoảng tâm lý cho các gia đình có bạo lực. Mục tiêu là cung cấp cho người gây bạo lực và bị bạo lực những kỹ năng để giảm thiểu BLGĐ” – ông Hoa Hữu Vân nhấn mạnh.