“Nổi chìm”... giá cả

ANTĐ - Ngoài mối quan tâm về giá lương thực, thực phẩm, có hai loại giá ảnh hưởng trực tiếp và mạnh nhất tới toàn xã hội, nhất là sản xuất kinh doanh và đời sống người dân. Đó là giá xăng dầu và giá điện. Một số lớn chuyên gia kinh tế và thị trường đã từng nhận xét rằng, cách tính hai loại giá “sát sườn” này cho tới nay chưa minh bạch. Những số liệu công bố chỉ là bề nổi. Cụ thể hóa những con số này thì chưa bao giờ Bộ Tài chính công bố rõ ràng cho doanh nghiệp và người dân nắm biết.

Nếu theo đúng cơ chế thị trường, khi giá cả lên hay xuống thì giá xăng dầu, điện cũng phải chuyển động theo. Thế mà lâu nay, giá xăng dầu chỉ thấy tăng vọt, thỉnh thoảng giảm nhỏ giọt, giá điện chỉ có tăng mà chưa bao giờ giảm, bất chấp những “thăng giáng” giá cả trên thị trường trong nước và thế giới. Cục Quản lý giá thường dẫn chứng các số liệu đầu vào để cho tăng giá xăng dầu, giá điện bán ra, thế nhưng khi các số liệu đầu vào giảm thì giá không hề giảm, nếu giảm chỉ để “hạ nhiệt” tâm lý thị trường.

Theo nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu thị trường - giá cả (Bộ Tài chính), việc áp dụng Nghị định 84 trong kinh doanh xăng dầu hiện nay còn rất nhiều điểm bất cập cần sửa ngay để có thể tăng giảm giá xăng dầu theo tuần. Nghị định quy định giá theo thị trường sẽ do doanh nghiệp tự quyết định. Theo ông, quy định như vậy là sai về bản chất, vì thị trường còn độc quyền mà để doanh nghiệp tự định giá là không đúng. Cũng như thị trường viễn thông trước đây, khi chỉ có một mình VNPT thì giá cả do họ tự quyết định. Khi có nhiều doanh nghiệp cạnh tranh, ngay lập tức giá do thị trường quyết định. Một điểm bất cập nữa là, Nghị định 84 quy định khi thị trường có biến động, doanh nghiệp sẽ được phép điều chỉnh ở một mức độ nhất định, nhưng thực tế, mỗi khi giá thế giới tăng thì doanh nghiệp cũng không được điều chỉnh mà phải do cơ quan quản lý quyết định. Đây là cơ chế “nửa vời” trong quản lý giá thị trường.

Hơn thế, doanh nghiệp bao giờ cũng kêu lỗ. Như trước đây chưa kiểm toán thì kêu lỗ, kiểm toán xong lại “lòi” ra vấn đề không phải như vậy. Ông Viện phó nhấn mạnh, cơ quan quản lý và doanh nghiệp luôn nói giá xăng dầu minh bạch, song cần quan tâm các số liệu về mức thuế, phí, hao hụt định mức, hoa hồng, lợi nhuận định mức. Tuy vậy, các thông tin do doanh nghiệp, cơ quan quản lý đưa ra có minh bạch, chính xác hay không lại là một vấn đề. Do vậy, phải xác định thị trường xăng dầu, điện có là thị trường độc quyền hay không. Nếu độc quyền thì nhà nước định giá và không trái với quy luật.

Ngay trong dự thảo Luật Giá sắp được ban hành, các sản phẩm độc quyền sẽ do Nhà nước định giá. Thực chất thị trường xăng dầu chưa phải là thị trường cạnh tranh đích thực. Ba doanh nghiệp nhập khẩu lớn nhất chiếm tới hơn 70% thị phần đã là độc quyền, tức là phải có cơ chế quản lý giá phù hợp. Căn cứ mức biến động giá thế giới trong một tuần để thay đổi giá trong nước, có thể rút xuống 7 ngày chứ không để 30 ngày như hiện nay. Tương tự, tính độc quyền trong kinh doanh điện vẫn chi phối việc điều chỉnh giá điện, trái với nguyên tắc thị trường. Cơ cấu giá thành chưa phân biệt rõ giữa các khâu sản xuất, truyền tải và phân phối nên không nhận được sự đồng thuận của dư luận.

Giá điện, xăng dầu quyết định và tác động mạnh đến hầu hết các ngành kinh tế và dân cư. Sự “nổi chìm” giá cả phải theo cơ chế thị trường, tức là phải minh bạch, chính xác. Minh bạch là độ trong sáng, đưa ra thông tin là minh bạch nhưng cần thiết phải chính xác.