Thủ tướng Anh David Cameron trong một cuộc vận động người dân Anh bỏ phiếu ủng hộ việc ở lại mái nhà chung EU
Ủy viên phụ trách kinh tế và các vấn đề tài chính của Liên minh châu Âu (EU) Pierre Moscovici ngày 8-5 cho rằng, nếu Anh rời EU sẽ dẫn tới tình huống hai bên cùng “lưỡng bại câu thương”.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker ngày 8-5 cũng cảnh báo, việc Anh rời khỏi UE sẽ “kéo theo những hậu quả không thể lường trước đối với hợp tác của châu Âu”. Tuy nhiên, người đứng đầu EC tỏ ý tin tưởng người dân Anh sẽ đưa ra quyết định “hợp lý” bởi London và các nước thành viên khác trong EU đã đạt được “một thỏa thuận công bằng” về cải cách hồi cuối tháng 2 vừa qua nhằm giữ nước Anh ở lại liên minh 28 thành viên.
Nhằm hỗ trợ cho Chính phủ của Thủ tướng David Cameron thuyết phục người dân Anh ủng hộ việc tiếp tục ở lại EU, liên minh này và nước Anh đã thông qua “thỏa thuận công bằng”, một điều kiện then chốt của của London. Theo đó, EU dành cho Anh những “quy chế đặc biệt” được xem là sự “phá rào” quy định của liên minh…
Song bất chấp đã được EU nhân nhượng để chấp nhận trường hợp ngoại lệ, tỷ lệ người dân Anh đồng ý với lựa chọn tiếp tục “chung sống” với EU vẫn không có sự biến động lớn so với trước khi thăm dò gần đây cho thấy 38% người dân Anh ủng hộ ở lại liên minh, trong khi có 34% muốn rời bỏ và điều quan trọng là vẫn còn 28% cử tri chưa có quyết định cuối cùng. Vì thế, quan điểm của 28% cử tri này sẽ có tiếng nói quyết định trong ngày “phán quyết” 23-6 tới khi nước Anh sẽ trưng cầu ý dân về việc ở lại hay rời bỏ EU.
Trong khi đó, việc nước Anh ly khai hay ở lại EU sẽ ảnh hưởng rất lớn trên nhiều phương diện với cả hai phía. Một nghiên cứu của Liên đoàn Công nghiệp Anh (CBI) cho thấy, việc Anh rời EU sẽ gây thiệt hại cho nước này 100 tỷ bảng (145 tỷ USD) vào năm 2020, tương đương 5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm.
Bên cạnh đó, khoảng 950.000 việc làm sẽ bị mất, dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp trong năm 2020 ở Anh sẽ cao hơn 2% đến 3% so với khi Anh vẫn ở lại EU. Trong khi đó, với EU thì ngoài những tác động tiêu cực về kinh tế-thương mại cũng ảnh hưởng rất lớn với vị thế và tiếng nói của liên minh.
41 năm trước, có tới 67% cử tri Anh đã ủng hộ việc tiếp tục ở lại Cộng đồng Kinh tế châu Âu (EEC, tiền thân của EU) trong cuộc trưng cầu ý dân vào năm 1975, 2 năm sau tham gia tổ chức này. Tuy nhiên, cuộc trưng cầu ý dân vào ngày 23-6 tới sẽ khó dự đoán hơn nhiều bởi quan hệ giữa hai bên đang phải trải qua nhiều sóng gió khi Anh đã quyết định không tham gia vào các dự án chủ chốt của EU, trong đó có Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu và Khối miễn thị thực Schengen… và mới nhất là bất đồng trong giải quyết vấn đề người nhập cư.