Nỗ lực triển khai thế trận phòng cháy, chữa cháy, vì sự bình yên của người dân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - “Hơn ai hết, chính người dân mới là bức tường thành của “pháo đài” phòng chống giặc lửa tại khu dân cư” - đây là quan điểm trong công tác triển khai thế trận phòng cháy, chữa cháy (PCCC) của CATP Hà Nội. Nhưng để phát huy, tạo sự vững chắc, an toàn cho thế trận ấy, rất cần sự chung tay, ý thức chủ động của nhân dân và cả hệ thống chính trị. Và nhiệm vụ này đang được CATP từng bước triển khai, vì sự bình yên của nhân dân.

Xây dựng thế trận rộng khắp

Năm 2022 là năm của chiến dịch tổng rà soát, kiểm tra để qua đó phân vùng nguy cơ tiềm ẩn hỏa hoạn từ cao đến thấp. Đây là nhiệm vụ quan trọng nhằm có phương án phòng ngừa hiệu quả, giảm số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra. Còn năm 2023 là giai đoạn đánh giá và tiếp tục triển khai các mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” và thực hiện “Điểm chữa cháy công cộng”. Lộ trình này cho thấy nhiệm vụ xây dựng thế trận an toàn PCCC tại khu dân cư sẽ trở nên hiệu quả nếu như nhận thức của người dân thay đổi, chung tay vì cộng đồng an toàn không cháy, nổ.

Đại tá Dương Đức Hải - Phó Giám đốc CATP Hà Nội yêu cầu các đơn vị đánh giá hiệu quả các mô hình PCCC, không chạy theo số lượng

Đại tá Dương Đức Hải - Phó Giám đốc CATP Hà Nội yêu cầu các đơn vị đánh giá hiệu quả các mô hình PCCC, không chạy theo số lượng

Chúng ta vẫn nói “nước xa không cứu được lửa gần”, đây là sự đúc kết để khẳng định tầm quan trọng của lực lượng chữa cháy tại chỗ mỗi khi phát hiện ra hỏa hoạn. Trong công tác an toàn PCCC, vẫn biết lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH chuyên nghiệp có vai trò nòng cốt, quan trọng, nhưng không thể phát huy hiệu quả tức thời tốt bằng chính người dân ở gần đám cháy - những người phát hiện cháy sớm nhất. Vì thế phương châm “4 tại chỗ” vẫn là kim chỉ nam để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Đó là lý do Ban giám đốc CATP Hà Nội đã chủ động phối hợp với hệ thống chính trị, các đoàn thể quyết liệt triển khai có hiệu quả 2 mô hình nói trên.

Đại tá Dương Đức Hải - Phó Giám đốc CATP Hà Nội cho biết: “Thực hiện quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công an trong công tác PCCC là lấy người dân là trung tâm, là chủ thể, đặt an toàn, tính mạng người dân là trên hết; lấy phòng ngừa là chính, là cơ bản, chiến lược, lâu dài (phòng là xây, chữa là chống); làm tốt công tác phòng cháy để giảm công tác chữa cháy với phương châm “Từng nhà an toàn - Từng nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp an toàn - Từng khu phố an toàn - Từng xã, phường, thị trấn an toàn”; UBND TP nói chung, CATP Hà Nội nói riêng xác định việc xây dựng và nhân rộng mô hình toàn dân tham gia PCCC tại các tổ dân phố, khu dân cư là hết sức thiết thực, cần thiết”.

Mô hình “xe ba gác chữa cháy” tại làng nghề của huyện Thạch Thất đã phát huy hiệu quả tích cực trong xử lý đám cháy ban đầu

Mô hình “xe ba gác chữa cháy” tại làng nghề của huyện Thạch Thất đã phát huy hiệu quả tích cực trong xử lý đám cháy ban đầu

Bằng hành động cụ thể, Ban Giám đốc CATP đã chỉ đạo quyết liệt các phòng chức năng liên quan, đặc biệt là công an các quận, huyện, thị xã bắt tay hành động. Tính đến cuối 2022, CATP đã chủ động tham mưu UBND TP Hà Nội chỉ đạo triển khai thành lập, duy trì hoạt động 56 mô hình về phong trào toàn dân tham gia PCCC trên địa bàn 30 quận, huyện, thị xã (trong đó có mô hình “Tổ liên gia an toàn về PCCC” và “Điểm chữa cháy công cộng”). Các mô hình này đã phát huy hiệu quả nhất định trong việc chữa cháy ban đầu các đám cháy trên địa bàn.

Con người, kỹ năng là yếu tố quan trọng

Âm thầm, bền bỉ xây dựng mỗi người dân là một chiến sỹ chữa cháy, những người lính cứu hỏa chuyên nghiệp cùng với lực lượng công an cơ sở đã và đang miệt mài chuyển biến ý thức trong nhân dân giúp họ hiểu được việc để xảy ra cháy là do mình và dập tắt cũng chính là mình. Theo đúng phương châm “mưa dầm thấm lâu”, những năm qua, hình ảnh người lính cứu hỏa “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để truyền tải, lan tỏa đến từng người dân các biện pháp phòng cháy, cách tự cứu bản thân thoát khỏi đám cháy đã trở nên quen thuộc.

Mỗi người dân cần bắt đầu hành động từ những việc làm nhỏ nhất như: “Khi đun bếp phải luôn chú ý; không dùng điện hãy tắt cầu dao; thắp hương, đốt nến hãy để mắt đến lúc tàn; hãy mở lối thoát nạn thứ 2, xây dựng phương án thoát nạn cho chính gia đình mình…”. Cứ âm thầm như thế mà tạo sự đồng thuận trong khu dân cư. “Tổ liên gia an toàn PCCC phải có ít nhất từ 5 hộ dân trở lên và được liên kết bởi hệ thống chuông báo cháy khi có sự cố hỏa hoạn. Trang bị các phương tiện như búa, rìu, kìm, bình chữa cháy… cho người dân để họ xử lý đám cháy khi mới phát hiện trong lúc chờ lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đến hỗ trợ. Tổ liên gia an toàn PCCC còn mang sứ mệnh lan tỏa ý thức phòng ngừa đến với cộng đồng xung quanh - coi đây nhiệm vụ cao nhất” - Đại tá Dương Đức Hải nhấn mạnh.

CAQ Hoàn Kiếm lắp chuông báo cho mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” trên địa bàn

CAQ Hoàn Kiếm lắp chuông báo cho mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” trên địa bàn

Vì sự an toàn của người dân, nhằm phát huy những kết quả đã đạt được trong công tác tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC, CATP Hà Nội yêu cầu lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH cùng công an các quận, huyện, thị xã tuyệt đối “không chạy theo số lượng, mô hình nào hiệu quả thì nhân rộng, mô hình nào không hiệu quả thì kết thúc”, đồng thời phát huy sáng kiến của địa bàn với mô hình phù hợp thực tế. Ngoài mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” triển khai hiệu quả trên khắp thành phố thì nhiều đơn vị đã có sáng kiến hay, phát huy được sức mạnh tổng hợp của nhân dân vào công tác phòng ngừa, xử lý khi có cháy nổ.

Ví dụ như quận Hoàng Mai từ công tác tuyên truyền, vận động người dân đã thay đổi ý nhận thức với mô hình “xe chữa cháy cải tiến”. Cụ thể, lúc 16h ngày 2-4 trên địa bàn quận Hoàng Mai đã xảy ra vụ cháy nhà dân tại địa chỉ số 10 ngõ 255/84/8 đường Lĩnh Nam, phường Vĩnh Hưng. Vụ cháy tuy không lớn nhưng đặc điểm địa hình phức tạp, nằm sâu trong ngõ nhỏ khiến xe chữa cháy chuyên dụng không vào được. Nhận được lệnh của UBND phường, ông Dương Văn Long - Phó Giám đốc Hợp tác xã sản xuất dịch vụ tổng hợp Vĩnh Tuy đã lái “xe chữa cháy cải tiến” cùng một số cán bộ hợp tác xã tới nơi hỏa hoạn phối hợp với Đội Cảnh sát PCCC và CNCH triển khai phun nước chống cháy lan và dập tắt đám cháy kịp thời.

Sáng tạo trong công tác PCCC, huyện Thạch Thất cũng cho ra đời mô hình “xe ba gác chữa cháy” khi nơi đây tập trung nhiều làng nghề sản xuất gỗ, nội thất, nhưng hệ thống giao thông nhỏ hẹp và xe chữa cháy chuyên nghiệp không tiếp cận được. Để phát huy và nhân rộng mô hình cải tiến xe ba gác thành xe chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đa năng đầu tiên của Hà Nội tại các làng nghề, UBND huyện Thạch Thất tổ chức diễn tập phương án chữa cháy và cứu nạn cứu hộ theo phương châm “4 tại chỗ”, đánh giá lại hiệu quả mô hình này sau khi được cải tiến lần thứ 2.

Giống như huyện Thạch Thất, do đặc thù địa bàn có nhiều ao hồ, UBND huyện Hoài Đức đã trang bị hơn 30 máy bơm cao áp, đồng thời huấn luyện kỹ năng cho lực lượng chữa cháy tại chỗ nhằm tăng năng lực ứng phó tức thời mỗi khi có sự cố hỏa hoạn. Đây là những sáng kiến hữu hiệu để giải bài toán “nước xa không cứu được lửa gần”, giúp mỗi người dân trở thành một người lính cứu hỏa, bảo vệ tài sản, tính mạng cho bản thân và hàng xóm của mình.

Ông Nguyễn Văn Luyện - Chủ tịch UBND phường Bồ Đề, quận Long Biên: Thay đổi ý thức để tất cả cùng có trách nhiệm

Hiện phường Bồ Đề đã ra mắt 12/23 Tổ liên gia an toàn PCCC và dự kiến triển khai hơn 70 điểm chữa cháy công cộng. Điều đáng mừng là nhờ tích cực tuyên truyền vận động, hiểu được sự cần thiết của công tác phòng ngừa nên nhiều tổ dân cư đã thay đổi ý thức, tự trang bị phương tiện PCCC cho ngõ của mình. Giờ đây, những con ngõ sâu, ngõ nhỏ trên địa bàn phường đều xuất hiện những “Tiêu lệnh đỏ” cùng với đầy đủ dụng cụ, phương tiện chữa cháy. Nhờ mô hình này người dân cũng thấy rõ được trách nhiệm của mình đối với công tác PCCC và CNCH.

Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền - Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm: Thường xuyên hướng dẫn kỹ năng thoát nạn, thực hành chữa cháy cho nhân dân

Để thực hiện hiệu quả công tác PCCC, coi đó là trách nhiệm của toàn dân, chúng tôi đã tuyên truyền bắt đầu từ những người đứng đầu các tổ dân phố. Đây chính là nhân tố nòng cốt phát huy sức mạnh tổng hợp ở khu dân cư để thực hiện hiệu quả “phương châm 4 tại chỗ” trong nhiệm vụ an toàn PCCC. Bên cạnh đó, bà con khu dân cư, tổ dân phố thường xuyên được Cảnh sát PCCC và CNCH hướng dẫn kinh nghiệm, kỹ năng thoát nạn, thực hành chữa cháy hiệu quả, trang bị phương tiện PCCC ngay tại đầu ngõ.

Ông Trần Quốc Tuấn - Tổ trưởng tổ 21 phường Bồ Đề, quận Long Biên: Lực lượng chữa cháy cơ sở là cánh tay nối dài của Cảnh sát PCCC và CNCH

Có một thực tế là ở khu dân cư, ngoài sự đồng thuận của đông đảo bà con thì cũng có những người tinh thần chưa cao, thậm chí là chỉ làm chiếu lệ vì họ tư duy “nhà mình thế này thì cháy làm sao được”. Nhiệm vụ PCCC là phải xác định là giữ an toàn cho hàng xóm cũng chính là giữ an toàn cho ngôi nhà của mình, người thân của mình. Nếu tư duy như vậy thì sẽ không có ai an toàn cả bởi nếu không khống chế kịp nó sẽ cháy lan, cháy lớn và thiệt hại khôn lường. Cần loại bỏ ngay những tư duy thiển cận, vô trách nhiệm này.

Tôi đánh giá mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” và “Điểm chữa cháy công cộng” hay các mô hình an toàn PCCC tại khu dân cư đã và đang thực hiện là rất hiệu quả, nhất là khi được trang bị phương tiện để xử lý, ứng phó hỏa hoạn ban đầu. Chỉ cần ý thức tự giác và tinh thần trách nhiệm với cộng đồng thì công tác PCCC sẽ thiết thực, hiệu quả ngay tại khu dân cư. Ví dụ, khoảng cách giữa phường Bồ Đề với Đội Cảnh sát PCCC và CNCH của quận Long Biên cũng xa hơn 3km, nếu có hỏa hoạn thì xe chữa cháy cũng phải mất 10 - 15 phút mới đến được, tùy theo điều kiện giao thông. Hậu quả sẽ rất khôn lường nếu chúng ta không kịp tận dụng quãng thời gian chờ xe cứu hỏa để xử lý ngay đám cháy đó. Vì thế tôi khẳng định, lực lượng chữa cháy tại chỗ với các mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” và “Điểm chữa cháy công cộng” là cánh tay nối dài của lực lượng cứu hỏa chuyên nghiệp.