Những tình huống nghẹt thở của lính PCCC

ANTĐ - Càng phun nước thì khói độc kèm hơi nóng càng phả ra dữ dội, tức thở…, Dũng cố bò đến phía có ánh đèn pin lấp ló gọi đồng đội giúp nhưng kiệt sức đành bám vào đường vòi chữa cháy, lê người lên cửa hầm.

Cảnh sát PCCC Hà Nội kiên cường, dũng cảm cứu chữa hỏa hoạn

Khó khăn bất ngờ

Vài tuần sau vụ hỏa hoạn tại Trung tâm Điều hành và Thông tin  viễn thông Điện lực (11 phố Cửa Bắc, quận Ba Đình, Hà Nội), anh em tham gia chữa cháy trực tiếp vẫn còn nhớ nguyên cảm giác “say” khói khủng khiếp.

Anh Nguyễn Ngọc Hùng - lái xe chữa cháy BKS: 31A-8380 kể: Đường đông, xe ưu tiên hú còi inh ỏi nhưng người và phương tiện vẫn ken đặc. Loa trên xe trục trặc, anh em ngồi gần cửa phải đua người ra ngoài kêu gọi bà con nhường đường. Gần 10 phút sau, xe đơn vị tôi đến hiện trường đầu tiên. Anh Hùng nhớ lại. Cảnh tượng lúc đó thật hãi hùng, chưa bao giờ tôi thấy đám cháy nào nhiều khói đến vậy. Sau ít giây bao quát hiện trường, anh em triển khai 2 lăng vòi, 3 đèn pha tiến vào cửa tầng hầm 1, tòa nhà A. Lối vào bị khóa trái nên phải huy động kìm cắt phá. “Tiến qua cửa chừng 5 mét, tôi quay lại phía sau đã không nhìn thấy ánh sáng nơi cửa hầm, đồng đội xung quanh cũng “mất hút” vì khói đen đặc…” - Hạ sỹ Kiều Văn Dũng, chiến sỹ chữa cháy nhớ lại. Khói xộc vào mặt, mũi, mồm khiến Dũng không thở được. “Càng phun nước thì khói độc kèm hơi nóng càng phả ra dữ dội, tức thở…, tôi cố bò đến ánh đèn pin lấp ló vẫy đồng đội giúp nhưng kiệt sức. Lần tìm và bám được vào đường vòi chữa cháy, tôi lê người lên cửa hầm” - Dũng kể khi những cơn ho khan, kèm bụi tro đen kịt đùn ra từ cổ họng.

Chỉ huy mũi chữa cháy 2 ở tầng tháp B, Trung úy Lê Văn Thinh -  Phó Đội trưởng Đội cứu nạn cứu hộ, Phòng Cảnh sát PCCC Hoàn Kiếm kể: Khi nhà thầu báo ở tầng hầm tháp B có kho vật tư dây cáp điện, máy biến áp dễ cháy, anh em triển khai ngay lực lượng cứu chữa. Vừa qua cửa hầm, chúng tôi đụng phải 1 bình gas loại 12kg và 1 bình oxy nối với nhau bằng các dây dẫn, khả năng dùng để hàn xì. Tập trung phun nước làm mát vỏ bình, anh em hò nhau ôm 2 “quả bom” ra ngoài. Tiếp tục triển khai các mũi tiến công, mũi một gồm 4 CBCS bò sát mặt đất, “đánh” thẳng về hướng cửa hầm phố Cửa Bắc, mũi khác ứng trực phun hóa chất bao phủ lên các máy biến áp, tạo ra lớp “tường” ngăn cháy, phòng trường hợp phát nổ. Sau nhiều giờ tổ chức chữa cháy, các mũi tiến công ở 2 đầu hầm tháp A và B gặp nhau, cháy được khống chế.

Giải cứu nạn nhân

17h30, sau khi xe thang giải cứu được một tốp thợ mắc kẹt trên tầng 5, tòa tháp B, Đại tá Tô Xuân Thiều, Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP Hà Nội, chỉ đạo tôi cùng 2 chiến sỹ cứu hộ - cứu nạn, đại diện nhà thầu đeo mặt nạ, mang theo búa rìu tiếp cận, giải cứu người mắc kẹt trên tầng 33, tháp A theo đường thang bộ - Thượng tá Ngô Thanh Lâm, Phó Trưởng phòng CS PCCC Đống Đa nhớ lại. Khói nhiễm vào buồng thang không đặc như tầng hầm, nhưng leo thang bộ trong môi trường thiếu oxy nên anh em rất mất sức. Lên đến tầng 11, chúng tôi phát hiện một thanh niên chừng 19-20 tuổi, đang vắt vẻo đứng ngoài ban công tòa nhà, cách mặt đất 30 mét. Mặt ám khói đen kịt, môi thâm sì, tay chân run rẩy, anh này đưa tay cầu cứu - Thượng tá Lâm kể. Hỏi ra mới hay, cháy xảy ra khiến anh mất bình tĩnh, dù đang làm việc ở tầng hầm nhưng “ba chân bốn cẳng” chạy thẳng lên tầng 11 thoát thân. Lên đến đây thì kiệt sức, khói nhiều nên đã liều mình ra ngoài “giời” đứng trên 4 thanh nhôm.

Càng lên cao, khói càng đậm đặc, mặt nạ không còn duy trì đủ oxy, nhịp tim đập dồn dập, mặt nóng bừng. Với quyết tâm cứu bằng được những người gặp nạn, Thượng tá Lâm cùng CBCS gắng động viên nhau bám tay thang, “cuốc” bộ lên nóc tòa nhà, nơi 25 công nhân chờ cứu. “Thấy chúng tôi, họ mừng lắm, 25 người đang đứng cả trên bể nước, mặt mũi đen nhẻm. Hỏi sức khỏe từng người, tôi đưa khăn ướt để họ bịt mũi tránh khói…” - chỉ huy chữa cháy chia sẻ. Phương án giải cứu số người này theo đường thang bộ được bàn thảo, nhưng đa số họ sức khỏe yếu nên buộc ở lại đây chờ đợi. Một thành viên trong tổ cứu nạn xung phong ở lại ổn định tâm lý đám đông, chờ ròng rọc ứng cứu. Tổ trinh sát cùng Thượng tá Lâm nhanh chóng trở lại cầu thang bộ, rà soát kỹ lưỡng từng tầng nhà. Anh không sợ 25 người trên nóc bị cháy đe dọa à? Với kinh nghiệm chữa cháy nhiều năm, ngay từ đầu chúng tôi đã nhận định, hỏa hoạn không thể lan lên tầng cao. Lo ngại chỉ là người mắc kẹt mất bình tĩnh làm liều. Trường hợp thanh niên tự “treo” mình trên ban công tầng 11, trong điều kiện gió giật mạnh, lan can tạm bợ có thể coi là tình huống nghẹt thở - Thượng tá Lâm trả lời.