Những thay đổi trên cơ thể phụ nữ khi bước sang tuổi 30

ANTD.VN - Tuổi 30 là một trong những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời mỗi người. Đặc biệt, với người phụ nữ, giai đoạn bước sang tuổi 30, cơ thể phụ nữ có nhiều thay đổi.

Cơ hội mang thai giảm

Một trong những mối quan tâm lớn nhất khi bước sang tuổi 30 (đặc biệt là đối với phụ nữ) là vấn đề về khả năng sinh sản. Khả năng sinh sản bắt đầu giảm ở độ tuổi 30, đặc biệt là qua tuổi 35.

Trước 35 tuổi phụ nữ có thể có thai khỏe mạnh và sinh em bé khỏe mạnh nhưng sau mốc này thường hay gặp những rủi ro về sức khỏe. Theo các chuyên gia y tế, khi bạn bước qua ngưỡng tuổi 30, phụ nữ có nhiều nguy cơ bị nhiễm sắc thể bất thường làm giảm chất lượng trứng. Điều này có thể ảnh hưởng đến việc thụ tinh và cũng là nguyên nhân chính gây sẩy thai. 

Tóc bắt đầu mỏng và bạc

Khi bạn già đi, tóc mỏng đi và bắt đầu chuyển sang màu bạc. Không chỉ tóc mà lông mày cũng có thể xuất hiện màu bạc. Thêm vào đó, do sự co giãn trong da có thể thay đổi.

Xương yếu đi

Theo thời gian, xương khớp sẽ có dấu hiệu đau có thể do chấn thương hoặc do tuổi tác. Ở độ tuổi 30, xương bắt đầu có dấu hiệu loãng nếu cơ thể không hấp thụ được những thực phẩm giàu canxi và không được vận động nhiều.

Sự trao đổi chất chậm lại

Chế độ ăn uống cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giữ một thân hình cân đối, khỏe mạnh. Nếu bạn là một người ăn kém, mức độ trao đổi chất có thể chậm lại sau 30 tuổi. Vì vậy, ở độ tuổi này, bạn nên ăn uống lành mạnh, uống nhiều nước sẽ giúp duy trì tốc độ trao đổi chất và giữ cho làn da khỏe mạnh ngay cả sau tuổi 30.

Nếp nhăn bắt đầu xuất hiện

Ở độ tuổi 30, bạn có thể dễ dàng nhận ra dấu hiệu lão hóa trên da. Điều này cũng phụ thuộc vào làn da và chế độ ăn uống. Những thay đổi dễ nhận thấy sau 30 tuổi sẽ là nếp nhăn xung quanh mắt hoặc da bị chảy sệ. 

Chu kỳ kinh nguyệt có thể thay đổi

Sau tuổi 30, có rất nhiều thay đổi nội tiết tố trong cơ thể. Kinh nguyệt có thể giảm nhẹ theo tuổi tác. Điều này không có nghĩa là bạn đang tiến gần đến thời kỳ mãn kinh bởi đây là sự thay đổi bình thường trong cơ thể sau 30 tuổi.

Dễ bị stress

Khi ở tuổi 30, người phụ nữ phải đối mặt với nhiều vấn đề cuộc sống như gia đình, hôn nhân, con cái, công việc… Những áp lực đó sẽ khiến bạn cảm thấy stress tăng lên. Căng thẳng sẽ có một số biểu hiện chẳng hạn như chứng đau nửa đầu, mệt mỏi, khó ngủ, trầm cảm, lo âu, rối loạn dạ dày…

Nguy cơ mắc bệnh cao hơn

Tình trạng viêm xảy ra khi chúng ta già đi. Hiện tượng này là nguyên nhân gây ra các bệnh liên quan đến tuổi tác. Các chuyên gia khuyên bạn nên từ bỏ càng sớm càng tốt những thói quen sau: Không hút thuốc, kiểm soát cân nặng, luyện tập thể dục đều đặn, ngủ đủ giấc và giảm căng thẳng.

5 xét nghiệm không thể bỏ qua

Phụ nữ khi sang tuổi 30, bạn cần phải đặc biệt quan tâm đến vấn đề sức khỏe, nhất là phải có thói quen thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ để sớm có thể phát hiện những bệnh nguy hiểm như: 

Ung thư cổ tử cung. Theo khuyến cáo, phụ nữ trung niên nên làm xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung hay còn gọi là xét nghiệm PAP mỗi năm 1 lần.

Ung thư vú. Khi bắt đầu bước sang tuổi 30, phụ nữ nhất định phải tập thói quen tự kiểm tra ngực hàng tháng. Nếu xuất hiện những cơn đau ngực bất thường, cần phải đi khám sớm để bác sĩ chẩn đoán kịp thời.

Bệnh loãng xương. Phụ nữ dễ bị mất xương, loãng xương hơn nam giới, đặc biệt sau tuổi 30. Cần thực hiện kiểm tra 5 năm/lần bởi người phụ nữ bị mất 30% khối lượng xương trong vòng 5 năm từ thời kỳ mãn kinh.

Bệnh tiểu đường. Nên thực hiện xét nghiệm sàng lọc bệnh tiểu đường định kỳ sau 30 tuổi để có thể kiểm soát kịp thời  và tránh những biến chứng phức tạp khác khi mang thai.

Rối loạn tuyến giáp. Phụ nữ có khả năng bị các chứng rối loạn tuyến giáp cao hơn gấp 10 lần so với nam giới, đặc biệt là với phụ nữ trên 30 tuổi. Do đó, các bác sĩ khuyên rằng sau 30 tuổi, bạn nên thường xuyên thực hiện xét nghiệm máu để kiểm tra mức độ hormone kích thích tuyến giáp.