­­Những số phận bị đánh cắp

ANTĐ - Thử tưởng tượng một người mẹ đau khổ như thế nào khi nghe tin đứa con vừa sinh đã không sống được. Nhưng nhiều năm sau đó, bà phát hiện ra đứa con không chết mà bị người ta bí mật đưa cho người khác. Đó là những gì đã xảy ra ở Tây Ban Nha trong thời gian 40 năm dưới chế độ độc tài của tướng Francisco Franco.

Cặp vợ chồng này vẫn hoài nghi rằng con họ đã bị bắt đi nhiều năm trước

Mảng tối lịch sử

Trong và sau cuộc nội chiến giai đoạn 1930 - 1940, chế độ độc tài của tướng Franco đã lập kế hoạch làm suy yếu kẻ thù của mình bằng cách đưa những đứa trẻ được cho là con em phần tử chính trị chống đối chế độ hay những người từng chống lại ông ta suốt thời kỳ nội chiến sẽ bị bán hoặc đem cho những gia đình ủng hộ chế độ.

Các vụ đánh cắp trẻ sơ sinh thường xảy ra trong các phòng khám thai sản, bệnh viện công với sự thông đồng giữa bác sĩ, y tá và thậm chí cả các nữ tu với các quan chức, công chức nhà nước có liên quan. Sau khi nội chiến kết thúc, Thế chiến II đi qua nhưng chương trình đánh cắp trẻ này vẫn tồn tại ở các bệnh viện sản khắp Tây Ban Nha. Một cách giải quyết mang động cơ chính trị độc ác, nhẫn tâm đã bị chuyển hóa thành những thương vụ làm ăn cho các bác sỹ và nhân viên sản khoa.

Sau khi sự việc được đưa ra ánh sáng, những bậc cha mẹ là nạn nhân muốn biết hiện giờ con cái họ ở đâu. Cũng có những người ngờ vực rằng họ là con nuôi và muốn tìm cha mẹ đẻ của chính mình. Nhưng với những hồ sơ đã bị làm cho sai lệch, các nhân viên y tế giờ đã phân tán hết khiến công việc điều tra rất chậm.

Dấu hiệu giả mạo

Giữa thành phố Valencia đầy những công trình kiến trúc hiện đại có một tòa nhà mà nhiều người trông đợi đó là hy vọng duy nhất để tìm lại quá khứ đã mất, đó là tòa án thành phố. Vicen Bono là người mẹ từng có hai con chết ngay sau khi sinh, còn hàng xóm của bà, Braulia Banderas Franco cũng nghe người ta nói con bà tử vong khi vừa chào đời. Cả hai đều đến tòa án thành phố để tìm công lý.

Bà Braulia Banderas Franco có lý do để tin rằng con mình không chết. Khi tìm lại được giấy chứng sinh, bà phát hiện ra rằng chữ ký của chồng bà trên đó là giả mạo, tên và địa chỉ bệnh viện nơi bà sinh con cũng không chính xác. Hàng xóm của bà Braulia - bà Vicen Bono cũng là người mẹ từng có hai con chết ngay sau khi sinh. “Tôi đang ở bên bờ của một phép lạ, đứng trước cánh cửa bí ẩn. Nó giống như cuộc đời đem lại cho tôi cơ hội thứ hai. Thật không công bằng khi họ đưa các con tôi đi và tôi biết rằng rất khó khăn để tìm thấy chúng. Bây giờ tôi có thêm động lực để sống tiếp”, bà Vicen Bono nói. Bà Vicen Bono đã đệ đơn lên tòa đòi khai quật mộ hai đứa trẻ được cho là con bà đã mất. Chỉ đến khi biết được kết quả so sánh ADN bà mới có thể an tâm.

Tương tự là trường hợp của Nuria Pellicer Creuz, sống ở Barcelona, người đinh ninh quan tài đặt tại khu mộ của gia đình không phải là em gái của mình. 36 năm nay, bà vẫn tin em mình còn sống và bị bán đi là vì qua tìm hiểu, bà biết được người em gái sau khi sinh đã được cân, tắm rửa và cắt rốn đồng thời trên giấy khai sinh của em mình không phải là chữ ký của người cha. Nuria Pellicer Creuz đang làm đơn lên tòa yêu cầu khai quật và tìm ra sự thật về người em chưa từng biết mặt. Thực tế đã có một số trường hợp mở quan tài, thay vì bộ xương của một bé gái thì kết quả là bé trai và tất nhiên không trùng khớp ADN.

Một bà mẹ Tây Ban Nha đang mong mỏi tìm sự thật về số phận con gái mà bà đã sinh năm 1972

Đi tìm công lý

Tại Valencia hiện giờ có ANADIR, một tổ chức mới thành lập nhằm tái hợp các gia đình và lập lại công lý. Các bà mẹ tới đây để lấy mẫu ADN cùng với những giấy chứng sinh bị làm giả, thất lạc hoặc không đầy đủ, đó là hy vọng duy nhất của họ. Không ai biết chính xác toàn bộ những gì đã xảy ra nhưng các luật sư liên quan đến các vụ việc này ước tính đã có khoảng 300.000 vụ cho con nuôi bất hợp pháp, trong đó khoảng 50.000 trẻ sơ sinh bị đánh cắp từ mẹ đẻ của mình để đưa cho gia đình khác.

Rào cản chính trên con đường chắp nối sự thật của các nạn nhân là không có thông tin xác nhận. Tất cả mọi thứ đã biến mất một cách kỳ lạ. Bệnh viện không còn, hồ sơ biến mất, hồ sơ khai sinh bị làm sai lệch. Như trường hợp của Randy Ryder, người Texas, Mỹ. Đến 28 tuổi Randy mới được cha anh nói đã trả 5.000 USD để mua anh từ khi mới sinh ở Tây Ban Nha. Khi bố mẹ nuôi qua đời, Randy Ryder đã tới Malaga, bệnh viện tư nơi anh đã sinh ra, giờ biến thành tòa nhà văn phòng. Giấy khai sinh có ghi bác sỹ Manuel Munoz Nieto, người 40 năm trước đã đỡ cho Randy. Anh đã gặp được vị bác sỹ đó nhưng kết quả không có gì nhiều. “Làm sao ông ấy có thể ký tên vào một tài liệu pháp lý quốc gia Tây Ban Nha để xác nhận rằng người phụ nữ này đã sinh ra tôi mà không có bất kỳ kiểm tra nhận dạng nào như vậy”, Randy nói.

Thực tế đã có gần 1.000 cuộc điều tra được tiến hành nhưng không ai, kể cả những vị bác sỹ trước đây bị buộc tội. Năm 2011, Chính phủ Tây Ban Nha lần đầu tiên lắng nghe nạn nhân trình bày về bức xúc của họ để đòi lại công bằng cho một thế hệ mà nỗi đau của nó vẫn còn day dứt và ám ảnh.

Nhìn Randy Ryder lang thang trên đường phố Malaga trông anh như bao khách du lịch khác nhưng Randy không nhìn vào những tòa nhà mà chỉ mong tìm thấy một người đặc biệt, người phụ nữ đã sinh ra anh 40 năm trước. Được hỏi, ước mơ của anh khi kết thúc câu chuyện này là gì, Randy Ryder trả lời rằng rất đơn giản, là anh có thể chụp chung ảnh với con trai hay cả thế hệ tiếp theo nữa để rồi giải thích với bọn trẻ rằng chúng sinh ra ở đâu, là con nhà ai…