Những ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao từ năm 2021

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo khảo sát của Viện Khoa học giáo dục nghề nghiệp (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp), năm 2021, tổng số lao động qua đào tạo nghề trọng điểm có nhu cầu tuyển mới khoảng 815 nghìn người và năm 2022 là khoảng 817 nghìn người.

Viện Khoa học giáo dục nghề nghiệp (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) vừa có tổng hợp những thông tin về nhu cầu đào tạo về giáo dục nghề nghiệp gắn với việc làm đáp ứng thị trường lao động.

Kết quả điều tra cho thấy, năm 2021, tổng số lao động qua đào tạo nghề trọng điểm có nhu cầu tuyển mới khoảng 815 nghìn người và năm 2022 là khoảng 817 nghìn người, trong đó, nhu cầu tuyển mới lao động có trình độ cao đẳng là cao nhất, tiếp đến là trình độ trung cấp và sơ cấp.

Cụ thể, năm 2021, đối với lao động trình độ sơ cấp, nhu cầu tuyển mới nhiều nhất là may thời trang, tiếp đến là kỹ thuật chế biến món ăn, kỹ thuật xây dựng...

Đối với trình độ trung cấp, nhu cầu tuyển mới nhiều nhất là may thời trang, tiếp đến là vận hành máy xây dựng, kỹ thuật chế biến món ăn. Còn với trình độ cao đẳng, nhu cầu tuyển mới nhiều nhất là may thời trang, tiếp đến là vận hành máy xây dựng, điện công nghiệp.

Nhu cầu của các ngành nghề này đến năm 2022 sẽ có thay đổi, nhưng dẫn đầu vẫn là ngành may mặc, đối với các trình độ đào tạo từ sơ cấp đến cao đẳng.

Cụ thể, năm 2022, nhu cầu tuyển mới trình độ sơ cấp nhiều nhất là may thời trang, tiếp đến là vận hành máy xây dựng, kỹ thuật chế biến món ăn. Đối với trình độ trung cấp, nhu cầu tuyển mới nhiều nhất là may thời trang, tiếp đến là kỹ thuật chế biến món ăn, vận hành máy xây dựng...

Kết quả cuộc điều tra cũng chỉ ra rằngnhu cầu của doanh nghiệp về năng lực/kỹ năng của lao động đều cao hơn so với năng lực/kỹ năng hiện có của người lao động.

Theo đó, những hạng mục mà người lao động cần phải cải thiện nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp đó là: Chuyên môn/nghiệp vụ; Kỹ năng giao tiếp; Kỹ năng tư duy sáng tạo, tính chủ động; Kỹ năng giải quyết vấn đề.

Cũng theo khảo sát của Viện Khoa học giáo dục nghề nghiệp, năm 2019 thu nhập bình quân chung của lao động trình độ sơ cấp khoảng 5,7 triệu đồng/tháng.

Nghề có thu nhập bình quân cao nhất là công nghệ kỹ thuật điện tử, truyền thông (gần 9,2 triệu đồng/tháng); sau đó đến là kỹ thuật xây dựng (8,1 triệu đồng/tháng); kỹ thuật thiết bị điện tử (8,06 triệu đồng/tháng).

Đối với trình độ Trung cấp, nghề có thu nhập bình quân/tháng cao nhất là nghề quản lý khai thác công trình thủy lợi (12,2 triệu đồng/tháng); tiếp đến là kỹ thuật sơn mài và khảm trai (9,75 triệu đồng/tháng); chế tạo thiết bị cơ khí (9,15 triệu đồng/tháng). Thu nhập bình quân chung của lao động trình độ trung cấp khoảng 6,3 triệu đồng/tháng.

Đối với trình độ Cao đẳng: Nghề có thu nhập bình quân cao nhất là điều dưỡng (15,5 triệu đồng/tháng); sau đó đến quản lý khai thác công trình thủy lợi (14,1 triệu đồng/tháng); kỹ thuật sơn mài và khảm trai (10,2 triệu đồng/tháng).

Thu nhập trung bình chung của lao động trình độ cao đẳng khoảng 7,3 triệu đồng/tháng.