- Ánh sáng lòng dân trên hành trình phụng sự Tổ quốc
- Những điều giản dị làm nên hình ảnh đẹp của người chiến sĩ
Thiếu tá Nguyễn Đức Thắng, Phó trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an TP Hà Nội, chia sẻ: “Chúng tôi đã mang đến đây các khí tài và dụng cụ, trang thiết bị hiện đại nhất để phục vụ công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Ngoài ra, chúng tôi có một gian riêng để tuyên truyền về an toàn phòng cháy trong khu dân cư, giúp người dân hiểu rõ các biện pháp phòng ngừa cũng như cách thoát nạn; hướng dẫn trực tiếp các kỹ năng cơ bản như sơ cấp cứu, hô hấp nhân tạo, sử dụng bình chữa cháy, và cách dập tắt đám cháy ngay khi phát sinh. Những biện pháp này là thiết thực nhất, gần gũi nhất với đời sống của người dân”.
Sự thiết thực và gần gũi ấy đã giúp những em nhỏ không bị bỡ ngỡ khi lần đầu được tận tay cầm bình chữa cháy, được các chiến sĩ hướng dẫn cách dập lửa từ một đám cháy mô phỏng. Người lớn chăm chú nghe từng lời chỉ dẫn, ghi nhớ những kỹ năng sơ cứu, xử lý cháy nổ tại gia đình, cơ quan, nơi công cộng.
![]() |
Chiến sĩ PCCC Công an Hà Nội hướng dẫn kỹ năng sơ cấp cứu người bị nạn |
Trong niềm vui lần đầu được trải nghiệm thực tế các kỹ năng PCCC và CNCH, chị Trương Đỗ Minh Thư, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, chia sẻ: “Trong chương trình hôm nay, tôi đã được lực lượng Cảnh sát 114 hướng dẫn thực hành cách sơ cứu cho nạn nhân, bao gồm ép lồng ngực và hà hơi thổi ngạt. Trước đây, tôi chỉ được tìm hiểu lý thuyết, và đây là lần đầu tiên được thực hành trên mô hình. Trải nghiệm này không chỉ bổ ích mà còn khiến tôi cảm thấy trân trọng hơn công việc của những người lính cứu hỏa.”
Hoạt động đã thắp lên một ngọn lửa - ngọn lửa của ý thức, của tình người và lòng biết ơn những người lính dũng cảm sẵn sàng xông pha vào vùng nguy hiểm để giành lại sự sống cho người khác, từ đó sẻ chia với những vất vả thầm lặng sau mỗi tiếng còi hú giữa đêm khuya, những giây phút sinh tử mà không phải ai cũng thấy được.
Giữa dòng người tham quan không ngớt, những người lính phòng cháy không chỉ là người hướng dẫn, mà như những người bạn đồng hành, kiên nhẫn, chân thành. Đại úy Chu Thị Thúy, cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, CATP Hà Nội cho biết: “Chúng tôi luôn mong muốn người dân không chỉ biết mà còn nhớ và có thể bình tĩnh xử lý khi sự cố xảy ra. Mỗi lần được truyền đạt kỹ năng cho người dân, được thấy ánh mắt họ sáng lên khi hiểu rõ một nguyên lý, hay khi các em nhỏ thử dùng bình chữa cháy lần đầu, là chúng tôi thấy công việc của mình thật sự có ý nghĩa. Công tác tuyên truyền không chỉ là trách nhiệm mà là một phần trong sứ mệnh giữ bình yên cho cộng đồng”.
Đưa công nghệ số đến gần hơn cuộc sống của người dân
Trong không gian trải nghiệm, lần đầu tiên, người dân được “chạm tay” vào những ứng dụng hiện đại mà lực lượng Công an nhân dân đang từng bước đưa vào phục vụ cộng đồng. Người dân được trực tiếp sử dụng các thiết bị KIOSK để tra cứu thông tin, thực hiện thủ tục hành chính, đăng ký khám chữa bệnh bằng căn cước công dân gắn chíp, hay đăng nhập tài khoản định danh điện tử VNeID… Những thao tác tưởng chừng phức tạp được đơn giản hóa tối đa, với sự hỗ trợ tận tình của các cán bộ chiến sĩ.
![]() |
Cán bộ Cục Cảnh sát QLHC về TTXH hướng dẫn người dân trải nghiệm KIOSK đăng ký khám chữa bệnh sử dụng Căn cước |
Anh Trần Ngọc Bách, du khách từ TP. HCM chia sẻ: “Tôi thật sự bất ngờ khi chỉ với chiếc căn cước công dân, toàn bộ thông tin cá nhân đã hiện ra. Các thao tác đều nhanh gọn, rõ ràng. Nếu mô hình này được đưa về tận phường, xã thì người dân sẽ tiện lợi hơn rất nhiều trong việc tiếp cận dịch vụ công”.
Bên cạnh đó, người dân cũng được theo dõi các thủ đoạn lừa đảo mới nhất qua hệ thống trình chiếu hiện đại. Những tình huống mô phỏng trực quan, sinh động giúp người xem hiểu rõ và ghi nhớ cách phòng chống và nâng cao ý thức cảnh giác. Bất ngờ với trải nghiệm, chị Nguyễn Bích Ngọc, ở quận Hoàn Kiếm, bày tỏ: “Xem trực tiếp như thế này khiến tôi thấy hấp dẫn và dễ tiếp thu hơn hẳn. Truyền thông kiểu mới như thế này thực sự hiệu quả và cần thiết”.
Không chỉ người dân, chính các cán bộ công an tham gia hỗ trợ chương trình cũng cảm thấy tự hào khi được phục vụ nhân dân bằng những phương thức hiện đại, gần gũi. Đại úy Nguyễn Hữu Đạt, Phó Trưởng ban hợp tác và xúc tiến đầu tư, Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân, cho biết: “Chúng tôi mong muốn người dân có thể tiếp cận dễ dàng hơn với các ứng dụng công nghệ số. VNeID không chỉ là một ứng dụng quản lý, mà là công cụ phục vụ đời sống hàng ngày, từ hành chính đến y tế, giáo dục và an ninh”.
![]() |
Nữ cán bộ Công an hướng dẫn người dân tại Khu trải nghiệm Đề án 06 |
Từ trải nghiệm nhỏ, niềm tin lớn dần hình thành. Lực lượng Công an không chỉ giữ bình yên nơi tuyến đầu, mà còn là cầu nối giữa công nghệ với đời sống, giữa Nhà nước với người dân. Trong mỗi thao tác hỗ trợ, trong mỗi nụ cười thân thiện, họ đang lan tỏa một tinh thần rất đẹp: “Vì nhân dân phục vụ” - bằng trái tim, sự tận tụy và bước chân không ngừng nghỉ trong hành trình chuyển đổi số quốc gia.
Gắn kết cộng đồng từ trải nghiệm thực tế
Chính sự tận tâm, gần gũi trong cách truyền đạt đã khiến các cán bộ Công an được ví von như những “thầy giáo trong sắc phục xanh”. Họ không lên lớp bằng giáo án, mà bằng kinh nghiệm thực tế, bằng kỹ năng nghề nghiệp và bằng cả tấm lòng muốn đồng hành cùng cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Để tổ chức thành công những “lớp học” đặc biệt ấy, không thể thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa Công an cơ sở với nhà trường, đoàn thể, tổ dân phố và chính quyền địa phương trong cả nước. Tại Hà Nội, nhiều quận, huyện đã đưa hoạt động tuyên truyền pháp luật, giáo dục kỹ năng sống vào kế hoạch công tác thường niên. Các buổi sinh hoạt chuyên đề như “Phòng chống xâm hại trẻ em”, “An toàn khi tham gia giao thông”, “Nhận diện lừa đảo trên không gian mạng”, “Hướng dẫn sử dụng định danh điện tử VNeID”… được tổ chức đều đặn tại các trường học và hội trường tổ dân phố.
![]() |
Các kỹ năng được các cán bộ PCCC và CNCH hướng dẫn người dân, học sinh tại Trung tâm giáo dục cộng đồng về PCCC và CNCH |
Trong các buổi học đó, học sinh không chỉ nghe giới thiệu về các tình huống pháp lý mà còn được đặt câu hỏi, trao đổi trực tiếp với cán bộ công an. Nhiều em học sinh đã chia sẻ rằng, sau những buổi này, các em hiểu rõ hơn về hậu quả của bạo lực học đường, tội phạm vị thành niên, và học được cách tự bảo vệ bản thân trên không gian mạng.
Nhiều phụ huynh cũng cho rằng, sự xuất hiện của Công an trong vai trò người hướng dẫn giúp con em họ có nhận thức đúng đắn hơn về vai trò của pháp luật và trật tự xã hội. Họ không còn “ngại” công an, mà bắt đầu nhìn lực lượng này như một phần thiết yếu của đời sống cộng đồng. Lực lượng Công an nhân dân không chỉ góp phần đảm bảo an toàn mà còn trực tiếp vun đắp tri thức, ý thức công dân và sự tự tin cho người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Đó là con đường dài, đòi hỏi sự kiên trì, gần gũi và sẻ chia. Nhưng đó cũng là con đường bền vững nhất để xây dựng một xã hội an toàn, văn minh và nghĩa tình.
![]() |
Cảnh sát PCCC CATP Hà Nội hướng dẫn người dân thực hành chữa cháy |
Những buổi học ngoài thao trường dù chỉ trong thời ngắn lại có thể gieo vào tâm trí học sinh, người dân những “hạt giống” quý giá về kỹ năng, ý thức và sự hiểu biết. Những lớp học ấy giúp người dân cảm thấy mình được lắng nghe, được bảo vệ, và được đồng hành trong một xã hội mà pháp luật không còn xa vời. Từ thao trường đến lớp học, từ hiện trường vụ việc đến hội trường tổ dân phố, hành trình mà lực lượng Công an nhân dân đang bền bỉ theo đuổi chính là hành trình dựng xây niềm tin từ gốc, bằng hành động cụ thể, bằng sự sẻ chia chân thành và bằng cả một tấm lòng để nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, đó cũng chính là thước đo cho quyết đổi mới về tư duy và hành động.
![]() |
Chiến sỹ Cảnh sát PCCC hướng dẫn cho các bé tại hoạt động trải nghiệm Được đưa vào hoạt động từ tháng 5-2024, Trung tâm Giáo dục cộng đồng về PCCC và CNCH ở số 66 Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân là mô hình đầu tiên trên địa bàn Hà Nội tổ chức các lớp học trải nghiệm miễn phí dành cho người dân. Chỉ trong chưa đầy một năm, nơi đây đã đón gần 15.000 lượt khách, từ các em nhỏ mẫu giáo, học sinh - sinh viên đến các cán bộ, công nhân viên, người cao tuổi. Mỗi cuối tuần, nơi đây trở thành một “lớp học mở”, nơi kiến thức về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ được truyền tải sống động qua thực hành thực tế. Không chỉ cung cấp kiến thức, Trung tâm còn có cả nhà khói thực tế ảo, khu trải nghiệm đệm hơi thoát nạn, thiết bị chữa cháy cảm biến, và xe chữa cháy thật sự cho người dân được trực tiếp khám phá. Những tình huống mô phỏng cháy nổ, khói dày đặc, kẹt lối thoát… được tái hiện như thật, buộc người tham gia phải vận dụng chính những gì vừa học để tự mình vượt qua. Sự hồi hộp, hối hả trong từng động tác kéo bình cứu hỏa, bịt khăn thoát khỏi khu vực ngập khói, khiến người ta chợt nhận ra rằng: sự bình tĩnh và kiến thức là thứ duy nhất có thể chiến thắng hoảng loạn. Cô Nguyễn Thị Tấn Hải Văn, giáo viên trường mầm non Hanaki, quận Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ: “Nhà trường chọn địa điểm trải nghiệm cho các bé tại nơi này vì nó rất bổ ích và lý thú. Các con không chỉ được vui chơi, mà còn học được cách tự bảo vệ bản thân trong tình huống nguy hiểm. Kỹ năng này không có trong sách giáo khoa, nhưng lại là bài học cần thiết cho cuộc đời”. Đại úy Phạm Minh Hiếu - Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, CATP Hà Nội cho biết: “Chúng tôi xây dựng Trung tâm với mong muốn mang đến cho người dân một không gian học tập gắn liền với trải nghiệm. Ở đây, mọi kỹ năng từ sơ cấp cứu, xử lý cháy nổ đến thoát hiểm đều được truyền đạt bằng thực tiễn, giúp người học nhớ lâu, làm được, và không bị hoảng loạn khi tình huống xảy ra.” |
(Còn tiếp)