Những hạt mầm bắt đầu vươn

(ANTĐ) - Non nớt, vụng dại, tỏ ra nhiều trăn trở và muốn thoát khỏi mọi rào cản cũ kỹ, đó là những gì có thể cảm nhận ngay ở “Truyện ngắn 198X” vừa được NXB Hội Nhà văn ấn hành. Từ Nữ Triệu Vương, người có công tuyển chọn tập sách này cho rằng, đây chỉ là tập hợp của những cây bút cùng sinh những năm 198X chứ không phải là đại diện cho một thế hệ.

Văn chương trẻ nhìn từ “Truyện ngắn 198x”

Những hạt mầm bắt đầu vươn

(ANTĐ) - Non nớt, vụng dại, tỏ ra nhiều trăn trở và muốn thoát khỏi mọi rào cản cũ kỹ, đó là những gì có thể cảm nhận ngay ở “Truyện ngắn 198X” vừa được NXB Hội Nhà văn ấn hành. Từ Nữ Triệu Vương, người có công tuyển chọn tập sách này cho rằng, đây chỉ là tập hợp của những cây bút cùng sinh những năm 198X chứ không phải là đại diện cho một thế hệ.

Tuy vậy, đứng chung trong một tập sách, hẳn nhiên phải có một lý do nào đó. Một trong những lý do ấy, có lẽ là đã có một lứa cây bút mới, đang bắt đầu sống và viết khác đi, cho dù họ chưa thật sự khác được.

Văn chương 8X có lẽ chỉ là một khái niệm mang ý nghĩa tương đối. Bởi bản chất của văn chương không phải là sư phân chia thế hệ. Và hơn thế, đời sống văn chương không phụ thuộc vào tuổi của nhà văn mà phụ thuộc vào chính giá trị của nó.

Các sáng tác trong tập sách này phần nhiều là những lát cắt của đời sống và được miêu tả qua cái nhìn đôi khi hơi giản đơn. Nhưng cũng không thể bắt họ quá trưởng thành, quá chín chắn, khi họ mới vừa bước vào ngưỡng của tuổi hai mươi. Thế nên, dẫu vạm vỡ hay còi cọc, thì đây cũng đang là những mầm cây bắt đầu vươn trên văn đàn…

8x nói về  “văn chương 8X”

Dù có mặt hoặc không có mặt trong tập sách “Truyện ngắn 198X” nhưng họ đang được coi là lứa cây bút mới với nhiều thể nghiệm. Họ trả lời chung một câu hỏi: Vì sao anh/chị viết văn? Anh chị nhìn về văn chương 8X như thế nào và anh chị có dũng cảm coi văn chương như một công việc của đời người? Và những câu trả lời 8X, tất nhiên, không bao giờ giống nhau:

Nguyễn Thị Cẩm

Tôi có ý định viết văn từ khi biết đọc báo. Những truyện ngắn mà tôi đọc được, tôi thấy họ viết dở quá. Tôi nghĩ mình có thể viết được, và còn viết hay hơn họ. Nhưng mười hai, mười ba tuổi, tôi mới bắt đầu viết những thứ mà tôi thấy và tưởng tượng ra. Những trang viết ngô nghê ấy được đăng báo, còn được người lớn động viên là có năng khiếu.

Tôi viết để yên tâm rằng không có bạn bè nào làm được như mình. Bây giờ, tôi viết văn vì người ta gọi tôi là “nhà văn trẻ” (cười!). 8X là một thế hệ đặc biệt. Tôi cũng có lúc nghĩ văn 8X u ám hơn cuộc sống thực, nhưng cái gì cũng có nguyên do của nó. Còn nhiều điều ở những xó xỉnh ngóc ngách mà họ chưa từng đặt chân đến, còn nhiều việc báo chí chưa phơi bày, còn những bi kịch gia đình vượt quá sức tưởng tượng…

Mà, những câu chuyện ám ảnh ấy không phải là một tiếng thét sao? Khi nhắc tới văn chương 8X, người ta có một hình dung rõ rệt, như màu cam rực rỡ, sự bùng nổ, phá phách… 8X đã tìm tòi và mở ra nhiều lối đi lạ lẫm có, gai góc có, bế tắc cũng không ít. Dù vậy, 8X chưa kết thúc công việc của mình. Tôi cho rằng văn chương 9X cũng sẽ chịu nhiều ảnh hưởng của 8X.

Phạm Ngọc Lương

Sự thực thì tôi chưa đủ sự hài hước để tự cho rằng văn chương đã trở thành nghiệp ám vào cuộc sống tôi. Tôi cũng chưa mất mát hoặc phải hy sinh điều gì khi cầm bút viết, nên thấy xấu hổ lắm nếu nói mình đam mê quá. Đơn giản là tôi viết, thế thôi. Tuổi trẻ, có một cái may mắn lớn là được phép ngông cuồng.

Khi người ta còn trẻ, người ta chưa đủ sự trải nghiệm, chưa tiêu nhiều thời gian của sự sống, nên văn trẻ 8X mới ngông cuồng tưởng tượng. Ngay cả bạn và tôi cũng thế thôi, ai mà chẳng mong làm được điều gì đó vượt quá khả năng của mình. Vậy nên dù có là trải nghiệm giả, hay bán giả, dẫu sao 8X cũng đang cố làm một điều gì đó để khác hơn so với thế hệ đi trước.

Như vậy thì đâu quá đáng lắm. Văn 8X u ám,  họ không có niềm tin vào cuộc sống này, thấy cái gì cũng cố bóc trần lớp vỏ đen ra. ở đây tôi không phán xét lối sống, cách nghĩ hay cái nhìn của ai cả, tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng nếu cho sự trải nghiệm của họ là giả, thì cái sự u ám đó đôi khi cũng là giả. 

Hồ Huy Sơn

Tôi không muốn mình đặt ra mục đích để viết văn. Mọi thứ đến với tôi rất tự nhiên và tôi cũng xem viết văn là một công việc tự nhiên. Duyên nghiệp đến với mình thì mình cầm bút. Đơn giản là như thế! Người ta nói văn 8X u ám và hiện lên một cuộc sống giả, trải nghiệm giả, anh nghĩ sao? Khách quan mà nói thì vốn sống thực tế của chúng tôi chưa nhiều nhưng không thể nói là giả được.

Thời của chúng tôi bây giờ đã khác, và cuộc sống của chúng tôi như thế nào thì tôi nghĩ nó đã hiện lên từng trang viết. Có thể giữa người đọc và người viết có một khoảng cách nào đó, khiến họ chưa hiểu chúng tôi. Tuy nhiên, không phải 8X nào cũng giống nhau. Bản thân tôi không chủ trương đi theo lối viết ồn ào, thêm một chút phá cách của các bạn cùng thế hệ.

Nhưng dù đi bằng con đường nào đi chăng nữa thì chúng tôi vẫn đang miệt mài viết và có trách nhiệm với những tác phẩm do mình viết ra. Tôi cũng như các bạn viết khác đang cập nhật vốn sống hàng ngày, nó là một công việc “mưa dầm thấm lâu”.

Bản thân tôi thì cho rằng đó là con đường mà tôi và các bạn viết đang tìm kiếm và mong muốn được mọi người thừa nhận. Tôi nhớ, trước khi vào học khoa Sáng tác, một nhà văn đã nói với tôi rằng, văn chương là công việc cực kỳ khắc nghiệt.

Tôi không phủ nhận điều đó nhưng vẫn theo nó đến tận bây giờ. Thật khó để nói trước là mình có đi đến cùng với văn chương hay không. Tôi đã đến với văn chương nhờ cái duyên rất tình cờ và tự nhiên. Như vậy, tôi sẽ cầm bút cho đến khi nào “vô duyên” thì thôi!       

Thiên Lương