- Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính (CATP Hà Nội): Những hy sinh lặng thầm phía sau từng con số, đường vân
- Cuộc chiến chống “giặc lửa” và sự hy sinh oanh liệt của những chiến sỹ phòng cháy giữa thời bình
Khi nghệ thuật là đam mê
Vẻ đẹp mặn mà, nụ cười duyên dáng luôn cuốn hút người đối diện là những ấn tượng ban đầu khi tôi gặp và trò chuyện cùng chị. Sinh năm 1967, lớn lên trên quê hương Nghi Xuân (Hà Tĩnh), tuổi thơ của cô bé Hoài Thanh sớm được nuôi dưỡng, bồi đắp theo những vần thơ của người cha đam mê thi ca (ông có 5 tập thơ được xuất bản). Có lẽ bởi thế mà từ nhỏ Hoài Thanh đã sớm bộc lộ khả năng văn hóa nghệ thuật, thích hát, hát hay và tự làm những bài thơ từ ngày niên thiếu.
Trong hơn 30 năm công tác và hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, Thượng tá Hoài Thanh đã gặt hái được khá nhiều phần thưởng cao quý của Bộ Công an và của Hội Nghệ sỹ Việt Nam |
Học xong, năm 1986 Hoài Thanh được điều động về công tác tại Tổng cục Khoa học kỹ thuật (Bộ Công an). Đến tháng 10-2007 thì chuyển sang Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo về nhân quyền, trực thuộc Văn phòng Chính phủ. Tháng 11-2010 chị được điều động về công tác tại Viện Chiến lược và Khoa học Công an cho đến nay.
Khoác lên mình màu áo lực lượng vũ trang, nhưng trong dòng máu của chị vẫn tuôn trào cảm xúc để có những dòng thơ, nốt nhạc đầy tính nhân văn. Trong công tác, chị vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn, vừa tích cực tham gia sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao. Nhiều năm qua, chị đã dự thi giọng hát trẻ Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), liên hoan nghệ thuật quần chúng Công an nhân dân (CAND), tham gia các Hội diễn văn nghệ của Bộ Công an và mang về nhiều giải thưởng cao quý. Chị còn tham gia biểu diễn tại Hội nghị Công an toàn quốc hàng năm, tham gia Đội Văn nghệ xung kích của Phụ nữ Công an nhân dân, Đội Văn nghệ xung kích của Đoàn Thanh niên Bộ Công an. Năm 2004, chị giành giải Nhất trong Cuộc thi giọng hát của Ủy ban kiểm tra Đảng ủy Công an Trung ương.
Trong hoạt động văn hóa nghệ thuật của mình, âm nhạc và thơ của chị đã để lại nhiều dấu ấn sâu sắc, được công chúng biết đến rộng rãi. Tác phẩm của chị thiên về chủ đề tình yêu quê hương, đất nước và khắc họa hình tượng người chiến sỹ Công an nhân dân.
Ca khúc “Vinh quang thầm lặng” của Thượng tá Đậu Hoài Thanh được phát trên sóng ANTV tri ân những anh hùng liệt sĩ Công an nhân dân |
Những giai điệu ngọt ngào
Ở chủ đề quê hương, đất nước, các tác phẩm của Hoài Thanh là những tâm trạng nhớ quê, nhớ mẹ, có lúc lại là cảm xúc lãng mạn với tình yêu. Chị đã viết những lời thơ nhẹ nhàng mà sâu lắng. Cơ duyên đã đưa bài thơ “Nhớ mẹ” của chị đến với nhạc sỹ Mạnh Chiến để rồi những nốt nhạc đã cất lên thành ca khúc “Nhớ mẹ” và nhanh chóng chiếm được tình cảm của công chúng. Năm 2013, ca khúc này đã mang lại giải A cho đồng tác giả Nhạc và Thơ tại Liên hoan Âm nhạc khu vực Bắc miền Trung do Hội Nhạc sỹ Việt Nam tổ chức. Tại Liên hoan phim truyền hình Công an nhân dân 2015, ca khúc đã được Công an tỉnh Hà Tĩnh dàn dựng để dự thi liên hoan phim và đoạt Huy chương Bạc. Tiếp đó, năm 2016 tại Huế diễn ra Liên hoan Âm nhạc khu vực Bắc miền Trung và các tỉnh, thành phố. Tác phẩm “Về miền ví dặm giận thương” được nhạc sỹ Trịnh Ngọc Châu phổ nhạc từ lời thơ của chị và được trao đồng giải Nhất của Hội Nghệ sỹ Việt Nam. Hay như ca khúc “Nhớ hoàng hôn Hà Nội” được nhạc sỹ Ngọc Khuê phổ nhạc từ thơ của chị được trao đồng giải B - giải thưởng cao nhất về Bài hát của năm của Hội Nghệ sỹ Việt Nam năm 2015.
Tác giả Đậu Hoài Thanh nhận giải A trong Lễ Tổng kết cuộc vận động sáng tác âm nhạc về đề tài Công an nhân dân giai đoạn 2011-2015 |
Tình yêu dành cho đồng đội
Khi bài thơ “Nhớ mẹ” của chị được nhạc sỹ Mạnh Chiến phổ nhạc lan tỏa rộng rãi thì cũng là lúc Hoài Thanh chạm ngõ con đuờng nghệ thuật chuyên nghiệp. Chị làm thơ, sáng tác các ca khúc về người chiến sỹ Công an nhân dân. Mỗi ca khúc đều truyền đi thông điệp, hình ảnh đẹp của người chiến sỹ trên các trận tuyến giữa thời bình. Các ca khúc nổi bật của chị như “Viện ca" (viết riêng về Viện Chiến lược và Khoa học Công an) hay “Những ngôi sao thức” (viết về lực lượng Công an nhân dân), “Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân” là lời ngợi ca đầy trân trọng, tự hào về người chiến sỹ công an ngày đêm gìn giữ sự bình yên cuộc sống. Hay những ca khúc cất lên lòng đã rưng rưng, cảm phục sự hy sinh thầm lặng của người chiến sỹ công an như: “Kỷ niệm về ba” được nhạc sỹ Ngọc Thịnh phổ nhạc, tác phẩm dự thi do Bộ Công an phát động và tại Lễ tổng kết Cuộc vận động sáng tác âm nhạc về đề tài Công an nhân dân giai đoạn 2011-2015, tác phẩm đã đoạt giải Nhất.
Gần đây nhất là ca khúc “Vinh quang thầm lặng” của chị đoạt giải A tại cuộc thi do Bộ Công an phát động Kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập lực lượng Công an nhân dân (năm 2020). Tiếp nối, năm 2021, ca khúc “Tình Bác trong tim chúng con” của chị lại đoạt giải A cuộc thi do Bộ Công an phát động viết về lực lượng An ninh điều tra. Cả 2 ca khúc này đều được Bộ trưởng Bộ Công an tặng Bằng khen.
Có thể nói, trong hơn 30 năm công tác và hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, Hoài Thanh đã gặt hái được khá nhiều phần thưởng cao quý của Bộ Công an và của Hội Nghệ sỹ Việt Nam. Cho đến nay, chị đã có 5 tập thơ được Hội Nhà văn xuất bản, có trên 100 bài thơ được các nhạc sỹ phổ nhạc và gần 30 ca khúc chị đã phổ nhạc từ thơ của chính mình. Hiện chị là hội viên Hội Nghệ sỹ Việt Nam, hội viên Hội âm nhạc Hà Nội, hội viên Chi hội nhạc sỹ Công an nhân dân, hội viên Hội Nhà văn Hà Nội. Hoài Thanh cho biết, chị mong muốn sáng tác được nhiều tác phẩm hơn nữa, góp phần nhỏ bé vào sự nghiệp phát triển của nền âm nhạc Việt Nam nói chung cũng như ngành công an nói riêng.