Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính (CATP Hà Nội): Những hy sinh lặng thầm phía sau từng con số, đường vân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dự án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân gắn chíp điện tử được vận hành sẽ mở ra một kỷ nguyên số với những bước tiến mới trong quản lý dân cư, xây dựng Chính phủ điện tử.

Để có được kết quả như ngày hôm nay, hàng ngày, hàng giờ, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ Công an Thủ đô đã luôn nỗ lực, khắc phục mọi khó khăn, ngày đêm đồng trí, đồng lòng, quyết tâm hoàn thành đúng mục tiêu, tiến độ đã đề ra. Mệnh lệnh từ trái tim đã giúp mỗi người chiến sĩ vượt qua khó khăn để hoàn thành khối lượng công việc khổng lồ, chưa từng có tiền lệ trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp.

Trong thành công chung đó, với tinh thần “Làm hết việc, không hết giờ”, cán bộ, chiến sĩ Đội Hướng dẫn đăng ký quản lý cư trú và cấp căn cước công dân, Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính, CATP Hà Nội đã gác lại hạnh phúc riêng tư và những bề bộn trong gia đình để lao vào “chiến dịch” cấp căn cước công dân với một tâm thế luôn sẵn sàng, hết lòng vì nhân dân phục vụ.

Cán bộ, chiến sĩ Đội Hướng dẫn đăng ký quản lý cư trú và cấp, quản lý chứng minh nhân dân/căn cước công dân làm việc miệt mài ngày đêm

Cán bộ, chiến sĩ Đội Hướng dẫn đăng ký quản lý cư trú và cấp, quản lý chứng minh nhân dân/căn cước công dân làm việc miệt mài ngày đêm

Áp dụng nhiều cách làm hay để nâng cao chất lượng, hiệu quả

Theo Thiếu tá Nguyễn Hải Bình, Phó đội trưởng Đội Hướng dẫn đăng ký quản lý cư trú và cấp căn cước công dân, khi bắt tay và thực hiện “chiến dịch” cấp căn cước công dân gắn chíp, Ban Giám đốc CATP Hà Nội cũng đã nhìn thấy những khó khăn nhưng vẫn quyết tâm, xác định thực hiện 2 dự án là nhiệm vụ quan trọng nhất, vì đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an cũng đã từng đề nghị, Hà Nội là Thủ đô, phải về đích trước để còn “chi viện” cho Công an các tỉnh, thành phố khác.

Thời gian đầu, khó khăn chồng chất do: một bộ phận nhân dân còn chưa hiểu hết nên mất nhiều thời gian để tuyên truyền, hướng dẫn; nhiều trường hợp thiếu thông tin, nhất là thông tin liên quan đến giấy tờ hộ tịch nên phải mất nhiều thời gian tham mưu để các ngành, chức năng phối hợp với lực lượng Công an cơ sở bổ sung; công tác bàn giao sổ sách giữa Công an xã bán chuyên trách và Công an xã chính quy có nơi còn chưa đầy đủ và cụ thể nên nhiều trường hợp phải mất thời gian để xác minh… Chưa kể, việc thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân phần lớn dựa vào hiệu suất khai thác của các thiết bị, nhất là các thiết bị thu nhận vân tay, mà số lượng thiết bị lại có hạn. Để hoàn thành chỉ tiêu gần 7 triệu hồ sơ căn cước công dân đúng yêu cầu tiến độ đề ra, dựa trên cơ sở chỉ tiêu thu nhận của mỗi thiết bị do Bộ Công an cấp, Hà Nội cần phải có ít nhất 400 thiết bị thu nhận vân tay.

Tuy nhiên, trên thực tế, thời gian đầu, Hà Nội chỉ được cấp 96 thiết bị (số lượng này chưa đủ đáp ứng 1/4 số thiết bị theo yêu cầu thực tế). Say này, lãnh đạo Bộ Công an và Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội đã quan tâm bổ sung thêm cho Hà Nội 100 máy, nâng tổng số thiết bị thu nhận vân tay lên 196 máy.

Xác định phương châm hành động của “chiến dịch” là khoa học, sáng tạo, triệt để, dễ làm trước, khó làm sau, các cán bộ, chiến sĩ Đội Hướng dẫn đăng ký quản lý cư trú và cấp, quản lý căn cước công dân đã phát huy sáng kiến, áp dụng nhiều cách làm hay để nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc. Một trong những yếu tố quyết định đến tốc độ của “chiến dịch” là hiệu suất của máy lăn vân tay. Làm thế nào để phát huy tối đa, tận dụng từng phút hoạt động của thiết bị thu nhận vân tay là câu hỏi được đặt ra. Do đó, các cán bộ, chiến sĩ trong Đội Hướng dẫn đăng ký quản lý cư trú và cấp, quản lý căn cước công dân đã tận dụng tối đa thời gian thu nhận bất kể ngày đêm, làm thêm giờ, thêm ca, thêm ngày để đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu được giao. Đồng thời, tận dụng thiết bị hiện có, lắp đặt theo từng bộ hoặc kết hợp thành dây chuyền thu nhận linh hoạt theo số lượng công dân và địa điểm thu nhận để đạt được hiệu suất cao nhất.

Bằng những nỗ lực không ngừng nghỉ, công tác thu nhận hồ sơ căn cước công dân gắn chíp điện tử dần đi vào ổn định và đảm bảo tiến độ. Từng khâu trong dây chuyền được chuyên môn hóa và có sự lựa chọn kỹ lưỡng đối với cán bộ cho từng vị trí, nhất là vị trí làm nhiệm vụ nhận dạng và thu nhận vân tay. Từ những giải pháp nêu trên, chỉ tiêu cho mỗi dây máy từng ngày tăng chóng mặt. Từ gần 10.000 hồ sơ/ngày đến thời điểm cao nhất là hơn 74.000 hồ sơ/ngày. Mỗi thiết bị thu nhận vân tay cũng cho năng suất tăng dần từ dưới 100 hồ sơ/ngày đến thời điểm cao nhất là gần 600 hồ sơ/ngày.

Tô đẹp hình ảnh người chiến sĩ Công an nhân dân

Nhớ lại cao điểm thực hiện 2 “chiến dịch”, Trung tá Nguyễn Thái Liên, Đội trưởng Đội Hướng dẫn đăng ký quản lý cư trú và cấp căn cước công dân chia sẻ khối lượng công việc của Đội Hướng dẫn đăng ký quản lý cư trú và cấp quản lý căn cước công dân rất lớn. Từ khi tham gia vào “chiến dịch”, hầu hết các cán bộ, chiến sĩ làm việc liên tục từ thứ hai đến chủ nhật hàng tuần), thực hiện cấp căn cước công dân gắn chíp điện tử tại trụ sở 44 Phạm Ngọc Thạch (Phương Liên, Đống Đa, Hà Nội) và các điểm lưu động như: cơ quan, trường học, bệnh viện… Nhiều đồng chí nữ có con nhỏ, bố mẹ mắc bệnh hiểm nghèo nhưng luôn cố gắng, nỗ lực, sắp xếp công việc gia đình cùng với đồng đội làm việc tích cực, nhiệt tình.

Đó là câu chuyện về nữ Trung tá Nguyễn Thị Lệ Uyên, cán bộ Đội Hướng dẫn đăng ký, quản lý cư trú, cấp, quản lý chứng minh nhân dân, căn cước công dân. Hơn 20 năm khoác trên mình sắc phục của người Công an nhân dân, Trung tá Nguyễn Thị Lệ Uyên luôn tận tụy, hết mình với công việc được giao. Là Tổ trưởng Tổ tiếp dân tại trụ sở Phòng Quản lý Hành chính về trật tự xã hội, chị đã thực hiện tốt công tác bố trí, phân ca, điều hành hiệu quả các dây chuyền giải quyết thủ tục hành chính. Chính nhờ sự nhẹ nhàng, trách nhiệm, nhiệt tình của chị mà nhân dân đã thêm tin yêu, ủng hộ và hợp tác với lực lượng Công an Thủ đô.

Khi CATP Hà Nội ra quân thực hiện chiến dịch cấp gần 7 triệu căn cước công dân gắn chíp điện từ trên toàn thành phố, chị tăng ca không quản ngại ngày, đêm; làm việc từ 12 đến 15 tiếng liên tục, tiếp nhân trung bình 250-300 hồ sơ, có những ngày cao điểm lên đến 500 hồ sơ. Miệt mài với từng con số, đường vân, người nữ chiến sĩ ấy đã quên đi sức khỏe của bản thân mình, quên đi những cơn đau nhói ở bụng hàng đêm. “Chiến dịch” kết thúc, CATP Hà Nội đã hoàn thành chỉ tiêu Bộ Công an giao. Mệnh lệnh từ trái tim của mỗi người chiến sĩ đã hoàn thành. Nhưng đó cũng là lúc tình trạng sức khỏe của chị ngày một xấu đi. Sau một lần phải nhập viện cấp cứu, các bác sĩ đã phát hiện ra khối u ác tính trong dạ dày của chị. Tin dữ tới bất ngờ như một phép thử của số phận đối với người nữ chiến sĩ ấy. Sau khi thực hiện cuộc đại phẫu, chị bước vào những đợt hóa trị kết hợp dùng thêm thuốc để kiềm chế sự phát triển của tế bào ung thư. Vượt lên những khó khăn về sức khỏe, người nữ cán bộ công an ấy đến nay vẫn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Thực tế, không riêng trường hợp của Thiếu tá Nguyễn Thị Lệ Uyên, trong “chiến dịch” cấp căn cước công dân gắn chíp, những nữ cán bộ, chiến sĩ Đội Hướng dẫn đăng ký, quản lý cư trú, cấp, quản lý chứng minh nhân dân/căn cước công dân nói riêng và nữ cán bộ, chiến sĩ CATP Hà Nội nói chung đều gác lại những bộn bề của cuộc sống thường nhật để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. “Lúc mình về thì con đã ngủ, lúc mình đi thì con chưa dậy, tranh thủ lúc nghỉ giải lao, gọi video để biết con vẫn ổn nhờ sự chăm sóc của ông bà nội ngoại - đó là tình cảnh chung của không ít gia đình”. Thiếu tá Nguyễn Hải Bình chia sẻ.

Chính bản thân Trung tá Nguyễn Thái Liên cũng là người mẹ đang nuôi con nhỏ mà chồng chị - Đại tá Nguyễn Thuận, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh lại đang trực tiếp chỉ đạo 2 dự án dữ liệu dân cư và dự án căn cước công dân tại đây, gạt đi những bề bộn cuộc sống gia đình, Trung tá Nguyễn Thái Liên, Đội trưởng Đội Hướng dẫn đăng ký quản lý cư trú và cấp quản lý căn cước công dân luôn sát sao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đồng hành cùng các cán bộ chiến sĩ để công việc được hoàn thành một cách trôi chảy nhất.

Có thể thấy, việc triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân trên địa bàn thành phố Hà Nội là chưa từng có tiền lệ. Với tinh thần trách nhiệm, sự vào cuộc, lăn xả của những người lính quản lý hành chính đã góp phần cải thiện thời gian, đảm bảo triển khai hiệu quả, đúng mục tiêu, tiến độ đề ra, giảm phiền hà cho người dân.

Hình ảnh người cán bộ, chiến sĩ quản lý hành chính không chỉ thuần túy kiểm tra, hướng dẫn các đơn vị, mà trực tiếp “vào trận” miệt mài không quản ngày, đêm góp phần “ghi điểm” trong lòng nhân dân về tinh thần phục vụ của lực lượng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội.