- Tranh thiếu nữ khỏa thân của Lê Phổ được mua với giá kỷ lục 1,4 triệu USD
- Vừa lập kỷ lục, tranh của danh họa Nam Sơn lại rớt giá vì "lệch gu"?
- Tác giả "Thiếu nữ bên hoa huệ" lần đầu có tranh đạt giá triệu đô
Liên tiếp xô đổ những cột mốc
Ngày càng có nhiều các tác phẩm hội họa Việt Nam được giao dịch trên các sàn đấu giá công khai quốc tế với mức giá lên tới… 1 triệu USD. Bức tranh “Đời sống gia đình” của Lê Phổ từng gây tiếng vang lớn trong làng mỹ thuật Việt Nam vì đây là lần đầu tiên một tác phẩm hội họa của Việt Nam vượt mốc giá 1 triệu USD. Tác phẩm đã được mua với giá 1,1 triệu USD tại phiên đấu giá Modern and Contemporary Art của nhà Sotheby’s vào tháng 4-2017.
Năm 2019, tác phẩm “Vỡ mộng” (chất liệu lụa, năm 1932) của cố họa sĩ Tô Ngọc Vân cũng đã chạm tay vào con số triệu USD. Tại phiên đấu giá “20th Century & Contemporary Art - Thế kỷ XX và nghệ thuật đương đại” tại Christie’s Hong Kong, tác phẩm đã được mua với giá 1,1 triệu USD. Cũng tại phiên đấu giá này, tác phẩm thiếu nữ khỏa thân “Nue” của họa sĩ Lê Phổ cũng đã được “gõ búa” với giá 1,4 triệu USD.
Những cột mốc về giá trị tác phẩm liên tiếp bị phá vỡ trong vài năm trở lại đây. Và sự gay cấn luôn đến từ các tác phẩm mỹ thuật thời kỳ Đông Dương. Duy nhất chỉ có các họa sĩ thời kỳ Đông Dương mới làm được điều đó. Nhưng đi liền với các cuộc soán ngôi ngoạn mục của tranh Việt còn là nỗi lo thường trực về tranh giả.
Họa sĩ Lưu Tuyền lo ngại, lượng tranh của họa sĩ thời Đông Dương còn tồn tại đến thời điểm này lớn hơn rất nhiều số tranh các họa sĩ đã sáng tác khi còn sống. Đó là sự bất hợp lý và đáng quan ngại khi thật giả trắng - đen lẫn lộn. Hơn thế, những tay làm giả lại rất chuộng tranh Đông Dương là vì giá trị quá cao, cao hơn rất nhiều lần tranh của các họa sĩ đương thời. Và đã làm giả, đằng nào cũng là hàng giả, nên người ta cũng chẳng dại gì lại không chọn Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm hay Lê Phổ, Nam Sơn… thay vì những tên tuổi của thời kỳ kháng chiến hay đổi mới.
Bức tranh “Vỡ mộng” của họa sĩ Tô Ngọc Vân được bán với giá 1,1 triệu USD
Những đường dây làm tranh giả
Còn một lý do khác nữa cũng rất đáng lưu tâm là các họa sĩ Đông Dương đã qua đời, việc đối chiếu tranh giả, tranh thật gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, việc lưu giữ tư liệu và nguồn trích dẫn về các tác phẩm đã sáng tác của các họa sĩ nổi tiếng lại quá ít ỏi, thậm chí là để trắng.
Vì vậy, những tay làm giả tranh Việt không hề nao núng sau những vụ tranh giả đã từng bị phát hiện. Trong đó, triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu” thực sự là một “quả bom” làm khuynh đảo những người mến mộ tranh Việt. Nhưng rồi tất cả lại nhanh chóng “chìm xuồng” và để lại những khoảng lặng rất khó đoán cho những scandal chấn động khác, rất có thể sẽ tiếp tục được phát giác...
Họa sĩ Lê Huy Tiếp chia sẻ, không chỉ trong nước mà ngay cả các sàn đấu giá quốc tế cũng có tranh giả. Đường dây làm tranh giả xuất phát từ Việt Nam rồi mang sang nước ngoài. Dù rằng, về mặt hình thức, các tác phẩm góp mặt trên sàn quốc tế bao giờ cũng có giấy chứng nhận về xuất xứ, nguồn gốc. Nhưng suy cho cùng, khâu thẩm định cũng là do con người quyết định. Một chữ ký xác nhận của chuyên gia cũng có thể bị lung lay, miễn sao 2 bên cùng có lợi.
Chính vì vậy, tranh lên sàn chưa chắc đã là tranh thật và tranh thật chưa chắc đã xuất hiện tại các phiên đấu giá. Luôn có một sự mập mờ và khó kiểm chứng cho các tác phẩm trị giá cao của Việt Nam.
Thế nhưng, câu hỏi đặt ra ở đây, dù biết tranh giả tranh thật khó đoán định nhưng tại sao vẫn có các “đại gia” bỏ ra cả chục tỷ đồng tại các sàn đấu giá quốc tế để mua tranh Đông Dương thay vì đầu tư vào bất động sản, ô tô… Nhà nghiên cứu mỹ thuật Phạm Long giải thích, dù mang tiếng xấu nhưng các nhà sưu tầm không bao giờ sợ lỗ khi đầu tư vào tác phẩm mỹ thuật Đông Dương. Bởi nhu cầu về dòng tranh này vẫn rất cao, xác suất bán thu lời dễ dàng và điều quan trọng nhất là Việt Nam chưa có khả năng kiểm định tốt. Chính vì vậy, tranh giả rất có thể sẽ trở thành tranh thật. Còn nếu may mắn có được một tác phẩm chính danh của họa sĩ Đông Dương, nhà sưu tầm đó thật sự đang nắm trong tay một khoản tiền kếch xù.
Câu chuyện về tranh giả - tranh thật sẽ không bao giờ dừng lại. Việt Nam cũng như các quốc gia trên thế giới đang đối mặt với nạn sao chép tranh trái phép và vấn nạn xâm phạm bản quyền tác phẩm. Chỉ có điều, sự lên tiếng và phản kháng của các họa sĩ Việt cũng như các nhà chơi tranh là quá yếu ớt dựa trên nền tảng về kiến thức pháp luật gần như bằng không. Cho tới thời điểm hiện tại, mới chỉ có họa sĩ Lê Linh là người dám đứng lên đưa vụ kiện về bản quyền mỹ thuật trong series truyện tranh “Thần đồng đất Việt” ra trước tòa án dân sự. Còn lại, các họa sĩ dù biết có kẻ ăn cắp tác phẩm của mình cũng chỉ biết dàn hòa giữa hai bên cho êm thấm. Có lẽ thế, hết vụ việc này đến vụ việc khác nối tiếp nhau được phanh phui về nạn làm tranh giả.
Người thua thiệt nhất trong các vụ làm tranh giả ấy không phải họa sĩ, càng không phải các nhà sưu tầm mà chính là người xem của ngày hôm này và mai sau.
“Không chỉ trong nước mà ngay cả các sàn đấu giá quốc tế cũng có tranh giả. Đường dây làm tranh giả xuất phát từ Việt Nam rồi mang sang nước ngoài. Dù rằng, về mặt hình thức, các tác phẩm góp mặt trên sàn quốc tế bao giờ cũng có giấy chứng nhận về xuất xứ, nguồn gốc. Nhưng suy cho cùng, khâu thẩm định cũng là do con người quyết định. Một chữ ký xác nhận của chuyên gia cũng có thể bị lung lay, miễn sao 2 bên cùng có lợi. Chính vì vậy, tranh lên sàn chưa chắc đã là tranh thật và tranh thật chưa chắc đã xuất hiện tại các phiên đấu giá. Luôn có một sự mập mờ và khó kiểm chứng cho các tác phẩm trị giá cao của Việt Nam”.
Họa sĩ Lê Huy Tiếp