Nhức nhối “nô lệ hiện đại”

ANTĐ - Chế độ nô lệ đã lùi xa từ hàng trăm năm nay song tàn dư vẫn hiển hiện nhức nhối cho tới tận hôm nay với hàng chục triệu người trên khắp thế giới vẫn đang phải làm “nô lệ thời hiện đại”.

Những trẻ em bị bắt lao động trong điều kiện làm việc tồi tệ

Trong báo cáo hàng năm về “Tình trạng buôn người” công bố ngày 19-6, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết thế giới hiện có 27 triệu người đang phải chịu cưỡng bức lao động như “nô lệ hiện đại” này. Bản báo cáo thường niên này được đưa ra trong bối cảnh nước Mỹ đang chuẩn bị kỷ niệm 150 năm Ngày Tổng thống Abraham Lincoln đọc bản Tuyên ngôn tuyên bố giải phóng nô lệ.

Tuy nhiên, phát biểu tại buổi công bố báo cáo trước thềm lễ kỷ niệm 150 năm Ngày giải phóng nô lệ tại Mỹ, Ngoại trưởng Hilary Clinton cho rằng, chế độ nô lệ đã kết thúc ở Mỹ nhưng không có nghĩa là đã kết thúc ở các nước trên thế giới. Theo Ngoại trưởng Mỹ, các nước trên thế giới cần tiếp tục thực thi các biện pháp chống nạn buôn người, trong đó có việc tăng cường điều tra và khởi tố cũng như thiết lập các cơ chế giúp đỡ nạn nhân.

Trước báo cáo trên của Mỹ, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) trong tháng 6 này cũng đã công bố một báo cáo điều tra mà tổ chức này gọi là những “nô lệ hiện đại”. ILO ước tính, hiện nay trên thế giới có tới 21 triệu người đang phải chịu cưỡng bức lao động.

Châu Á-Thái Bình Dương là khu vực có số người bị cưỡng bức lao động lớn nhất thế giới với 11,7 triệu người, chiếm 57%, tiếp sau là châu Phi với 3,7 triệu người, chiếm 18%, và Mỹ Latinh đứng thứ 3 với 1,8 triệu người, chiếm 9% tổng số người bị cưỡng bức lao động trên toàn cầu. Ngay tại các nước đang phát triển như Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cũng có tới 1,5 triệu người bị cưỡng bức lao động như nô lệ, chiếm 7%.

Là một nghịch lý đau lòng khi hàng thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày chế độ nô lệ cáo chung và thế giới đã bước sang thế kỷ 21 “tràn đầy ánh sáng văn minh” song nô lệ vẫn là một vấn đề nhức nhối với trên 20 triệu nạn nhân. Căn nguyên chủ yếu của nghịch lý này là, buôn bán người làm nô lệ lao động, tình dục hay chiến tranh vẫn mang lại nguồn lợi nhuận kếch xù cho những kẻ táng tận lương tâm.

LHQ tính rằng, với nguồn lợi nhuận khổng lồ 32 tỷ USD hàng năm, nạn buôn người có nguy cơ trở nên trầm trọng hơn với khoảng 2,4 triệu nạn nhân mỗi năm và trở thành thảm họa nhân đạo ở mọi nước. Các chuyên gia nhận định rằng, hoạt động buôn bán nô lệ đang tạo nên một thế giới ngầm không thể kiểm soát, với quy mô và mức độ ngày càng lớn, trong đó 18,7 triệu người, chiếm 90% số người bị cưỡng bức lao động, là trong khu vực kinh tế tư nhân; 4,5 triệu người, chiếm 22%, là nạn nhân bị khai thác tình dục; 14,2 triệu người, chiếm 68%, là nạn nhân bị cưỡng bức lao động trong nông nghiệp, xây dựng, công nghiệp và các công việc trong nhà...

Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon nhấn mạnh, cộng đồng quốc tế phải tăng cường luật chống tình trạng nô lệ, xây dựng cơ chế, tăng cường hợp tác song phương, khu vực và quốc tế đồng thời phát động các chiến dịch nâng cao nhận thức về chống tình trạng nô lệ trên toàn cầu. Đồng thời, phải chống vấn nạn này từ gốc như xóa đói nghèo, mù chữ, bất bình đẳng về kinh tế và xã hội, phân biệt đối xử, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.