Như hương đồng nội

ANTĐ - Từ xa đã vọng thoảng tiếng phèng la tiếng trống, tiếng nhị. Tôi hít một hơi thở dài như để tận hưởng thật sâu những âm thanh gần gũi đó. Vượt qua cánh đồng lúa đang được những cơn mưa xuân tắm táp, những thanh âm réo rắt những âm thanh mời gọi khiến tôi cứ ngỡ mình đang lạc tới một chiếu chèo nào đó. 

Như hương đồng nội  ảnh 1

Những thanh âm thúc giục khiến tôi nhấp nhổm không yên. Đưa tay huých nhẹ vạt áo NSƯT Nguyễn Văn Bích, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội, đang ngồi bên cạnh tôi trên chiếc xe ôtô ZACE, đời 91, già khọm, tôi hỏi thật thà: “Thế múa Lục cúng là một điệu múa Phật giáo và do các nhà sư Ấn Độ truyền vào nước ta từ mấy trăm năm trước lại đúng là một điệu múa cổ Hà Nội ư?”. Không vội trả lời tôi, NSƯT Nguyễn Văn Bích cũng hơi nhổm người lên nhưng đấy là cái nhổm người lên như để xem xe đã tới chỗ ngoặt vào làng Đào Xuyên hay chưa.

Nguồn cơn để tôi có được chuyến du ngoại, chuyến xuất hành về quê xem múa cổ này bắt đầu từ chuyện “hợp tác” giữa đơn vị truyền hình chúng tôi với Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội. Theo như tinh thần thì từ nhiều năm nay Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội đã sưu tầm, phát hiện, duy trì và bảo tồn được một số điệu múa cổ. Đó là những điệu múa truyền thống có trong các làng xã ngoại thành Hà Nội, những điệu múa nằm sâu trong những nơi thờ phụng hay những nơi tâm linh trên khắp vùng đất của kinh thành Thăng Long xưa.

Những điệu múa từng trải qua bao thăng trầm cùng bao nổi chìm cho tới giờ vẫn được các “nghệ sĩ dân gian” của các làng quê gìn giữ và biểu diễn. Những điệu múa đó đã được xem xét và nhất trí đặt vào “hàng hiếm có khó tìm” và được gọi chung là “Các điệu múa cổ Thăng Long - Hà Nội”. Và chúng tôi được “hợp tác” để ghi hình những điệu múa cổ đó nhằm lưu giữ và phổ biến, một công việc của Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội.

Xe rẽ vào con đường làng đã được trải bê tông phẳng lì. Chạy thẳng đến Tổ đình của làng Đào Xuyên, xã Văn Đức, huyện Gia Lâm, Hà Nội thì dừng lại. Quang cảnh khiến tôi thêm lần nữa phải ngỡ ngàng, vì không khí vui tươi hiển hiện ngay trước mặt.

Khoảng sân chùa trước Tổ đình Đào Xuyên bữa nay được giăng cờ, kết hoa thật rực rỡ. Khách khứa đang vào ra nhộn nhịp. Đón chúng tôi từ lúc mới tới đầu cồng dẫn vào Tổ đình, Đại đức Thích Thanh Quy, trụ trì Tổ đình Đào Xuyên, bằng thứ giọng ấm áp truyền cảm của mình nói luôn: “A Di Đà Phật. Chúng tôi đang chuẩn bị cho ngày giỗ tổ. Mọi thứ chắc còn bừa bộn chẳng kịp tươm tất để hôm nay đón mọi người về quay phim. Mời mọi người vào chùa. A Di Đà Phật”.

Như hương đồng nội  ảnh 2

Làng Đào Xuyên chỉ cách trung tâm Hà Nội chừng 20km. Một ngôi làng thuần nông thuộc vùng Kinh Bắc xưa. Từ thời Lê Mạc (cuối thế kỷ XVI) ở đây đã có một ngôi chùa được xây dựng. Chùa Đào Xuyên có tên chữ là Thánh Ân Tự và vốn là Tổ đình lớn thuộc nhánh dòng thiền Lâm Tế. Giỗ tổ hàng năm cũng là dịp các chùa cùng dòng thiền Lâm Tế về cúng Phật, thỉnh tổ.

Hôm nay, Phật tử các nơi dồn về Tổ đình để chuẩn bị cho lễ giỗ tổ thường nhật của mình nhưng để đáp ứng yêu cầu của việc ghi hình các điệu múa cổ nên mọi khâu trang trí đều được khẩn trương hoàn tất. Khoảng sân chùa hàng ngày thâm nghiêm và trầm tĩnh là thế sáng nay bỗng trở nên rộn rã. Hóa là ra chuẩn bị múa Lục cúng - một điệu múa dâng lên Phật 6 sản vật và được tiến hành vào những dịp hỉ hay một lễ mừng gì đó.

Là một điệu múa có xuất xứ Phật giáo nhưng lại được thể hiện trong những việc hỉ, việc đại lễ có tính mừng vui và tính loan báo hay cúng chúng sinh an lành nên điệu múa này đã tự thân đi vào đời sống dân gian nơi miền thôn dã. Là một điệu múa vốn chỉ được dùng nơi chùa chiền nhưng những sản vật dâng lên Phật lại là những sản vật xuất phát từ trong đời sống dân sinh nên nó được người dân gìn giữ và phát triển.

Tiếng trống chầu vang lên báo hiệu màn múa sắp diễn ra. Chính giữa sân chùa, nơi chính diện nhà Tổ đình đã được bày biện một ban thờ khá long trọng. Bàn thờ được phủ khăn vàng nhìn rất nổi bật dưới bức tượng Phật bà đang giơ tay niệm chú.

Lui về bên phải, lui bên trái và ở phía trước ban thờ là 3 chiếc bàn dài cũng được phủ khăn vàng, chỉ khác là ở 3 chiếc bàn này các vật phẩm sẽ được dâng lên Phật được sắp đặt sẵn đó. Ban thờ cùng 3 chiếc bàn để vật phẩm tự nhiên xếp thành một hình vuông rộng. Khoảng sân vuông rộng đó chính là nơi để những người múa sẽ lần lượt múa dâng lễ vật.

Tiếng phèng la cùng tiếng nhị vang lên điệu nhạc réo rắt nhưng vẫn cho thấy sự tôn nghiêm. Hai vị sư cùng thong thả tiến vào sân. Đại đức Thích Thanh Quy và Đại đức Thích Thanh Phương từ tốn tiến tới trước ban thờ, họ vận áo cà sa, đầu đội mũ thất phật. Hai vị làm động tác bái lễ 3 lễ rồi mới bắt đầu mở màn điệu múa.

Hai vị sư dáng to cao, mũ áo lụng thụng này cứ ngỡ sẽ đi lại khó khăn chứ nói gì đến múa, ai dè lại vô cùng “mềm mại”, hai vị giơ các ngón tay lên trước mặt để làm động tác bắt quyết, rồi đôi chân của hai vị sư uốn lượn thành đi kiểu chạy đàn lần lượt tiến hành 6 động tác múa, tượng trưng cho 6 lần dâng sản vật lên Phật.

Tuy động tác múa chủ yếu là  dâng sản vật nhưng 6 lần ấy đều có sự khác biệt đủ để làm yên lòng người xem múa. Khi múa dâng hoa thì bước đi của hai vị sư được theo hình “hoa hồi 4 cánh” hay múa dâng trà thì họ lại bước đi theo hình “chữ thủy” hoặc múa dâng thực thì bước đi của hai vị sư lại được thể hiện theo hình “chữ điền”… Chính vì thế tuy là điệu múa tôn giáo và thường diễn ra ở sân chùa nhưng nó lại là một điệu múa có tính tạo hình đẹp và hấp dẫn. Nó làm buổi lễ có tính Phật giáo bỗng trở nên thu hút và giúp không khí cho một buổi lễ mang tính hỉ thêm náo nhiệt.

Ý nghĩa của tạo hình cho thấy rõ sự gắn kết giữa vật phẩm được dâng với “điểm xuất phát” của chính vật phẩm đó. Người xem múa không cần tưởng tượng mà trông qua đã hiểu cội nguồn của ý nghĩa nhằm nhắc nhở chúng sinh phải luôn nhớ tới nơi mà mình gắn bó, những gì mà mình nương nhờ hàng ngày, những gì mà mình đã tạo nên nó. Phải chăng ý nghĩa này đã chính là “căn cớ” để Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội xếp vào danh sách “múa cổ Thăng Long - Hà Nội”?”.

Sau mỗi điệu múa dâng sản vật thì hai vị sư ngừng múa và ngồi ghế tạm nghỉ chờ sang lần múa dâng sản vật tiếp theo. Lúc này người xem múa thêm một lần hứng khởi với lời hát văn sâu lắng được một nghệ sĩ dân gian ngồi trong dàn nhạc cất lên. Lời ca trong bài hát văn là lời lẽ tỏ bày tình cảm của con người với thiên nhiên, nơi con người làm ra sản vật và chính là nơi sản vật nuôi dưỡng lại con người.

Lời ca của bài hát văn là lời tỏ bày tình cảm con người với chư Phật, nơi con người “tựa” vào đó để an lòng và “tựa” vào đó để nuôi dưỡng tâm hồn trong sáng. Có lẽ vì thế mà một điệu múa Phật giáo lại ăn sâu trong tiềm thức người dân nơi chốn kinh kỳ xưa cho tới tận bây giờ.

 Mưa đang nhẹ bay. Mùa sinh sôi đang nẩy chồi đâm lộc. Khoảng sân chùa trước cửa Tổ đình Đào Xuyên cứ khơi lên niềm hứng thú mới mẻ. Một điệu múa xuất phát Phật giáo đã được người dân làng quê dân dã hóa. Một điệu múa chỉ có trong các buổi hành lễ tôn giáo đã được đến với người dân và trở thành một điệu múa dành cho những dịp hoan hỉ của mọi người dân.

Tôi chợt cảm nhận đâu đây thứ mùi hương thoảng thơm như hương đồng nội.