Nhìn thẳng để “bốc thuốc”

ANTĐ - Những ngày vừa qua, hàng nghìn người dân vùng hạ lưu công trình thủy điện Sông Tranh 2 ở Quảng Nam lo lắng vì phát hiện nhiều vết nứt, rò rỉ nước ở thân đập chính. Sự xuất hiện của các vết nứt diễn ra sau khi có nhiều dư chấn từ trước Tết Nguyên đán. 

Theo ông Trần Văn Hải - Trưởng ban Quản lý dự án, hiện tượng thấm nước qua khe nhiệt bị nứt nằm trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, cho đến giờ phút này những lo lắng của người dân và chính quyền địa phương vẫn chưa thể lắng xuống bởi vỡ đập hồ chứa nước thủy điện không phải là điều chưa từng xảy ra.

Trước khi xảy ra hiện tượng trên, các nhà khoa học cũng đã đưa ra cảnh báo, nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 được xây dựng trong khu vực xung yếu của vỏ trái đất. Nếu động đất gia tăng và cấp độ mạnh sẽ gây ra nguy hiểm cho không chỉ nhà máy mà còn ảnh hưởng tới đời sống của dân cư. Tình hình gia tăng động đất trong thời gian qua tại khu vực này là nguy hiểm và cần được nghiên cứu nghiêm túc.

Theo khẳng định của một số chuyên gia, việc rò rỉ nước phun thành dòng nếu ở khớp nối nhiệt cũng không cho phép và cần gọi đúng tên của sự việc ở đây là rò rỉ chứ không phải hiện tượng thấm nước như Trưởng ban Quản lý dự án nói. Việc chỉ đúng bệnh, bốc thuốc đúng, khẩn trương kịp thời để tránh chuyện “tổ mối nhỏ sụt toang đê vỡ” là hết sức cần thiết. 

Được biết, năm 2008 tại đập chính ngăn sông Đà của công trình thủy điện Sơn La đã xuất hiện vết nứt ở thân đập. Ngay sau đó, Bộ Xây dựng có yêu cầu các đơn vị liên quan báo cáo, ngoài ra cũng giao các chuyên gia đầu ngành nghiên cứu và đánh giá tác động từ các vết nứt đối với an toàn của đập. Như vậy việc giao các chuyên gia đầu ngành nghiên cứu đánh giá tác động từ các vết nứt tại Thủy điện Sông Tranh 2 cũng cần làm ngay lập tức, nhất là khi khu vực xây dựng thủy điện này nằm trong “vùng cảnh báo” với nguy cơ động đất. Việc đưa ra đánh giá chính xác sẽ giúp người dân “sống trong vòng nguy hiểm” bớt nơm nớp lo âu mỗi ngày.