Nhìn bàn tay đoán bệnh

ANTĐ - Đôi bàn tay là một trong những phần quan trọng nhất của cơ thể khi liên quan đến hoạt động cơ bản hàng ngày. Nhưng bạn có biết, quan sát “sự lạ” ở lòng bàn tay và 5 ngón quen thuộc, chúng ta có thể còn khám phá ra dấu hiệu sớm của bệnh nguy hiểm. Dưới đây là 7 dấu hiệu quan trọng khi bàn tay tiết lộ về sức khỏe tổng thể.

Ảnh minh họa


Đỏ vần lòng bàn tay

Trừ những vết đỏ tức thời do cầm nắm, nếu lòng bàn tay đỏ vần lên trong một thời gian dài thì đó là dấu hiệu của bệnh gan, đặc biệt là xơ gan và gan nhiễm mỡ không phải do chất cồn. Trường hợp ngoại lệ, phụ nữ mang thai thường có lòng bàn tay đỏ bởi vì lưu lượng máu tăng lên hơn bình thường. Về nguyên nhân, viêm gan dần dẫn đến suy giảm chức năng gan, vì vậy nó không còn thải độc ra khỏi cơ thể một cách hiệu quả. Kết quả là kích thích tố phát ra quá mức khiến các mạch máu ở bàn tay và bàn chân giãn ra, có thể nhìn thấy qua da. Ngoài ra, các triệu chứng khác của bệnh gan bao gồm sưng chân và bụng, tĩnh mạch nổi lên thân trên vùng bụng, và mệt mỏi.

Chiều dài ngón tay

So sánh chiều dài ngón tay có thể cho biết một số thông tin ngạc nhiên về bệnh trong người. Thông thường, ngón đeo nhẫn của đàn ông có xu hướng dài hơn ngón tay trỏ, trong khi ở phụ nữ thì ngược lại. Theo một nghiên cứu được công bố năm 2008 về viêm khớp và bệnh thấp khớp, nếu phụ nữ có ngón đeo nhẫn dài hơn ngón tay trỏ thì nguy cơ bị viêm xương khớp tăng gấp đôi. Mặt khác, ngón tay trỏ dài hơn có liên quan đến nguy cơ cao của bệnh ung thư vú ở phụ nữ và giảm 1/3 nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt ở nam giới.

Dù chưa chắc chắn nhưng các nhà khoa học tin rằng chiều dài ngón tay bị ảnh hưởng bởi tiếp xúc với hàm lượng khác nhau của kích thích tố testosterone và estrogen trong tử cung. Ngón đeo nhẫn dài hơn cho thấy trước khi sinh tiếp xúc với nhiều testosterone hơn, trong khi ngón tay trỏ dài hơn cho thấy tiếp xúc với estrogen cao hơn. Một số nhà nghiên cứu cho rằng chiều dài ngón tay nên được coi như một tiêu chuẩn để tầm soát ung thư toàn diện hơn, nhưng điều này đang gây tranh cãi.

Sưng ngón tay

Nếu ngón tay bỗng dưng dày và sưng bất thường khiến chiếc nhẫn trên tay không còn đeo được nữa, điều này có thể là dấu hiệu của suy giáp. Tại sao? Khi tuyến giáp kém hoạt động, quá trình trao đổi chất mà nó điều chỉnh chậm lại, kết quả người ta thường tăng cân và tích nước, nên một trong những nơi đầu tiên tích nước là các ngón tay. Trường hợp này xét nghiệm máu để đo mức độ hormone kích thích tuyến giáp.

Đầu ngón tay phồng

Phần đầu ngón tay tính cả đốt ngón tay trên cùng phồng lên có thể là một dấu hiệu của bệnh tim hoặc phổi. Lý do, nếu hệ thống tuần hoàn của tim hoặc phổi suy giảm, nồng độ oxy trong máu có thể giảm, khiến các mô mềm ở phần đầu ngón tay phát triển khiến đầu ngón tay (ngón chân) phình ra. Cùng với triệu chứng trên, bệnh về phổi còn đi kèm với khó thở hoặc ho mãn tính. Phình đầu ngón tay cũng xảy ra với bệnh về van động mạch chủ, có thể gây ra mệt mỏi và đau ngực.

Móng nhạt màu

Bình thường, nếu ấn nhẹ nhàng vào móng tay, nó sẽ chuyển sang màu trắng, nhấc tay ra, nó lại chuyển về màu hồng. Nhưng nếu móng tay cứ trắng hơn một phút sau khi ấn vào hoặc nhìn lúc nào cũng nhạt, điều này có thể là một dấu hiệu của bệnh thiếu máu. Thiếu máu, thiếu sắt làm cho móng tay nhợt nhạt do không có đủ tế bào hồng cầu lưu thông trong máu. Thiếu sắt nghiêm trọng cũng có thể làm cho các móng tay có hình dạng hơi lõm. Ngoài ra, thiếu sắt có thể dẫn đến mệt mỏi, hoặc trong trường hợp nghiêm trọng, nó là thủ phạm gây ra vấn đề về tim. Khắc phục thiếu máu bằng cách tăng chế độ ăn uống thực phẩm giàu chất sắt, đồng thời tăng cường vitamin C cùng lúc vì nó giúp hấp thụ chất sắt.

Sọc đỏ nhỏ dưới móng tay

Những sọc nhỏ màu đỏ hoặc nâu nhạt dưới móng tay báo hiệu có thể có nhiễm trùng ở tim hoặc máu. Vì chúng chạy dọc theo đường móng tay nên giống như mảnh vụn đã bị mắc kẹt dưới móng tay. Tình trạng xuất huyết này xảy ra khi cục máu đông nhỏ ngăn chặn máu lưu thông trong các mao mạch bên dưới móng tay (móng chân cũng vậy), thường là biểu hiện của một bệnh nhiễm trùng van tim (cụ thể là viêm nội tâm mạc nhiễm trùng) hoặc nhiễm trùng tiềm ẩn. Tuy vậy, nếu loại trừ vấn đề tim, người có một vài đốm đỏ dưới móng tay không nên hoảng sợ: Đó nhiều khả năng là một nguyên nhân vô hại khác, như chấn thương tay chẳng hạn. Cách xử trí trong trường hợp này là theo dõi nhiệt độ nếu bị sốt. Viêm nội tâm mạc do vi khuẩn thường kèm theo sốt nhẹ. Xét nghiệm về lưu lượng máu qua tim có thể đánh giá nguyên nhân có phải do có vấn đề về tim hay không.