Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII:

Nhiều tranh luận về Luật Biểu tình

ANTĐ - Hôm nay, 17-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII. Chiều cùng ngày, Quốc hội cho ý kiến vào dự án Luật Phổ biến giáo dục pháp luật.

Đại biểu Dương Rrung Quốc (Đồng Nai): Luật Biểu tình là một công cụ để thực thi quyền hành pháp

Nội dung “căng” nhất trong buổi thảo luận của Quốc hội sáng qua là cần hay không cần Luật Biểu tình. ĐB Hoàng Hữu Phước (TP Hồ Chí Minh) “châm ngòi” tranh luận khi đề nghị Quốc hội bỏ Luật Biểu tình ra khỏi danh sách Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XIII. Ông nói: “Từ khởi thủy cho tới nay, biểu tình là để chống lại Chính phủ hoặc chống lại một chủ trương của Chính phủ. Còn tập hợp đông người để bày tỏ sự ủng hộ Chính phủ hay ủng hộ một chủ trương của Chính phủ, gián tiếp biểu thị sự không đồng tình đối với Chính phủ nước khác là mít tinh hoặc tuần hành biểu dương lực lượng. Như thế, tại sao lại phải đưa ra dự án Luật Biểu tình? Dự án này đã tham vấn ý kiến, nguyện vọng của cử tri, công dân hay chỉ vì một nhóm nhỏ. Đa số công dân sẽ không ủng hộ Luật Biểu tình vì bản chất dễ bị tổn thương và dễ bị lợi dụng gây ra biến loạn...”.

Phát biểu sau đó, ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) lại nêu quan điểm khác. ĐB phân tích: “Phải nhìn biểu tình ở cả hai mặt của nó, đó là một quyền cơ bản của người dân, đồng thời đó là một công cụ để thực thi quyền hành pháp. Nếu chỉ nhìn một mặt, chúng ta chỉ thấy mặt hỗn loạn của nó”. Ông lập luận: “Việc biểu tình tỏ thái độ của người dân là cần thiết. Luật Biểu tình là một công cụ để chúng ta điều chỉnh, bảo đảm những yếu tố tích cực và bảo đảm quyền của người dân…”.

Quan tâm tới lĩnh vực đang gây bức xúc trong xã hội, ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đề xuất đưa vào chương trình dự án Luật Chống lạm dụng rượu, bia. ĐB Cảnh cho rằng, với tình hình kinh doanh và sử dụng rượu, bia tràn lan như hiện nay thì việc lạm dụng rượu, bia là không tránh khỏi. Hậu quả là hàng năm có gần 2 nghìn người chết trong các vụ tai nạn giao thông và nhiều cái chết đáng tiếc khác. Rượu bia cũng gây ra 60% các vụ bạo hành trong gia đình, 4% người dân phải gánh chịu bệnh tật do việc lạm dụng rượu, bia. Dùng rượu, bia quá mức và kém chất lượng còn là thảm họa kép đối với năng lực làm việc, ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình, sức khỏe sinh sản và chất lượng giống nòi, cũng như gây ra nhiều tệ nạn xã hội... Do tính cấp bách từ thực tế cuộc sống, ĐB Cảnh đề nghị, Quốc hội cho phép được chuyển dự án luật này từ chương trình chuẩn bị lên chương trình chính thức năm 2013, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ sáu.

Chiều cùng ngày, đa số ĐBQH cho rằng, cần sớm ban hành Luật Phổ biến giáo dục pháp luật. Nhiều ĐBQH nhận định, hiện nay, mức độ hiểu biết và tuân thủ pháp luật chưa tốt. Thực tế, những vụ vỡ nợ tín dụng đen thời gian qua cho thấy, người dân vay mượn số tiền lớn chỉ với vài dòng chữ viết tay biên nhận. Ngoài nguyên nhân hám lợi, còn có sự thiếu hiểu biết và chưa ứng xử đúng theo pháp luật.

“Nhà” nào cũng đòi có luật!

ĐB Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) rất bức xúc với tình trạng mà ông gọi là “đua nhau để ngành, lĩnh vực, cơ quan mình được làm luật, nhà này có luật thì nhà kia cũng có luật...”. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng nói, các dự án luật, pháp lệnh gửi đến các cơ quan có thẩm quyền và nhất là các ĐBQH quá chậm. Ngay tại kỳ họp này, các ĐBQH đến đây mới nhận được các văn bản. Đây là những tồn tại, yếu kém tồn tại đã quá lâu. Cần phải nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm để sớm khắc phục.

Nên có Luật Từ chức

ĐB Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh) đề nghị nên xây dựng luật về từ chức. Ông nhận định: “Hiện nay, người dân cho rằng có tới 1/3 công chức làm việc theo kiểu chân trong, chân ngoài, không hiệu quả nên cần phải giảm bớt đi. Đặc biệt, với những người đứng đầu, nếu không đủ tài đức thì cũng nên từ chức. Đó là việc làm phù hợp với xu hướng chung của nhiều nước và cũng phù hợp với truyền thống dân tộc ta”.