Nhiều sinh viên "sập bẫy" kinh doanh đa cấp

ANTD.VN - Chưa có cơ quan nào thống kê số lượng sinh viên bị lôi kéo và trở thành nạn nhân của kinh doanh đa cấp biến tướng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy có rất nhiều sinh viên tham gia hoạt động kinh doanh đa cấp và phải dở khóc dở cười, tiền mất tật mang. Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Quảng Ngãi đã kịp thời ngăn chặn, thu hồi lại tiền cho nhiều sinh viên tham gia mua hàng đa cấp.

Vì nghe lời tham gia vào công ty mua bán hàng đa cấp. Nữ sinh viên H.T.N.L, Trường Đại học Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi) đã phải vay mượn, xin tiền cha mẹ để “đầu tư” tại một cơ sở bán hàng đa cấp cho Công ty cỏ phần ở thành phố Quảng Ngãi.

Tổng cộng em “đầu tư” 35 triệu đồng để ký hợp đồng mua hàng của Công ty đa cấp. Để có tiền mua hàng, người Công ty chỉ em nhiều cách nói dối cha mẹ, vay tiền người thân lấy tiền để tham gia mua hàng đa cấp.

H.T.N.L kể lại: “Họ chỉ dẫn tụi em cách có tiền để mua hàng đa cấp. Ví dụ như xin ba, mẹ tiền học phí, xin trước ngay từ đầu năm học. Rồi “mượn gà đẻ trứng” có nghĩa mượn tiền của người ta để đẻ ra tiền cho mình. Một cách khác như bánh pizza chia 3. Có nghĩa là mình lên danh sách liệt kê 50 người bạn, mượn mỗi người 100.000 đồng, lúc đó mới biết người nào là bạn tốt".

“Biết em không có tiền, họ chỉ dẫn em lấy giấy tờ thế chấp tiệm cầm đồ. Em nghe lời đem giấy tờ xe thế chấp để mua gói sản phẩm cao hơn”, nữ sinh viên H.T.N.L. chia sẻ.

Nhiều sinh viên tham gia ghi danh hoạt động mua bán hàng đa cấp

Cũng theo nữ sinh viên H.T.N.L cho biết, khi biết mình bị mắc lừa đã liên hệ với cơ sở bán hàng đa cấp để đòi lại tiền, hủy hợp đồng nhưng không được chấp nhận. Nghĩ sẽ mất trắng hàng chục triệu đồng mua hàng, nhưng nhờ Phòng CSKT Công an tỉnh đã lấy lại tiền.

“CSKT đã làm việc với Công ty về trường hợp của em. Sau đó họ mới chịu cho em rút hợp đồng 30 triệu đồng. Ngoài việc giúp em lấy lại tiền, lực lượng CSKT còn giúp nhiều sinh viên khác lấy lại tiền hợp đồng của Công ty”, H.T. N.L chia sẻ thêm.

Để có thể tham gia vào hệ thống kinh doanh mua bán hàng đa cấp, các sinh viên đều được hướng dẫn mua một sản phẩm nào đó hoặc đóng một khoản tiền đặt cọc nhất định. Sau khi trở thành thành viên, các sinh viên sẽ tìm mọi cách để bán các sản phẩm mà mình đã mua với giá “cắt cổ”. Ngoài ra, các sinh viên này phải giới thiệu, cung cấp các thông tin sai lệch để lôi kéo, dụ dỗ người khác tham gia mạng lưới này.

Khi biết mình bị lừa, các sinh viên không đòi lại được tiền, nhưng không dám tố cáo bởi vì suy nghĩ "lỡ dại", mất rồi chẳng biết kêu ai. Một số sinh viên có tâm lý e ngại với bạn bè nên cũng cam chịu mất tiền...

Nữ sinh viên Nguyễn Thị Nga kể lại: “Họ tạo cho mình nhiều niềm tin. Tùy người khác nhau mà họ có cách nói chuyện khác nhau. Lần đầu tiếp xúc để biết điều kiện, hoàn cảnh của mình như thế nào để họ tiếp cận đánh vào tâm lý. Ví dụ sinh viên đó mới ra trường, nhưng không có tiền xin việc thì họ kể bài toán cuộc đời kiểu như: Sẽ tốn rất nhiều tiền cho xin việc làm, và làm rất lâu mới thu hồi số tiền đó. Còn ở đây chỉ cần 100 triệu đồng mua gói sản phẩm cao nhất, thì nhanh lấy lại, mỗi tháng thu về 6 đến 7 triệu đồng. Họ nói Công ty đa cấp đó được lên sàn chứng khoán, có công ty bên nước Lào… để mình tin tưởng đóng tiền tham gia”.

Theo Phòng CSKT Công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đơn vị vừa làm rõ nhiều sai phạm của một số công ty trên địa bàn.Các công ty này đã dụ dỗ, lôi kéo, yêu cầu nhiều người trong đó có nhiều sinh viên tham gia bán hàng đa cấp phải mua một số lượng sản phẩm khi tham gia. Ngoài ra, Công ty còn tổ chức đào tạo cho nhiều người tham gia bán hàng đa cấp sai quy định và có dấu hiệu trốn thuế khi bán sản phẩm của Công ty cho khách hàng.

Đại tá Nguyễn Hùng Vinh, Trưởng phòng CSKT Công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết thêm: “Ở tỉnh Quảng Ngãi có nhiều trường hợp bán tài sản hay thế chấp để mua hàng đa cấp. Mua rồi mới giật mình thấy không có lợi ích gì. Đem trả lại thì doanh nghiệp đa cấp không chấp nhận. Cuối cùng thì người mua hàng phải chịu mất tiền”.

Theo Đại tá Nguyễn Hùng Vinh, giá sản phẩm của các công ty đa cấp đưa ra luôn cao hơn rất nhiều so với giá ngoài thị trường, nên hầu như các sản phẩm đều rất khó bán. Các sinh viên trót sa chân vào mạng lưới bán hàng đa cấp đành thuyết phục, lôi kéo những sinh viên mới và người thân trong gia đình vào vòng xoáy bán hàng đa cấp mà mình trót tham gia.

“Hơn bao giờ hết, bạn trẻ cần tỉnh táo suy xét trước những thông tin tuyển dụng, phải tìm hiểu nguồn gốc công ty, tôn chỉ mục đích kinh doanh. Bên cạnh đó các trường học Đại học cũng lên tiếng cảnh báo nhằm giúp sinh viên cảnh giác với những thông tin tuyển dụng như trên”, Đại tá Nguyễn Hùng Vinh khuyến cáo.