Nhiều lãnh đạo rơi rụng vì vi phạm đất đai, dự án - cách nào để ngăn chặn? (III): Củng cố rào chắn pháp luật, đề cao minh bạch, xây dựng cơ chế phòng ngừa chặt chẽ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Giải pháp nào để tăng cường phòng ngừa sai phạm của cán bộ, đảng viên, nhất là với người đứng đầu khi thực thi công vụ liên quan tới đất đai, xây dựng, đấu thầu dự án? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh xung quanh nội dung này.

Bịt kín khoảng trống để tham nhũng, tiêu cực không thể lộng hành

- PV: Thời gian qua, nhiều lãnh đạo các cấp đã bị kỷ luật Đảng, bị khởi tố do dính líu tới vi phạm pháp luật về đất đai, xây dựng, đấu thầu dự án… Có ý kiến cho rằng, thực trạng trên xuất phát từ việc quy định pháp luật trong các lĩnh vực này còn chưa chặt chẽ, tạo kẽ hở cho các đối tượng vi phạm lợi dụng trục lợi. Ông đánh giá thế nào về điều này?

- Đồng chí Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ: Trong bài phát biểu của mình tại Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra rằng: “Nhiều người giàu lên nhờ đất, nhưng cũng có không ít người nghèo đi vì đất, thậm chí bị đi tù cũng vì đất, mất cả tình nghĩa cha con, anh em, đồng chí cũng vì đất… Không phải ngẫu nhiên mà trong thời gian qua có tới hơn 70% số vụ tố cáo, khiếu nại thuộc về lĩnh vực đất đai”.

Đất đai là một lĩnh vực rộng lớn, cơ bản, đặc biệt quan trọng nhưng cũng hết sức phức tạp, nhạy cảm. Chính vì vậy, pháp luật về lĩnh vực này còn hạn chế, thiếu thống nhất, tạo kẽ hở để không ít cá nhân, tổ chức lợi dụng trục lợi, tham nhũng, gây thất thoát tài sản Nhà nước, đó là thực tế đang diễn ra.

Tuy nhiên, trong các vụ việc này, thể chế chỉ là nguyên nhân thứ yếu. Thẳng thắn mà nói, chúng ta đang có một hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ. Và chúng ta cũng phải thừa nhận một điều, không hệ thống pháp luật nào có thể bao trùm hết tất cả các quan hệ xã hội. Lập pháp là một quá trình mà ở đó, người làm luật phải tuân theo những nguyên tắc, thủ tục nhất định và không phải tình huống nào xảy ra cũng có thể dự báo trước được. Có những quy định ở giai đoạn này đúng, nhưng giai đoạn sau không còn phù hợp nữa. Cho nên, việc xuất hiện những “khoảng trống” trong quá trình thực thi pháp luật là khó tránh khỏi.

Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16-6-2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao” đã chỉ ra rằng: “Chính sách, pháp luật về đất đai còn nhiều hạn chế, bất cập, chồng chéo, thiếu thống nhất, ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý, tạo kẽ hở để không ít cá nhân, tổ chức lợi dụng, tham nhũng, trục lợi, gây thất thoát, lãng phí tài sản Nhà nước”. Như vậy, có thể thấy, trong tiến trình hoàn thiện hệ thống pháp luật, Đảng, Nhà nước ta luôn đề cao yếu tố thượng tôn pháp luật, phát hiện những bất cập từ đó kịp thời “bịt kín” những khoảng trống để tham nhũng, tiêu cực “không có cửa” lộng hành.

Củng cố rào chắn pháp luật, đề cao minh bạch, xây dựng cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để hạn chế tình trạng cán bộ vi phạm pháp luật liên quan tới đất đai, dự án

Củng cố rào chắn pháp luật, đề cao minh bạch, xây dựng cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để hạn chế tình trạng cán bộ vi phạm pháp luật liên quan tới đất đai, dự án

Chí công vô tư, không vụ lợi thì chẳng có gì để sợ

“Khi quyết định những vấn đề mà pháp luật còn có những cách hiểu khác nhau thì phải bám sát các quy định của Đảng, với tinh thần “chí công vô tư”, “cái gì có lợi cho dân, cho nước thì phải ra sức làm; cái gì hại cho dân, cho nước thì phải hết sức tránh”; tuyệt đối không vụ lợi. Nếu làm được như thế, chúng ta chẳng có gì để sợ”.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh

- Vậy theo ông, đâu là nguyên nhân chủ yếu? Chúng ta hay nói tới trách nhiệm người đứng đầu, nhưng ở những nơi xảy ra vi phạm, có vẻ như vai trò của người đứng đầu rất mờ nhạt, thậm chí có nơi còn tiếp tay, chỉ đạo cấp dưới làm sai?

- Những quan chức, cán bộ sai phạm có phần do cơ chế, chính sách pháp luật chưa đầy đủ nhưng nguyên nhân chủ yếu là do họ đã suy thoái phẩm chất, đạo đức, bị tha hóa bởi quyền lực, tha hóa bởi vật chất. Đồng ý rằng pháp luật có lúc chưa “theo kịp” các quan hệ xã hội nhưng chúng ta còn có các quy định của Đảng. Anh là đảng viên, không thể nói tôi không biết những điều đảng viên không được làm. Soi vào thực tiễn, sai phạm trong quản lý đất đai, xây dựng, đấu thầu như đại án Thủ Thiêm, giao đất không qua đấu giá cho Tập đoàn FLC, Công ty Cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC)… chúng ta thấy, cái gốc của vấn đề là suy thoái đạo đức, “tự diễn biến, tự chuyển hóa”.

Cán bộ dường như mất “sức đề kháng” trước sự cám dỗ của lợi ích vật chất, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, tiêu cực, tham nhũng chứ không phải thiếu cơ chế, chính sách pháp luật khiến người ta vi phạm. Đến đây, ta có thể khẳng định một lần nữa, hàng loạt cán bộ lãnh đạo “ngã ngựa” do dính líu đến đất đai, dự án thì sự suy thoái phẩm chất, đạo đức của cán bộ mang tính quyết định. Pháp luật có “lỗ hổng” chỉ là điều kiện để thúc đẩy họ vi phạm mà thôi.

Còn về vai trò của người đứng đầu, tôi cho rằng không chỉ trong lĩnh vực đất đai, dự án, mà trong bất kỳ lĩnh vực nào, ở đâu người đứng đầu vững vàng, liêm chính, gương mẫu, xứng tầm thì ở đó khó mà xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Ngược lại, nếu nơi nào người đứng đầu vi phạm hoặc buông lỏng thì không chỉ thiệt hại về kinh tế mà còn mất mát nhiều cán bộ. Chúng ta đã không ít lần phải trả giá đắt cho vấn đề này. Ví dụ trong vụ chuyến bay giải cứu, nhiều vị lãnh đạo cấp cao đã phải từ chức (chịu trách nhiệm của người đứng đầu) vì dưới sự quản lý của mình, đã để cho cấp dưới làm sai.

Sai phạm cá nhân ẩn nấp trong vỏ bọc quyết định của tập thể

- Trong các vụ việc sai phạm quy mô lớn này, rõ ràng, có tình trạng lạm dụng quyền lực được giao; thực hiện không nghiêm quy chế làm việc đã đề ra khi quyết định chủ trương đầu tư, quy hoạch, điều chỉnh dự án… Phải chăng, khâu kiểm tra, giám sát cán bộ, lãnh đạo, đặc biệt là cấp ủy ở các địa phương này đã bị vô hiệu hóa, thưa ông?

- Tại sao rất nhiều kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đều chỉ ra nguyên nhân là vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ? Điển hình như, tại Kỳ họp thứ 23, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận: “Ban cán sự đảng UBND tỉnh Đồng Nai qua nhiều nhiệm kỳ đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để UBND tỉnh và nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện một số dự án và công tác cổ phần hóa…”.

Thực tế cho thấy, hầu hết những sai phạm của cán bộ lãnh đạo trong thời gian gần đây đều xuất phát từ sự chuyên quyền, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ. Những vi phạm này, không thể nói là tất cả các thành viên cấp ủy, ban lãnh đạo và chi bộ đều “không biết”, mà rõ ràng nhiều người biết nhưng không có ý kiến phản biện.

Trước kia, khi còn làm việc trong Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, chúng tôi có những quy định rất rõ ràng, chẳng hạn, dự án có vốn đầu tư bao nhiêu tiền thì UBND TP được quyền quyết định, vượt mức đó, phải đưa ra Ban Thường vụ Thành ủy xem xét. Nói như vậy để thấy rằng, chúng ta luôn có cơ chế kiểm soát quyền lực. Vấn đề là cấp ủy đảng, chính quyền có thấm nhuần, hiểu rõ khi thực hiện các quy định của pháp luật hay không. Ở những đơn vị, địa phương có sai phạm trong quản lý đất đai, đấu thầu… đều có lỗi của cấp ủy cơ sở, yếu kém trong lãnh đạo, chỉ đạo. Ở nhiều nơi, các khuyết điểm, sai phạm của cá nhân đều ẩn nấp trong vỏ bọc quyết định của tập thể, theo đúng quy trình!

Biểu quyết theo quy định để “hợp thức hóa ý muốn của thủ trưởng”

“Nhiều trường hợp tập thể phải biểu quyết theo quy định để “hợp thức hóa ý muốn của thủ trưởng”. Việc kiểm soát quyền lực thực sự rất khó ở chỗ này nên nhiều cán bộ cấp cao, người đứng đầu khi bị quyền lực làm cho tha hóa dễ dẫn đến vi phạm pháp luật”.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh

Nhiều trường hợp tập thể phải biểu quyết theo quy định để “hợp thức hóa ý muốn của thủ trưởng”. Việc kiểm soát quyền lực thực sự rất khó ở chỗ này nên nhiều cán bộ cấp cao, người đứng đầu khi bị quyền lực làm cho tha hóa dễ dẫn đến vi phạm pháp luật. Từ khi thành lập đến nay, Đảng ta luôn khẳng định, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng có vị trí rất quan trọng, là một trong những chức năng lãnh đạo của Đảng, là bộ phận quan trọng trong toàn bộ công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Tuy nhiên, phải khẳng định, khâu tự kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm trong nội bộ ở nhiều cơ quan, đơn vị vẫn còn là khâu yếu.

Kiểm soát quyền lực, không để quyền lực bị tha hóa

- Thực tế, việc lãnh đạo cấp tỉnh, huyện, xã… bị kỷ luật Đảng, bị khởi tố do vi phạm pháp luật về đất đai, xây dựng, đấu thầu hay các vấn đề kinh tế nói chung đã có từ lâu nhưng chưa có dấu hiệu thuyên giảm, theo ông, chúng ta có cần những giải pháp mạnh mẽ hơn để ngăn chặn tình trạng này?

- Chúng ta đang làm tốt công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Đặc biệt là hai nhiệm kỳ gần đây, công tác phát hiện và xử lý tham nhũng được chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào”.

Điều đó thể hiện đúng phương châm, không ai đứng ngoài kỷ luật Đảng, đứng trên pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng đã khẳng định: Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chính là “chống giặc nội xâm”, nhiệm vụ rất quan trọng nhưng vô cùng khó khăn, phức tạp, bởi tham nhũng, tiêu cực thường xảy ra ở cán bộ có chức, có quyền.

Do đó, để ngăn chặn tiêu cực xảy ra trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, dự án nói riêng hay các vấn đề kinh tế nói chung, chúng ta phải tiến hành công tác phòng chống, tham nhũng một cách kiên trì, liên tục, bền bỉ ở tất các cả các cấp, các ngành. Bên cạnh việc xử lý nghiêm để “không dám tham nhũng”, chúng ta cũng cần xây dựng được một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để cán bộ “không thể tham nhũng”, bên cạnh đó, cần có cơ chế tiền lương thỏa đáng để cán bộ “không cần tham nhũng, không muốn tham nhũng”.

Để làm được điều đó, cùng với các giải pháp về đường lối, chính sách trong nội bộ Đảng; hệ thống các quy định về đất đai, xây dựng, đấu thầu dự án cũng cần tiếp tục được hoàn thiện để bịt các kẽ hở có thể bị lợi dụng. Ngoài ra, phải thực hiện nghiêm, đầy đủ các quy định về công khai, minh bạch. Như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói, cùng với “nhốt” quyền lực vào trong “lồng” cơ chế, thể chế thì công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình là điều kiện đầu tiên để kiểm soát quyền lực, bảo đảm quyền lực được vận hành đúng đắn, không bị tha hóa. Vì vậy, phải tiếp tục hoàn thiện và thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị cũng như thực hiện các biện pháp để công dân thực hiện đầy đủ quyền tiếp cận thông tin theo quy định của pháp luật.

- Có một vấn đề nổi lên gần đây là tình trạng cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm khi thực hiện công vụ dẫn đến nhiều dự án, công trình chậm trễ, sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng. Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 73/2023/NĐ-CP ngày 29-9-2023 quy định khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Thưa ông, đây có thể xem như công cụ hữu hiệu để bảo vệ cán bộ, đồng thời góp phần ngăn chặn sai phạm?

- Tại cuộc làm việc của Thủ tướng Chính phủ với TP.HCM mới đây, TP.HCM đã nêu ra tình trạng một bộ phận cán bộ đang có sự e ngại, thiếu tính chủ động, sáng tạo, chưa quyết liệt trong thực hiện các công việc, thậm chí có tình trạng “co cụm, cầu an và thận trọng quá mức”. Đây không chỉ là câu chuyện của TP.HCM. Phát biểu tại diễn đàn Quốc hội, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Thông (tỉnh Bình Thuận) cho hay, có cán bộ tâm sự rằng, “thà đứng trước hội đồng kỷ luật, còn hơn đứng trước hội đồng xét xử”. Nói về lý luận, chúng ta thống nhất rằng, cán bộ đảng viên phải tránh hai khuynh hướng: sợ trách nhiệm, không dám làm hoặc để xảy ra tham nhũng, tiêu cực.

Còn trên thực tế, về mặt chủ quan, tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm là lực cản không nhỏ khi thực thi công vụ. Tuy nhiên, nếu anh nói, do pháp luật có sự chồng chéo, tôi không làm vì tôi sợ sai là anh thiếu trách nhiệm và yếu năng lực. Tại sao cũng pháp luật ấy, trước kia khi chưa xử lý, biết vi phạm nhưng vẫn làm? Phải chăng vì lợi ích nhóm?

Nếu pháp luật còn vướng mắc, bất cập thì phải đưa ra thảo luận, tìm giải pháp tháo gỡ chứ không phải vì thế mà dừng lại. Khi quyết định những vấn đề pháp luật còn có những cách hiểu khác nhau thì phải bám sát các quy định của Đảng, với tinh thần “chí công vô tư”, “cái gì có lợi cho dân, cho nước thì phải ra sức làm; cái gì hại cho dân, cho nước thì phải hết sức tránh”; tuyệt đối không vụ lợi. Nếu làm được như thế, chúng ta chẳng có gì để sợ. Về mặt khách quan, đúng là việc thiếu các quy định khuyến khích, bảo vệ cũng là trở ngại đối với cán bộ, công chức năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Cho nên, Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung đã được ban hành ngày 22-9-2021. Thể chế hóa chủ trương này, mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 73/2023/NĐ-CP ngày 29-9-2023 quy định khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Đây là cơ sở pháp lý để bảo vệ cán bộ, góp phần ngăn chặn sai phạm.

Tuy nhiên, từ văn bản đến thực tiễn vẫn còn là bước đi dài. Để Nghị định 73/NĐ-CP thực sự đi vào thực tiễn đời sống, xã hội, Đảng và Nhà nước cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khen thưởng những cán bộ, đảng viên có tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.

Đặc biệt, trên cơ sở kết quả phát triển kinh tế xã hội của đất nước, cần nhanh chóng thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. Việc cải cách tiền lương sẽ tạo động lực làm việc, động lực cống hiến ở đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng: Thể chế hóa thật rõ quy định bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm

Thảo luận tại diễn đàn Quốc hội vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã bày tỏ trăn trở về tình trạng “đóng băng” của thị trường bất động sản hiện nay.

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho rằng, thị trường bất động sản đang đối diện rất nhiều vấn đề pháp lý. “Nếu cứ để dự án đó thì lãng phí nguồn lực của xã hội, người dân bức xúc, mà nếu khởi động lại thì cũng lo, không biết tháo gỡ bằng cách nào vì sợ nguy cơ pháp lý… Hỏi lên, hỏi xuống cứ nói làm theo đúng quy định thì cũng chết; co cụm lại hết” - đồng chí Đinh Tiến Dũng trăn trở.

Theo Bí thư Thành ủy, nếu tháo gỡ được khó khăn, kích thích được thị trường bất động sản thì những vấn đề đi theo như vật liệu, công ăn việc làm, điện nước tiêu hao… sẽ tăng trưởng, lan tỏa theo, từ đó giúp ổn định vĩ mô. Từ đó, Trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội kiến nghị Quốc hội nên có chủ trương rà soát tổng thể, ban hành nghị quyết để giải quyết các vướng mắc từ Luật Đất đai, Luật Đầu tư.

Cũng theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, nhờ phát huy vai trò, trách nhiệm lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, cán bộ, đảng viên gương mẫu, thành phố đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân. Nhờ đó, thời gian qua đã giải quyết hiệu quả nhiều việc mới, việc khó như giải phóng mặt bằng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội chỉ trong vòng 1 năm đạt hơn 70%, đến nay đã đạt hơn 90%. Tuy nhiên, rõ ràng vẫn còn tình trạng cán bộ đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm. Vì thế, vừa qua, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 24-CT/TU về tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố, nêu cả 25 biểu hiện cụ thể làm căn cứ đánh giá và xử lý kỷ luật.

Cùng đó, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh yêu cầu phải tập trung tháo gỡ vướng mắc về thể chế. “Việc thể chế hóa các chủ trương của Đảng về đánh giá cán bộ rất cần thiết. Phải thể chế hóa thật rõ quy định về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm thì mới tạo động lực cho cán bộ thực thi nhiệm vụ. Đối với các vướng mắc trong xử lý các dự án có sử dụng đất, nếu Chính phủ tổng hợp, đề xuất Quốc hội ban hành Nghị quyết chuyên đề tháo gỡ được để tổ chức đấu thầu, đấu giá thì sẽ giải phóng được nguồn lực rất to lớn để phát triển đất nước...” - Bí thư Thành ủy Hà Nội nói.

Tiến Hưng