Nhiều lãnh đạo rơi rụng vì vi phạm đất đai, dự án - cách nào để ngăn chặn? (II): Vì sao nhiều tập thể cấp ủy, cá nhân lãnh đạo dễ dàng dính “bẫy”?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trả lời phỏng vấn An ninh Thủ đô, đại biểu Quốc hội Hoàng Anh Công - Phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, sau mỗi vụ sai phạm lớn liên quan tới đất đai, xây dựng, đấu thầu dự án, không ít người thường nghĩ tới do thể chế, quy định pháp luật chưa hoàn thiện. Điều đó không sai nhưng để xảy ra sai phạm thì trước hết xuất phát từ chính sai lầm của đội ngũ cán bộ, từ sự vụ lợi cá nhân hoặc thiếu bản lĩnh…

Sa ngã do vụ lợi, thiếu bản lĩnh

Ghi nhận thời gian qua, các vụ việc tiêu cực, vi phạm liên quan đến đất đai, đấu thầu dự án, nhất là dự án có thu hồi đất xảy ra rất nhiều, ông Hoàng Anh Công, Phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, đa số các trường hợp này đều liên quan đến người đứng đầu chính quyền địa phương, từ cấp tỉnh tới quận, huyện, xã, phường.

Phó trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công cho rằng, các vụ việc vi phạm quy trình, thủ tục về việc lập dự án; giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá hay tùy tiện giao đất không đúng quy định pháp luật… đã gây thiệt hại rất lớn cho ngân sách Nhà nước và tài sản của nhân dân. Thực tế, tại nhiều tỉnh, cả bộ máy chính quyền, gồm cả những vị lãnh đạo đứng đầu đã bị xử lý kỷ luật trong các vụ việc này, có nhiều trường hợp bị khởi tố hình sự.

Nguyên nhân đầu tiên và trước hết là do người có thẩm quyền đã không tôn trọng pháp luật, không thực hiện theo đúng quy trình, thủ tục quy định; thậm chí chạy theo những lợi ích bất minh, có thể là lợi ích nhóm nên đã cố tình tìm cách “lách” luật hoặc ban hành quyết định trái pháp luật. “Có thực trạng là nhiều cán bộ lãnh đạo khi làm sai, vi phạm thường đổ lỗi do thể chế nhưng tôi cho rằng, đã có sai phạm đến mức phải xử lý hình sự thì không thể nói như vậy được. Rõ ràng, họ đã vi phạm thể chế, vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng thì mới bị xử lý. Chẳng hạn, theo quy định pháp luật, cần phải đấu giá đất, tổ chức đấu thầu nhưng họ không làm vậy mà lại giao đất trực tiếp cho các chủ đầu tư… Dù vậy, cũng cần thấy rằng, hệ thống pháp luật, thể chế liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng, đấu thầu dự án của chúng ta vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, đó cũng là lý do Quốc hội đang thảo luận sửa đổi Luật Đất đai để hoàn thiện thêm” - Phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội - ông Hoàng Anh Công chỉ rõ.

Cùng cấu kết để trục lợi

Nhìn lại việc hàng loạt lãnh đạo cấp tỉnh, huyện, xã… bị kỷ luật Đảng, bị khởi tố do dính líu tới vi phạm pháp luật về đất đai, xây dựng, đấu thầu dự án xảy ra vừa qua, luật sư Giang Hồng Thanh, Trưởng Văn phòng Luật sư Giang Thanh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, thực tế, hệ thống quy định pháp luật trong các lĩnh vực đất đai, xây dựng, đấu thầu dự án hiện nay còn chưa chặt chẽ, vô tình tạo ra những kẽ hở nhất định cho các đối tượng vi phạm lợi dụng trục lợi. Tuy nhiên, đó chỉ là một trong những yếu tố khách quan và sai phạm của lãnh đạo cấp tỉnh, huyện, xã không thể đổ lỗi hoàn toàn do cơ chế hay hệ thống quy định pháp luật.

Luật sư Giang Hồng Thanh phân tích, có thể dễ dàng nhận ra, trong số hàng loạt lãnh đạo, cán bộ chính quyền các cấp bị kỷ luật hay vướng vòng lao lý thời gian vừa qua, số người liên quan đến những sai phạm trong lĩnh vực đất đai, xây dựng luôn chiếm tỷ lệ rất lớn. Cùng với đó là các vụ khiếu nại, khiếu kiện trong những lĩnh vực này cũng không ngừng gia tăng về số lượng với tính chất ngày một phức tạp hơn, nhất là liên quan đến việc thu hồi, đền bù, áp giá đất giữa cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp với người bị thu hồi đất. Rõ ràng, Luật Đất đai năm 2013 ra đời một thập kỷ qua đã dần bộc lộ một số bất cập trước sự thay đổi nhanh chóng của đời sống xã hội. Đặc biệt, các vụ án liên quan đến các sai phạm trong giao đất, cho thuê đất, thu hồi, đền bù đất, định giá đất, đấu giá đất… thường có một “mẫu số” chung - đó là có yếu tố cấu kết trục lợi về đất đai. Giá đất trong các vụ án thường thấp hơn nhiều so với giá đất trên thị trường. Có thể nói, lỗ hổng này trước hết xuất phát từ chính quy định pháp luật hiện hành là UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có quyền quyết định giá đất.

“Nghiễm nhiên được pháp luật trao quyền hành lớn nên lòng tham của một bộ phận cán bộ, lãnh đạo cấp địa phương rất dễ trỗi dậy. Những người này không đủ bản lĩnh vượt qua cám dỗ dẫn tới hệ quả là vi phạm pháp luật. Đáng nói, nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đã lợi dụng điều này để móc nối với số ít cán bộ dễ hư hỏng nói trên nhằm thâu tóm đất đai bằng việc chỉ đền bù cho người dân bị thu hồi đất số tiền ít ỏi nhưng sau đó chuyển mục đích sử dụng sang đất ở, đất thương mại, rồi lại bán ngược lại cho người dân với giá cao. Đây là một trong những biểu hiện của cái gọi là “lợi ích nhóm” hoặc “nhóm lợi ích” mà lâu nay dư luận xã hội vẫn đề cập” - luật sư Giang Hồng Thanh nói.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng cho rằng, các trường hợp để xảy ra vi phạm, bị xử lý kỷ luật Đảng hoặc xử lý hình sự thì chắc chắn có việc lợi dụng chính sách để trục lợi. “Nếu anh làm vì lợi ích chung của địa phương, đảm bảo lợi ích của người dân thì ngay cả trong trường hợp có vượt quá những cơ chế, chính sách của Nhà nước hoặc quy định pháp luật chưa có… cũng sẽ không đến mức vướng vòng lao lý và chắc chắn cơ quan có thẩm quyền cũng sẽ cân nhắc khi xử lý” - đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường nói.

Người đứng đầu “lạc lối”, cả cấp ủy sai theo

Có một thực tế đau lòng trong các vụ việc lớn thời gian qua là không chỉ một vài cá nhân cán bộ lãnh đạo vi phạm mà cả tập thể cấp ủy Đảng ở địa phương cũng “đi” theo người đứng đầu. Rõ ràng, chúng ta hay nói tới trách nhiệm người đứng đầu nhưng ở các xã phường, quận huyện hay tỉnh xảy ra vi phạm, có vẻ như vai trò của người đứng đầu rất mờ nhạt, thậm chí là buông lỏng quản lý, tiếp tay cho vi phạm.

Theo luật sư Giang Hồng Thanh, “trách nhiệm của người đứng đầu” không phải là một khái niệm mơ hồ, trừu tượng mà được thể hiện cụ thể, rõ ràng tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể Điều 10 - Luật Cán bộ công chức quy định về nghĩa vụ của cán bộ, công chức là người đứng đầu hay Nghị định số 157/2007/NĐ-CP ngày 27-10-2007 của Chính phủ quy định về chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước trong thi hành nhiệm vụ, công vụ. Các văn bản này nêu rõ những việc phải làm, được làm và không được làm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức Nhà nước.

Chỉ thị số 50-CT/TW, ngày 7-12-2015 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng” nêu rõ: “Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, Nhà nước, đoàn thể, cơ quan, đơn vị phải gương mẫu thực hiện và có trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng; chủ động tự phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng trong tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Kết quả công tác phòng, chống tham nhũng là thước đo đánh giá phẩm chất, năng lực, trách nhiệm và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu”. Đồng thời, Chỉ thị nhấn mạnh: “Xử lý kịp thời, nghiêm minh người đứng đầu để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình trực tiếp lãnh đạo, quản lý nhưng không chủ động phát hiện, xử lý, nhất là đối với trường hợp bao che, ngăn cản việc phát hiện, xử lý tham nhũng”.

Có thể thấy, bên cạnh nhiều người đứng đầu tận tâm, tận lực, tận tình trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ nhưng đôi khi vẫn vô ý để xảy ra sai phạm trong đơn vị, thì còn có những người khác đã buông lỏng, lơ là, thậm chí chỉ đạo, tiếp tay cho cấp dưới vi phạm. Thực tế cho thấy rất nhiều vụ án sai phạm trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, đấu thầu dự án… có liên quan chặt chẽ đến người đứng đầu đơn vị, kéo theo cả tập thể cấp ủy sai phạm. Điều đó cho thấy cơ chế gắn trách nhiệm cho người đứng đầu chưa phát huy hiệu quả đúng như mong muốn.

“Cũng cần nhìn nhận khách quan rằng việc làm, hành vi của người đứng đầu bị điều chỉnh bởi rất nhiều quy chế, quy định nhưng quyền lợi của họ lại chưa được xem xét tương xứng. Không thể nào buộc họ phải làm tốt mà lại không khen thưởng, trọng vọng khi họ hoàn thành nhiệm vụ. Họ làm giỏi, làm tốt thì nhiều nhất chỉ có bằng khen, giấy khen, danh hiệu thi đua nhưng khi sai lầm thì có thể bị buộc thôi việc hoặc xử lý hình sự. Sự chênh lệch, bất tương xứng giữa thưởng và phạt có thể làm giảm đi ý muốn cống hiến của người đứng đầu, khiến một bộ phận sợ trách nhiệm chỉ làm việc cầm chừng, thiếu hiệu quả” - luật sư Giang Hồng Thanh nêu quan điểm.

Cũng đề cập tới trách nhiệm người đứng đầu, ông Hoàng Anh Công, Phó trưởng Ban Dân nguyện cho rằng, người đứng đầu các địa phương, cơ quan đơn vị, hoặc giữ chức vụ quản lý liên quan trực tiếp đến lĩnh vực đất đai, xây dựng, đầu tư luôn phải có tinh thần trách nhiệm rất cao, luôn đi đầu nêu gương, đồng thời phải dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Nếu người đứng đầu luôn thực thi công vụ một cách công minh, chính trực, vì lợi ích chung, không vụ lợi và luôn tôn trọng nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc đã ban hành thì sẽ dẫn dắt tập thể cấp ủy đi đúng hướng và luôn được Nhà nước, pháp luật bảo vệ.

Không chỉ vì cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, theo ông Hoàng Anh Công, một trong những lý do khiến các dự án có sử dụng đất thời gian qua chậm trễ, “nằm im bất động” không triển khai được, là do chưa chuẩn bị kỹ càng cho việc thu hồi đất và vội vàng trong việc triển khai dự án mà không tính đến quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thu hồi đất. “Những người có đất bị thu hồi đã đóng góp đất đai cho dự án thành công nhưng họ lại thiệt hại nhiều nhất do khâu đền bù, hỗ trợ không tương xứng. Thực tế bây giờ nhiều nơi thu hồi đất rất tùy tiện, chạy theo lợi ích nhà đầu tư, dẫn đến người dân bức xúc, khiếu nại tố cáo. Ở đây, có trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương nơi dự án triển khai. Chúng ta phải sớm chấn chỉnh việc này. Cùng đó, giải pháp quan trọng nhất là phải gắn chặt trách nhiệm người đứng đầu và tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ. Phải kịp thời và mạnh dạn thay thế những cán bộ không dám làm, sợ trách nhiệm, thậm chí cấp dưới trình lên đúng quy định rồi mà vẫn không dám quyết, không dám làm, khiến cho cả bộ máy không vận hành được bình thường và dần rơi vào trì trệ...” - Phó trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công nói.

Cần giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ hơn

Thực tế, việc lãnh đạo cấp tỉnh, huyện, xã… bị kỷ luật Đảng hay bị khởi tố do dính líu tới vi phạm pháp luật về đất đai, xây dựng, đấu thầu dự án hay nói chung là các sai phạm về kinh tế đã có từ lâu nhưng chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Đánh giá về tình trạng này, luật sư Giang Hồng Thanh cho rằng, những năm gần đây, công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán đều được tăng cường mạnh mẽ, qua đó, đã kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh nhiều sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước, góp phần tích cực nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, tham nhũng trên một số lĩnh vực, đặc biệt liên quan đất đai, xây dựng, đấu thầu dự án... chưa có dấu hiệu thuyên giảm, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Cho rằng thực trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, vị luật sư nhận định, trước hết, nhiều vụ án xảy ra đã lâu, từ nhiều năm trước, nhưng nay do chính sách pháp luật chặt chẽ hơn, việc chỉ đạo xử lý quyết liệt hơn rất nhiều nên hành vi vi phạm mới bị phát hiện, dẫn đến số lượng vụ án được giải quyết tăng đột biến. Hai là, mặc dù pháp luật ngày càng hoàn thiện nhưng vẫn còn những chồng chéo, văn bản này mâu thuẫn với văn bản kia, hướng dẫn này phủ nhận hướng dẫn kia nên tạo ra kẽ hở để người vi phạm lợi dụng. Ba là, cơ chế, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ, công chức chưa được chú trọng đúng mức, chưa thực sự tương xứng với công sức, trình độ khiến một bộ phận cán bộcố tình làm mọi việc, kể cả vi phạm pháp luật để đáp ứng được nhu cầu vật chất của bản thân…

Theo luật sư Giang Hồng Thanh, để công tác phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm về tham nhũng trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, đấu thầu dự án đạt được hiệu quả cao hơn, cần phải có thêm những giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ hơn. Trọng tâm nhất, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất của Đảng, Nhà nước cả ở Trung ương và địa phương về nội dung này; Phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nhân dân; Đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự; Tập trung kiểm soát chặt chẽ quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn; Hoàn thiện chính sách pháp luật, giải quyết triệt để tình trạng mâu thuẫn giữa các văn bản quy phạm pháp luật. Cùng đó, cần nâng cao chất lượng đời sống, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ, công chức, người lãnh đạo cơ quan Nhà nước để họ an tâm công tác, toàn tâm cống hiến, không còn tơ tưởng đến việc “loay hoay” tìm kiếm thu nhập không chính đáng… Từ đó, họ sẽ “không muốn tham nhũng”, “không thể tham nhũng” và “không dám tham nhũng”.

Bài học cảnh tỉnh với tất cả

“Những vụ việc sai phạm lớn liên quan tới đất đai, đầu tư xây dựng tại một số địa phương vừa qua chính là bài học cảnh tỉnh trong thực tiễn và sắp tới cần phải tiếp tục được giám sát, xử lý nghiêm để làm sao việc xây dựng, quy hoạch và triển khai các dự án có sử dụng đất đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định pháp luật; vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nhưng phải đảm bảo đời sống của người dân. Tôi cho rằng, yên dân là yêu cầu quan trọng hàng đầu. Dự án có thành công hay không, có đem lại hiệu quả cho xã hội, cho đất nước hay không thì phải yên dân trước, ít nhất là không để nhân dân bức xúc, khiếu nại tố cáo”.

Ông Hoàng Anh Công (Phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội)

Vì lợi ích chung của địa phương, của người dân sẽ không đến mức vướng vòng lao lý

“Các trường hợp để xảy ra vi phạm, bị xử lý kỷ luật Đảng hoặc xử lý hình sự thì chắc chắn có việc lợi dụng chính sách để trục lợi. Nếu anh làm vì lợi ích chung của địa phương, đảm bảo lợi ích của người dân thì ngay cả trong trường hợp có vượt quá những cơ chế, chính sách của Nhà nước hoặc quy định pháp luật chưa có… cũng sẽ không đến mức vướng vòng lao lý và chắc chắn cơ quan có thẩm quyền cũng sẽ cân nhắc khi xử lý”.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội)

Sớm bịt kẽ hở pháp luật, hướng tới minh bạch

“Văn bản pháp luật nào sau một quá trình thực hiện cũng cần được cập nhật cho phù hợp với tình hình thực tế, qua đó, hạn chế tối đa những bất cập của pháp luật trong việc điều chỉnh các mối quan hệ, các lĩnh vực của đời sống xã hội, các hành vi, ứng xử… Lỗ hổng của văn bản trước sẽ được khắc phục bởi văn bản mới nhất, để những đối tượng xấu không còn cơ hội lợi dụng kẽ hở cũ thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Hơn lúc nào hết, pháp luật nước ta cần có một chế tài để đảm bảo cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, minh bạch. Bởi thời gian qua đã nảy sinh tình trạng lợi dụng kẽ hở về đấu giá, huy động vốn, phát hành trái phiếu, nhiều doanh nghiệp đã đầu cơ đất đai gây ảnh hưởng rất xấu đến nền kinh tế đất nước.

Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16-6-2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã chỉ ra: “Chính sách, pháp luật về đất đai còn nhiều hạn chế, bất cập, chồng chéo, thiếu thống nhất, ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý, tạo kẽ hở để không ít cá nhân, tổ chức lợi dụng, tham nhũng, trục lợi, gây thất thoát, lãng phí tài sản Nhà nước”. Do đó, việc hoàn thiện thể chế, chính sách, luật pháp trong lĩnh vực đất đai hiện nay là việc vô cùng cấp thiết. Luật Đất đai sửa đổi tới đây phải khắc phục được những bất cập hiện nay để hướng tới một nền kinh tế minh bạch, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mọi tầng lớp nhân dân”.

Luật sư Giang Hồng Thanh (Trưởng Văn phòng Luật sư Giang Thanh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội)

(Còn tiếp)

Bài III: Củng cố rào chắn pháp luật, đề cao minh bạch, xây dựng cơ chế phòng ngừa chặt chẽ