Nhiều dịch bệnh ghi nhận số mắc tăng vọt so với năm ngoái, liệu có bất thường?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Số bệnh nhân nhập viện vì mắc sởi, ho gà, tay chân miệng… tại Hà Nội và các tỉnh phía bắc tăng khá mạnh từ đầu tháng 3, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái và được dự báo còn tiếp tục tăng lên…
Bệnh tay chân miệng có số mắc tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái

Bệnh tay chân miệng có số mắc tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái

Tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Nhi Trung ương, từ đầu năm đến nay tiếp nhận 40 bệnh nhân mắc ho gà nhập viện điều trị. Bệnh nhi chủ yếu là trẻ dưới 3 tháng tuổi. Trong số này, 5% biến chứng nặng phải hồi sức tích cực...

Tính chung trên cả nước, theo Bộ Y tế thống kê, trong gần 3 tháng đầu năm, đã ghi nhận rải rác gần 70 trường hợp mắc bệnh ho gà, chủ yếu tại miền Bắc. Đây là dấu hiệu đáng lo ngại khi thời gian qua, số lượng bệnh nhân ho gà ở mức thấp. Điển hình, Hà Nội không có bệnh nhân mắc ho gà trong năm 2021 và chỉ ghi nhận 1 ca vào năm 2022, song chỉ trong gần 3 tháng đầu năm nay đã có tới 17 ca ho gà.

Một bệnh dịch khác đang gia tăng mạnh là tay chân miệng. Trong gần 3 tháng đầu năm, cả nước đã ghi nhận hơn 6.100 ca mắc chân tay miệng, tăng 2,3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tại Hà Nội, con số này là 163 ca, tăng so với cùng kỳ (thời điểm này năm ngoái có 146 ca). Trước đó, Hà Nội cũng đã ghi nhận nhiều ổ dịch chân tay miệng tại các trường học.

Sốt xuất huyết cũng là một mối quan tâm. Báo cáo từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho thấy, trong gần 3 tháng đầu năm thành phố đã ghi nhận hơn 500 ca mắc sốt xuất huyết, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó có 5 ổ dịch.

Sởi cũng là bệnh truyền nhiễm đang có nguy cơ bùng phát thành dịch. Từ đầu năm tới nay, tại 13 tỉnh, thành phố đã ghi nhận có 42 ca sởi. PGS.TS Trần Đắc Phu - cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) - cho biết, dịch sởi mang tính chu kỳ, 4-5 năm sẽ bùng phát 1 lần. Nước ta đã ghi nhận 2 đợt dịch sởi trên quy mô lớn vào năm 2014 và 2019. Năm nay rơi đúng vào chu kỳ 5 năm của bệnh nên nguy cơ dịch xảy ra rất lớn...

Lý giải về việc nhiều bệnh dịch cùng có số mắc tăng cao so với cùng kỳ năm trước, liệu có bất thường hay không?, các chuyên gia cho biết, hiện chưa có yếu tố bất thường song cũng có yếu tố rất đáng lo ngại. Cụ thể, ngoài yếu tố thời tiết hay còn gọi là “bệnh theo mùa” như mọi năm thì một nguyên nhân khác tác động đến yếu tố dịch tễ năm nay là tỷ lệ tiêm chủng của trẻ, tỷ lệ bao phủ vaccine trong cộng đồng giảm.

Ông Trần Đắc Phu phân tích, do ảnh hưởng của Covid-19 nên thời gian qua một số trẻ không được tiêm chủng đầy đủ. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu vaccine “5 trong 1” (ho gà - bạch hầu - uốn ván - bại liệt - Hib) và vaccine sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng, dẫn tới tỷ lệ tiêm chủng không đạt được như mong muốn, điều này đã tạo ra lỗ hổng miễn dịch khiến bệnh lây lan.

Chẳng hạn, về việc nhiều bệnh nhân ho gà chưa đến tuổi tiêm chủng đã mắc bệnh, ông Phu cho rằng, trẻ em trước độ tuổi tiêm phòng thường có miễn dịch phòng bệnh ho gà từ mẹ. Tuy nhiên, do miễn dịch cộng đồng giảm trong những năm Covid, người mẹ cũng không được tiêm đủ mũi vaccine phòng bệnh nên chưa có kháng thể bảo vệ cho con...

Do đó, vị chuyên gia này khuyến cáo ngành y tế cần có kế hoạch tiêm vét, tiêm bù và chú ý đến vùng lõm tiêm chủng.

Trước thực trạng này, Bộ Y tế vừa có văn bản đề nghị y tế các địa phương thúc đẩy tiêm chủng thường xuyên cho trẻ thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng; tiêm bù, tiêm vét cho trẻ chưa được tiêm, chưa tiêm đủ mũi. Khuyến cáo thai phụ tiêm ngừa đầy đủ để tạo “lá chắn” miễn dịch cho trẻ em, cộng đồng.