Nhiệm vụ cao cả của ngành lưu trữ là phát huy giá trị của tài liệu trong đời sống nhân dân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - "Nhiệm vụ cao cả của lưu trữ không chỉ ở trong kho mà quan trọng hơn là phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ trong đời sống của nhân dân" - Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước Đặng Thanh Tùng khẳng định tại tọa đàm "Chia sẻ kinh nghiệm công bố tài liệu lưu trữ quốc gia”, diễn ra ngày 30-6, tại Hà Nội.

Tọa đàm "Chia sẻ kinh nghiệm công bố tài liệu lưu trữ quốc gia”, do Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước tổ chức, với sự tham gia của đại diện các Trung tâm Lưu trữ quốc gia, Trung tâm Lưu trữ địa phương, cơ quan quản lý văn hóa, nhà nghiên cứu…

Tại tọa đàm, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm công bố, phát huy giá trị tài liệu lưu trữ quốc gia trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, sự bùng nổ, phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, xu thế mở rộng dân chủ xã hội.

Phát biểu đề dẫn tọa đàm, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng khẳng định, nhiệm vụ của lưu trữ là phải đưa những giá trị của tài liệu lịch sử vào đời sống để có giá trị ở thời điểm hiện tại, đó mới là cái đích của ngành Lưu trữ. Thời điểm thuận lợi hiện nay là Chính phủ vừa giao cho Bộ Nội vụ xây dựng tờ trình, triển khai các công việc cần thiết để lấy ý kiến của Quốc hội về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi), dự kiến thông qua vào năm 2024 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2025.

Ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư Lưu trữ Nhà nước phát biểu đề dẫn tọa đàm

Ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư Lưu trữ Nhà nước phát biểu đề dẫn tọa đàm

Theo ông Đặng Thanh Tùng, những hoạt động phát huy giá trị tài liệu ở thời điểm này thực sự hợp lòng dân, hợp với mong muốn của những người làm công tác lưu trữ và của cả xã hội. Việc đưa thông tin lưu trữ ra ngoài xã hội hiện nay không chỉ là nhiệm vụ của những người làm lưu trữ mà còn là đòi hỏi xã hội của công chúng, của các cơ quan truyền thông, báo chí.

Cũng tại tọa đàm, đại diện đến từ các địa phương đã cùng nhau trao đổi kinh nghiệm phát huy giá trị tài liệu, như với Hà Tĩnh là kinh nghiệm công bố tài liệu lưu trữ phục vụ nghiên cứu lịch sử địa phương. Bình Định nêu thực tế khó khăn và sự cần thiết hợp tác công bố, phát huy giá trị tài liệu. Còn Đà Nẵng, Nam Định là cách tiếp cận mới trong phối hợp các hoạt động văn hóa - xã hội, giúp cho việc công bố tài liệu thuận lợi hơn, nhằm góp phần phục vụ công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội địa phương, bảo vệ chủ quyền đất nước.