Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2: Chuyện của những người khoác áo blouse trắng bên ngoài song sắt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Họ đã tự nguyện chọn cho mình sự gian khổ, hiểm nguy, lặng lẽ viết lên bài ca đẹp về tình người, về cách đối xử nhân văn với những người đang phải trả giá cho những lầm lỗi cuộc đời, đúng như câu hát: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai?”.
Các y bác sỹ Trại tam giam số 1 CATP Hà Nội chăm sóc sức khỏe can phạm, phạm nhân

Các y bác sỹ Trại tam giam số 1 CATP Hà Nội chăm sóc sức khỏe can phạm, phạm nhân

Duyên nghề

Từ khi khoác trên mình bộ sắc phục Công an nhân dân, tính đến nay Trung tá Lê Thị Mai Thu đã có gần 40 năm gắn bó với cương vị y sỹ trong trại giam. Và suốt hành trình dài ấy, bà dành 25 năm cống hiến ở Trại tạm giam số 1 CATP Hà Nội. Bây giờ, bà Mai Thu đã về hưu và bận rộn với công việc của một nữ cán bộ cơ sở. Thế nhưng những câu chuyện của tuổi thanh xuân gắn liền với chiếc áo blouse trắng vẫn như những thước phim quay chậm, mỗi khi nhắc đến, nó lại hiện ra rõ nét như mới ngày hôm qua.

Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trước nhu cầu về cán bộ công an cho cả 2 miền, bà Mai Thu được chọn đi học Trung cấp An ninh nhân dân. Cứ tưởng sau khi ra trường sẽ được cấp trên điều vào TP Hồ Chí Minh, nhưng sau đó bà lại được phân công về Trại giam Thanh Phong (Bộ Công an). Có lẽ nghề y đã đến với bà như một định mệnh vì chỉ 1 năm sau đó, bà lại được đơn vị tạo điều kiện cho đi học thêm ngành y.

Học xong, về lại trại giam, bà Mai Thu được phân công khám chữa bệnh, điều trị cho cán bộ đang công tác tại đây. Bà đã chủ động đề xuất xây dựng cơ sở vật chất, đặc biệt là phòng sinh nở dành cho các nữ cán bộ của trại. “Bạn không thể hiểu được ngày đó đất nước khó khăn đến mức nào. Những đứa trẻ chào đời từ năm 1979 ở đó đều do một tay tôi đỡ cả. Dù bản thân tôi lúc đó còn chưa làm mẹ, nhưng lại có hàng chục đứa con ngày ngày gọi mình là mẹ, hạnh phúc đó khó có thể diễn tả được” - Trung tá Lê Thị Mai Thu chia sẻ.

Trên thực tế thì hơn 10 năm ở Trại giam Thanh Phong, bà Mai Thu chỉ gặp khó khăn về cơ sở vật chất và điều kiện làm việc, còn nỗi vất vả thực sự mà bà muốn nói đến là quãng thời gian 25 năm ở Trại tạm giam số 1 CATP Hà Nội. Hơn 10 năm công tác, những tưởng thế là đã có đủ kinh nghiệm, ai ngờ bà sốc khi phải đối diện với môi trường làm việc mới. Về Hà Nội, bệnh nhân của bà không phải là cán bộ, chiến sĩ như trước mà chính là những phạm nhân đang được tạm giam, thi hành án.

Trung tá Mai Thu nhớ lại: “Ngay sau ngày làm việc đầu tiên, tôi đã bị ốm 1 tuần liền. Hôm ấy là ngày đầu tiên nhận nhiệm vụ tại Trại tạm giam số 1. Bác sỹ Bệnh xá trưởng đề nghị tôi cùng đi xuống khu giam kiểm tra sức khỏe cho can phạm, phạm nhân. Khi còn ở Thanh Hóa (Trại giam Thanh Phong - PV), ngoài chăm sóc sức khỏe cán bộ, chiến sĩ, thỉnh thoảng tôi cũng phải cấp cứu cho phạm nhân nên nghĩ rằng công việc cũng bình thường thôi. Tôi không ngờ mình hàng ngày phải đối diện với những người trong hành lang của khu giam. Mùi mồ hôi, mùi phòng giam bủa vây khiến tôi có cảm giác ngộp thở”. Một tuần nghỉ ốm, bà đã lấy lại bình tĩnh, sức khỏe vốn có và việc thăm khám bệnh cho can phạm, phạm nhân đã gắn bó với bà từ lúc đó.

“Sau này, khi có thêm cán bộ, chúng tôi phân khu, chia phòng và áp lực mới giảm xuống, có ngày trực, ngày nghỉ. Bệnh xá cũng dần được bổ sung trang thiết bị. Năm tôi về hưu, một bệnh xá khang trang hơn đã chính thức được khánh thành và đi vào sử dụng” - Trung tá Mai Thu bồi hồi nói.

Xin dành về mình phần khó khăn

Thiếu tá Đỗ Thị Nguyệt Thương - cán bộ Bệnh xá Trại tạm giam số 1 CATP Hà Nội chia sẻ, năm 2004, tốt nghiệp Trung cấp Y Hà Nội, chị được tuyển vào làm cán bộ y tế Trại tạm giam số 1. Trung tá Lê Thị Mai Thu chính là một trong những người thầy đầu tiên của chị ở nơi này.

“Thời điểm ấy, khó khăn, thiếu thốn đủ thứ. Phạm nhân nghiện ma túy, nhiễm HIV rồi chuyển sang AIDS thì đông. Lúc đó thuốc ARV dùng để điều trị cho phạm nhân lại thiếu trầm trọng nên bệnh nhiễm trùng cơ hội do HIV gây ra rất nhiều, đặc biệt là bệnh lao. Phạm nhân suy kiệt cần phải chuyển khắp các bệnh viện, nhưng oái oăm là rất ít cơ sở y tế muốn nhận. Cứ nghe đến phạm nhân là người ta đã… ngán ngẩm rồi. Chúng tôi gần như phải năn nỉ cán bộ các cơ sở y tế giúp đỡ phạm nhân của mình” - Thiếu tá Đỗ Thị Nguyệt Thương nhớ lại.

“Nhưng bây giờ thì lại khác. Khi HIV có thuốc điều trị ổn định hơn thì bệnh nhân ung thư lại chiếm tỷ lệ nhiều hơn. Phạm nhân mắc bệnh mãn tính như chạy thận nhân tạo cũng nhiều. Các bệnh khác như tăng huyết áp, đái tháo đường ngày càng tăng nên cán bộ y tế ở tại đơn vị phải làm việc nhiều hơn, áp lực công việc gia tăng” - Thiếu tá Đỗ Thị Nguyệt Thương chia sẻ.

Trong từng giai đoạn khác nhau, những chiến sĩ khoác áo blouse trắng của trại giam luôn có một điểm chung, ấy là thường xuyên phải đối mặt với nhiều áp lực, nhiều nguy cơ. Thiếu tá Nguyễn Thị Cảnh - cán bộ y tế của Trại tạm giam số 1 không thể nào quên được khoảnh khắc chị bị phơi nhiễm HIV trong lúc điều trị cho phạm nhân nhiễm HIV/AIDS. Không những thế, phạm nhân thì luôn tìm cách chống đối, trốn trại. Mà trong muôn vàn cách trốn thì giả vờ bệnh, giả vờ bị tai nạn để được đi khám là cách mà phạm nhân “ưa thích” và hay sử dụng nhất.

“Có tới mấy cán bộ áp giải đi bệnh viện và luôn trong tư thế sẵn sàng mà không hiểu sao các đối tượng vẫn cho rằng có thể bỏ trốn được. Chính vì suy nghĩ như thế mà họ sẵn sàng tự thương, tự nuốt dị vật nào đó để “được” đưa đi bệnh viện cấp cứu” - Thiếu tá Đỗ Thị Nguyệt Thương kể.

Khi có dịch bệnh, trại giam là nơi tập trung đông người trong một không gian khép kín, vậy phải làm thế nào để chống lây lan cũng là một áp lực với cán bộ y tế. Rất may với sự phòng ngừa hữu hiệu, nhiều dịch bệnh như sốt xuất huyết, Covid-19 cũng chưa ghé thăm nơi này. Trung tá Nguyễn Thanh Hải - Bệnh xá trưởng Trại tạm giam số 2 CATP Hà Nội chia sẻ: “Mỗi người có một lựa chọn nghề nghiệp, công việc của mình. Chúng tôi xin được nhận nhiệm vụ khó khăn, nhận chăm sóc những con người đã bị cách ly khỏi xã hội. Bởi đối với bất kỳ ai đã khoác áo blouse trắng, thì tất cả bệnh nhân đều bình đẳng như nhau, họ cần được chăm sóc sức khỏe. Đã là bác sỹ thì dù ở đâu cũng phải thực hiện sứ mệnh cứu người”.

“Mỗi người có một lựa chọn nghề nghiệp, công việc của mình. Chúng tôi xin được nhận nhiệm vụ khó khăn, nhận chăm sóc những con người đã bị cách ly khỏi xã hội. Bởi đối với bất kỳ ai đã khoác áo blouse trắng, thì tất cả bệnh nhân đều bình đẳng như nhau, họ cần được chăm sóc sức khỏe. Đã là bác sỹ thì dù ở đâu cũng phải thực hiện sứ mệnh cứu người”.

Trung tá Nguyễn Thanh Hải - Bệnh xá trưởng Trại tạm giam số 2 CATP Hà Nội