Hai câu chuyện đáng suy ngẫm ở tuyến đầu chống dịch Covid-19 trong Ngày Thầy thuốc Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Những ngày này, Hà Nội đang liên tục có số ca mắc Covid-19 tăng kỷ lục. Ha câu chuyện sau đây ở một trạm y tế phường và bệnh viện dã chiến mang lại góc nhìn riêng để mỗi người suy ngẫm, có cách ứng xử bình tĩnh, đúng mực với dịch bệnh.
2 câu chuyện đáng suy ngẫm ở tuyến đầu chống dịch Covid-19 ở Thủ đô

2 câu chuyện đáng suy ngẫm ở tuyến đầu chống dịch Covid-19 ở Thủ đô

Chuyện ở “tiền tuyến”…

12 giờ trưa tại trạm y tế phường Vĩnh Phúc (quận Ba Đình), tổ hỗ trợ gồm các lực lượng Đoàn Thanh Niên, Trạm Y tế lưu Động… vẫn đang miệt mài tiếp nhận thông tin và tư vấn cho các F0.

Hiện tại, có không ít thành viên trạm đã mắc Covid-19 trong khi phục vụ nhân dân. Đã có 6/7 cán bộ y tế phường, 11 cán bộ công chức phường, 10 cán bộ chiến sỹ CAP, 14 cán bộ cơ sở và tình nguyện viên nhiễm Covid-19...

Lực lượng chống dịch ngày càng ít đi mà số F0 ngày càng tăng. Những “chiến sỹ” đặc biệt ấy vẫn miệt mài, mỗi người một việc làm sao để hỗ trợ kịp thời nhất khi người dân cần. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, có ngày ở phường Vĩnh Phúc số lượng F0 tăng cao, trung bình khoảng gần 300 ca/ngày, với khoảng 2.000 F0 đang điều trị tại nhà.

Không chỉ ở phường Vĩnh Phúc ở nhiều nơi, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhiều cán bộ trạm y tế, UBND phường, Công an phường, y tế lưu động đã bị nhiễm Covid -19 dẫn đến số cán bộ phục vụ ít, khó khăn trong công tác tiếp nhận, điều trị F0. Với đặc thù các quận nội thành Hà Nội luôn có mật độ dân cư đông đúc, lực lượng y tế có hạn, việc chỉ tập trung đầu mối vào các trạm y tế sẽ gây quá tải, có lúc làm người dân bức xúc, lo lắng…

Như ở trạm y tế phường Vĩnh Phúc, chỉ có một máy điện thoại để tiếp nhận thông tin nên thường xuyên bận dẫn tới tình trạng người dân gọi đến để thông báo F0 nhiều lần không được. Trước tình hình đó, ngay lập tức, BCĐ phòng chống dịch đã thông tin ngay trên mạng xã hội và tới từng nhóm zalo cộng đồng thông tin 5 đầu mối có thể khai báo thông tin. Nhờ đó, tình trạng nghẽn mạng được khắc phục.

Những tình nguyện viên, y bác sỹ làm việc bền bỉ, quên ngày đêm ở trạm y tế phường Vĩnh Phúc, Ba Đình

Những tình nguyện viên, y bác sỹ làm việc bền bỉ, quên ngày đêm ở trạm y tế phường Vĩnh Phúc, Ba Đình

Bên cạnh đó, phường Vĩnh Phúc cũng kêu gọi thanh niên, sinh viên, y bác sĩ nghỉ hưu trên địa bàn tiếp tục đăng ký tham gia tình nguyện hỗ trợ nhân dân để bổ sung nhân lực kịp thời hơn nữa. Không ít người đã đăng ký ngay bởi: “Công việc tuy vất vả nhưng rất vui và tự hào vì chúng ta làm được việc ý nghĩa. Trong lúc không may nhiễm bệnh, người bệnh rất cần chúng ta”…

Tại các trang mạng xã hội cộng đồng các xã phường những ngày qua cũng liên tục thông tin hướng dẫn người dân việc khai báo F0 qua số điện thoại zalo, email, qua đầu mối tổ trưởng dân phố, cảnh sát khu vực…

Những kênh tiếp cận mới này đã thực sự có hiệu quả, giảm tải tương đối cho các trạm y tế, bởi lẽ nắm bắt sâu sát mọi thông tin không ai hơn bằng “bà tổ trưởng” hay “anh cảnh sát khu vực”.

Bên cạnh đó, các hướng dẫn điều trị F0 tại nhà, chăm sóc trẻ em bị mắc Covid-19 được cập nhật thông tin liên tục; các cảnh báo về việc lạm dụng test nhanh, không dùng thuốc điều trị Covid-19 chưa được phép lưu hành… được thông tin kịp thời và mang lại cho người dân những kiến thức bổ ích cũng như tâm thế bình tĩnh ứng phó và tự bảo vệ mình, gia đình, cộng đồng…

Đâu đó vẫn còn có những tiếng nói trách móc và đều được nhẹ nhàng giải thích, hướng dẫn với sự mong muốn chia sẻ của những “chiến sỹ”chống dịch mẫn cán ở các xã phường…

Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh cũng vừa có Công điện số 02 yêu cầu có thêm nhiều hơn nữa cách tiếp cận để chăm lo kịp thời hơn nữa cho F0 và F1.

Trên con đường hướng tới miễn dịch cộng đồng ở Hà Nội, thành hay bại được quyết định ở từng xã phường, tổ dân phố. Những phương án tăng cường nhân lực, vật lực cho cơ sở cũng đã được kích hoạt với mục tiêu kiện định: “Bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân là trên hết, trước hết”.

Sự nỗ lực bền bỉ, không ngừng của mỗi y bác sĩ, tình nguyện viên ở các trạm y tế đêm đêm vẫn sáng đèn ấy chỉ thực sự có ý nghĩa khi mỗi người dân đều bình tĩnh, không hoang mang… Khi đó, mọi phần việc mới thực sự hanh thông và người dân sẽ được chăm sóc tốt nhất.

Một bệnh nhân nặng được cứu sống ở Bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 ở Hoàng Mai, Hà Nội

Một bệnh nhân nặng được cứu sống ở Bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 ở Hoàng Mai, Hà Nội

Phép nhiệm màu ở khu điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng

BS Chu Đức Thành (Bệnh viện 198 – Bộ Công an) được tăng cường cho Bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 ở Hoàng Mai đã hơn 1 tháng. BS Thành cho biết, mỗi ca trực ở khu cấp cứu ICU, các y bác sĩ đều nỗ lực hết sức mình để kéo lại từng cuộc đời khỏi bàn tay của Covid-19.

BS Thành chia sẻ về một “phép nhiệm màu” trong ICU: bệnh nhân nữ, 41, tiền sử khỏe mạnh, đã tiêm 2 mũi vaccine.

Trong ngày thứ 3 mắc Covid-19, bệnh nhân được chuyển vào ICU Bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid Hoàng Mai trong tình trạng huyết áp, SpO2 không đo được; tím tái dọa ngừng tim (Covid mức độ nguy kịch- bão cytokine- tổn thương phổi nặng- sốc mất máu nguy kịch do hồng cầu ngưng kết kháng thể lạnh (rất hiếm gặp trong cơn bão cytokine…). Bác sỹ điều trị đã phải gọi điện thoại thông báo gia đình tiên lượng tử vong trong 24h đầu.

Tuy vậy, cả ê kíp đều ko ai bảo ai, mọi người đều cố gắng khẩn trương tiến hành cấp cứu, vì cùng chung suy nghĩ bệnh nhân còn trẻ... Bệnh nhân đc truyền khẩn gần 2 lít máu, thở máy, vận mạch liều cao, lọc máu liên tục, điều trị bão cytokine, dự kiến thất bại sẽ vào ECMO (chạy máy tim phổi nhân tạo).

Cùng với sự kiên trì của các y bác sĩ, bệnh nhân đã có sức sống mãnh liệt...Ngày điều trị thứ 5, bệnh nhân cai máy thở, rút nội khí quản. Ngày thứ 7, bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn và đặc biệt lần đầu tiên, tại phòng ICU, bệnh nhân đã gọi video call với chồng và con trai 8 tuổi qua Zalo. Tất cả cùng vỡ òa trong những giọt nước mắt và tiếng nấc nghẹn ngào...

“Vẫn biết thành phố nào rồi cũng sẽ phải trải qua đỉnh nhiễm để đạt miễn dịch cộng đồng, sớm quay lại cuộc sống bình thường mới, nhưng tuyệt đối không nên chủ quan và suy nghĩ rằng đã tiêm 3 mũi rồi mau mau bị nhiễm để sớm thành "người bất tử" với Covid-19...”, BS Thành nói.

BS Thành cùng các đồng nghiệp đều mong muốn có những ca trực không có bệnh nhân nào tử vong. Đó là những giây phút bình yên nhất và lúc đó bước chân của họ về phòng nghỉ tạm không còn nặng nề như có người kéo chân nữa.

“Thực hiện tốt 5k, hạn chế tụ tập đông người để không thành nguồn lây bệnh, và đặc biệt ai còn chưa kịp tiêm vaccine hoặc suy nghĩ “anti vaccine” thì hãy tiêm khẩn trương ngay,muộn còn hơn không. Khi mắc Covid-19, hậu quả khó lường, hiện tại vẫn đang có thanh niên trẻ khỏe vì không tiêm mà giờ nằm trong ICU chưa rõ ngày ra…”, BS Thành tâm sự.

Trong ngày Thầy thuốc Việt Nam hôm nay, tri ân các y bác sỹ, lực lượng tuyến đầu đã nỗ lực, vượt khó, đối mặt với Covid-19 hơn 2 năm qua. Chúng ta thực sự cần suy ngẫm từ 2 câu chuyện trên để có cách ứng xử bình tĩnh, đúng mực với dịch bệnh.

Biết bảo vệ chính mình và cộng đồng để họ - những "chiến sỹ" đặc biệt ấy bớt phần vất vả và có những ngày bình an, trở về bên gia đình...