Nhận diện và đánh chặn tội phạm trên không gian mạng (Bài 1): Tổ chức tín dụng là “chốt chặn” quan trọng ngăn đối tượng mạo danh cơ quan tư pháp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Lời tòa soạn: Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng - Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra CATP Hà Nội từng nhận định với lực lượng Cảnh sát điều tra và Công an các quận, huyện, thị xã, đó là tội phạm truyền thống diễn biến ra sao thì tội phạm trên không gian mạng cũng phức tạp không kém. Chủ động thấy rõ nguy cơ, phức tạp tiềm ẩn đó, nhiều năm qua, Công an Hà Nội đã chú trọng các biện pháp phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ, thường xuyên tuyên truyền, cảnh báo, dự báo người dân về các thủ đoạn của tội phạm phạm mạng. Quyết tâm và sự chủ động ấy đã từng bước kéo giảm sự phức tạp của những đường dây, đối tượng lợi dụng mạng Internet để gây án.

Thượng tá Đinh Thị Thu Thủy - Trưởng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (CATP Hà Nội) nhìn nhận, dù đã tuyên truyền nhiều, nhưng người dân vẫn mắc và nếu như các tổ chức tín dụng có nghi vấn khi thấy người dân chuyển tiền số lượng lớn, chủ động cảnh báo thì hậu quả sẽ được ngăn chặn…

Nhân viên ngân hàng ở quận Hoàn Kiếm được khen vì kịp thời ngăn chặn vụ lừa đảo chuyển tiền qua điện thoại

Nhân viên ngân hàng ở quận Hoàn Kiếm được khen vì kịp thời ngăn chặn vụ lừa đảo chuyển tiền qua điện thoại

Những cú lừa tiền tỷ

Theo Thượng tá Phạm Đức Hà - Phó trưởng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (CATP Hà Nội), năm 2021, đơn vị đã tiếp nhận, xử lý 26 tin báo, tố giác về tội phạm liên quan đến các vụ giả danh nhân viên Nhà nước, công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện thoại đe dọa yêu cầu chuyển tiền. Tổng số tiền các đối tượng chiếm đoạt của bị hại lên tới 32 tỷ đồng, trong đó có bị hại bị chiếm đoạt số tiền lên tới 10 tỷ đồng, vụ ít nhất là 50 triệu đồng.

Những con số mà Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho hay chỉ là một phần trong số hàng trăm vụ việc liên quan đến thủ đoạn này xảy ra trên địa bàn toàn thành phố. Mới đây, ngày 2-11, CAP Ngọc Thụy, quận Long Biên nhận được đơn trình báo của bà V (trú tại quận Long Biên) về việc bị lừa đảo chiếm đoạt 800 triệu đồng. Theo đó, bà V nhận được điện thoại từ các đối tượng tự xưng là công an, kiểm sát viên thông báo bà có liên quan tới một vụ án. Các đối tượng yêu cầu bà V phải cung cấp tài khoản ngân hàng, mật khẩu và mã OTP để kiểm tra. Sau khi thực hiện theo hướng dẫn của đối tượng, bà V phát hiện tài khoản ngân hàng bị rút 800 triệu đồng. Lúc này bà mới biết mình bị lừa và đến cơ quan công an trình báo.

Từ tháng 6 đến tháng 10-2021, CAP Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm đã tiếp nhận 3 vụ việc liên quan đến thủ đoạn lừa đảo mạo danh cơ quan tố tụng. Nổi bật nhất là vụ một cụ ông (72 tuổi) bị chiếm đoạt số tiền gần 8 tỷ đồng và đến thời điểm này vẫn chưa tìm được đối tượng gây án. Theo trình báo của cụ L, trưa 15-6, cụ nhận được cuộc gọi từ số điện thoại +882438255xxx tự xưng là cơ quan công an, thông báo cụ có liên quan đến vi phạm pháp luật, đồng thời yêu cầu kê khai tài sản, sổ tiết kiệm để xác minh.

Kẻ lừa đảo sau đó còn sử dụng tài khoản Zalo mang tên “Bùi Công Vinh” kết bạn với cụ L để tiếp tục nói chuyện. “Bùi Công Vinh” nhắn tin yêu cầu cụ ra ngân hàng nút hết số tiền trong số tiết kiệm, chuyển vào 2 số tài khoản mang tên Do Tran Tuan Linh và Le Van Nham (đều của ngân hàng P, chi nhánh Hà Nội). Không dám nói với người nhà và lo sợ nên trong 3 ngày liên tiếp (từ 16 đến 18-6), cụ L đã ra ngân hàng rút hết tiền tiết kiệm chuyển tiền vào 2 số tài khoản mà đối tượng yêu cầu với tổng số tiền là 7,815 tỷ đồng. Ngày 18-6, “Bùi Công Vinh” tiếp tục nhắn tin cho cụ yêu cầu chuyển tiếp số tiền 300 triệu đồng. Do không còn tiền nên cụ L gọi điện cho cụ N (là em gái) để hỏi vay tiền. Nghi ngờ anh trai bị lừa đảo nên cụ N đã nói với người thân đi trình báo cơ quan công an.

Phương tiện cơ quan công an thu giữ trong vụ lừa đảo chuyển tiền qua mạng viễn thông…

Phương tiện cơ quan công an thu giữ trong vụ lừa đảo chuyển tiền qua mạng viễn thông…

Cần sự phối hợp từ các tổ chức tín dụng

Thực tế cho thấy, hiện nay cơ quan công an đã chủ động trong tuyên tuyền, cảnh báo thủ đoạn lừa đảo bằng cách mạo danh cơ quan chức năng đến người dân. Tại bất kỳ khu dân cư hay các tòa nhà chung cư nào, người dân đều dễ dàng bắt gặp những tờ rơi thông tin cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng, tuy nhiên dường như rất ít người quan tâm. Hậu quả là các vụ việc lừa đảo mạo danh cơ quan Nhà nước, cơ quan tố tụng hoặc các tổ chức xã hội vẫn xảy ra, gây thiệt hại đáng kể cho người dân.

Theo Thượng tá Phạm Đức Hà, nhiều năm trước, khi xuất hiện thủ đoạn lừa đảo mạo danh các cơ quan tố tụng, đơn vị đã có thông báo gửi Ngân hàng Nhà nước, thông tin đến các tổ chức tín dụng về loại tội phạm mới này. “Bởi thông thường khi chuyển khoản số tiền lớn, người dân bắt buộc phải ra ngân hàng thực hiện lệnh chuyển tiền. Vì thế, nếu ngân hàng, các tổ chức tín dụng thấy có điểm nghi vấn nên có cảnh báo, hoặc làm rõ nội dung chuyển tiền để hỗ trợ người dân” - Thượng tá Phạm Đức Hà nhìn nhận.

Trong vụ việc xảy ra với cụ L, nếu như chi nhánh ngân hàng nơi người đàn ông 72 tuổi này đến chuyển tiền cảnh giác hơn, thì có lẽ khối tài sản tích cóp cả đời của nạn nhân đã không ra đi một cách dễ dàng như thế. Chỉ huy Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao khẳng định, sự vào cuộc của các ngân hàng, tổ chức tín dụng giữ một vai trò tích cực, hiệu quả trong việc ngăn chặn thiệt hại của các vụ lừa đảo mạo danh cơ quan Nhà nước.

Mới đây, CAQ Hoàn Kiếm đề nghị Chủ tịch UBND quận khen thưởng chị Trần Thị Ngọc Thơm (kiểm soát viên Ngân hàng TMCP Sài Gòn) vì đã ngăn chặn kịp thời một vụ chuyển tiền cho đối tượng lừa đảo. Liên quan đến sự việc này, ngày 26-5-2021, bà M (trú tại quận Hoàn Kiếm) đến Ngân hàng TMCP Sài Gòn (phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm) để thực hiện giao dịch chuyển số tiền 1,8 tỷ đồng.

Phát hiện thấy khách hàng có biểu hiện lo lắng, sợ hãi, chị Trần Thị Ngọc Thơm đã hỏi chuyện và được biết bà M nhận được điện thoại của các đối tượng tự xưng là cán bộ công an, viện kiểm sát đang điều tra vụ án ma túy và rửa tiền, liên quan đến số tiền tiết kiệm của bà M. Các đối tượng yêu cầu bà M chuyển toàn bộ số tiền tiết kiệm vào tài khoản do các đối tượng cung cấp. Do được CAP Cửa Đông phổ biến về các thủ đoạn lừa đảo chuyển tiền qua ngân hàng, chị Thơm đã gọi điện thoại báo cho đồng chí Bùi Mạnh Hiếu - cán bộ CAP Cửa Đông. Sau khi được chị Thơm và CAP Cửa Đông động viên, giải thích, bà M đã từ bỏ ý định chuyển tiền cho các đối tượng lạ.

Cảnh giác với những cuộc gọi mạo danh cơ quan Nhà nước để lừa đảo.

Cảnh giác với những cuộc gọi mạo danh cơ quan Nhà nước để lừa đảo.

Ngày 25-11 vừa qua, CAQ Hoàn Kiếm và CAP Phan Chu Trinh đã phối hợp với Ngân hàng BIDV ngăn chặn thành công một vụ lừa đảo mạo danh Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Khoảng 14h ngày 26-11, anh P nhận được tin nhắn từ số điện thoại lạ có nội dung “BAN - da du dieu kien NHAN TIEN hỗ trợ từ quỹ - BHTN. Bam vao www.ukgpj.icu để lấy. QUA HAN SE KHONG DUOC CHAP NHAN!cDhV”. Vì nghĩ là thông tin từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam, nên anh P đã nhấn vào đường link lạ này và làm theo các hướng dẫn.

Đường link đưa anh đến một trang web có nhiều nội dung, trong đó yêu cầu nhập các thông tin cá nhân, cung cấp số tài khoản ngân hàng và mã OTP. Sau khi làm tuần tự theo các bước, anh P bất ngờ thấy tài khoản ngân hàng của mình bị trừ gần 33 triệu đồng nên đã lập tức thông báo CAP Phan Chu Trinh. Tiếp nhận thông tin, CAP Phan Chu Trinh đã phối hợp với Đội Cảnh sát hình sự CAQ Hoàn Kiếm liên hệ với ngân hàng để kịp thời phong tỏa tài khoản, giữ lại được số tiền trên.

Từ những dẫn chứng trên cho thấy ngân hàng, tổ chức tín dụng là “chốt chặn” quan trọng, hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của những vụ chuyển tiền cho đối tượng lừa đảo. Do đó, cùng với việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân thì rất cần sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ của ngân hàng, các tổ chức tín dụng.

(Còn nữa)