Nhận diện những rủi ro bủa vây nữ phóng viên

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Có thể nói, việc nhà báo nữ bị gạ gẫm, quấy rối tình dục không phải là chuyện hiếm gặp, gây tổn thương không nhỏ cho những người trong cuộc…
Phóng viên An ninh Thủ đô chuyện trò với các em nhỏ trong các chuyến tặng quà Tết tại các tỉnh vùng cao

Phóng viên An ninh Thủ đô chuyện trò với các em nhỏ trong các chuyến tặng quà Tết tại các tỉnh vùng cao

Nguy hiểm rình rập trong quá trình tác nghiệp

Quấy rối tình dục được hiểu là việc dùng những lời lẽ hoặc hành vi có liên quan đến tình dục. Mục đích chủ yếu là gây ảnh hưởng xấu đến danh dự và tổn thương nhân phẩm của người bị quấy rối. Quấy rối có thể thực hiện thông qua hành động, lời nói, ánh mắt, cử chỉ, nhưng cũng có thể không cần nói ra một cách trực tiếp (như gửi tin nhắn bằng hình ảnh hoặc video có nội dung không lành mạnh). Từ khái niệm trên có thể thấy, với phóng viên nữ, đặc biệt là những nữ phóng viên trẻ mới ra trường, chuyện bị quấy rối tình dục diễn ra khá phổ biến.

Sau khi tốt nghiệp đại học hơn 1 năm, tôi được tuyển dụng vào Tòa soạn An ninh Thủ đô với vị trí phóng viên Ban Bạn đọc. Đặc thù công việc của tôi là hàng ngày xác minh thông tin qua đơn thư bạn đọc gửi đến, tiếp nhận và xác minh thông tin do bạn đọc gọi đến qua Đường dây nóng, trong đó có rất nhiều vấn đề “nóng” liên quan đến bức xúc dân sinh.

Một lần, sau khi nghe thông tin từ một sinh viên nữ cho biết mình thường xuyên bị quấy rối tình dục trên xe khách tuyến Hà Nội - Hải Dương, tôi đã nhanh chóng hóa thân thành hành khách đi xe để thâm nhập thực tế. Khi tôi vừa bước lên xe, cảnh tượng đập vào mắt là sự đông đúc, chen chúc như nêm cối giữa các hành khách. Ngoài những người lên sớm may mắn có chỗ ngồi thì hầu hết số còn lại tranh nhau chỗ đứng. Mỗi khi xe phanh gấp hay dừng lại đón trả khách, hành khách trên xe lại bị phen ngả nghiêng, xô vào nhau.

Lợi dụng thời điểm này, những đối tượng có ý đồ quấy rối tình dục có cơ hội ra tay, trong đó có một người đàn ông tầm 40 tuổi. Ban đầu, khi thấy tôi lên xe, ông ta nhanh chóng đứng lên nhường chỗ cho tôi ngồi vào bên trong, bản thân ngồi ké phía ngoài. Khi xe chạy khoảng chục phút ông ta bắt đầu giả vờ ngủ, đầu chạm vào vai tôi, sau đó dùng tay chạm vào eo rồi làm như vô tình đặt lên đùi...

Tôi lập tức đứng dậy, quắc mắt nhìn người đàn ông này và cố gắng nói to cho những người trên xe cùng nghe thấy hành động sàm sỡ của anh ta. Thấy vậy, người đàn ông này vội cụp mũ lưỡi trai lủi xuống cuối xe và nhảy xuống ở điểm dừng ngay sau đó. Theo một số hành khách thường xuyên đi xe tuyến này, họ đã từng chứng kiến hành động quấy rối, sàm sỡ các cô gái của người đàn ông này, nhưng do nạn nhân không dám lên tiếng nên họ cũng “lờ đi cho qua chuyện”.

Không chỉ bị quấy rối do phải hóa thân thành hành khách đi xe khách, trong một số lần đi tác nghiệp, tôi và đồng nghiệp nữ cũng không ít lần “được” đối tượng, nhân vật có liên quan trong các bài viết mời đi ăn tối, uống cà phê, thậm chí cả những lời đề nghị khiếm nhã “bỏ nghề báo về làm thư ký, trợ lý cho anh”. Với nữ phóng viên mới vào nghề, cảm giác ban đầu là sự sợ hãi, xấu hổ, sau đó là nỗi tức giận vì cảm thấy thấy bị coi thường, bị giễu cợt. Nhưng trên tất cả, chúng tôi đã vượt qua bằng sự tự trọng, bản lĩnh cá nhân và niềm đam mê với công việc làm báo.

Phóng viên ANTĐ trong một chuyến công tác địa bàn vùng núi

Phóng viên ANTĐ trong một chuyến công tác địa bàn vùng núi

Khi kẻ biến thái là… “chuyên gia tâm lý”

Trong khoảng thời gian tòa soạn mở chuyên mục “Tư vấn tâm lý”, tôi và một phóng viên nữ khác trong ban được phân công hàng tuần liên lạc với các chuyên gia tâm lý để gửi câu hỏi của bạn đọc, nhận câu trả lời, biên tập lại để đăng báo.

Điều đáng nói là ngoài những người rất nhiệt tình tham gia chuyên mục với tinh thần trách nhiệm cao, chúng tôi gặp một “chuyên gia tâm lý” mới nổi khá kỹ tính. Anh ta cho biết, muốn có bài viết cho chuyên mục, phóng viên không được gửi câu hỏi của bạn đọc qua email mà phải trực tiếp đến nhà riêng để phỏng vấn và đánh máy lại câu trả lời. Do trong giờ hành chính “chuyên gia” rất bận nên phóng viên phải hẹn trước ngoài giờ.

Để có bài viết đăng tải trong chuyên mục, không còn cách nào khác tôi và đồng nghiệp nữ phải có mặt tại nhà “chuyên gia” lúc 18h tối. Tiếp chúng tôi là một người đàn ông trung niên trong trang phục khá tuềnh toàng, áo ba lỗ và quần soóc hoa. Anh ta cho biết đang sống một mình nên chúng tôi cứ phỏng vấn thoải mái, không hạn chế về thời gian?!

Khi chúng tôi đưa ra tình huống cần tư vấn, “chuyên gia” này chỉ liếc qua, nói “các em cứ để lại đó anh nghiên cứu” rồi ba hoa đủ thứ chuyện trên trời dưới bể. Sau khi tâm sự chuyện tình cảm, chuyện gia đình và không quên PR cho bản thân, anh ta chuyển sang nhìn nữ đồng nghiệp của tôi từ đầu đến chân, hỏi thăm về chuyện chồng con, không ngớt lời khen ngợi “em có gương mặt khả ái, thân hình đẹp, cần tư vấn tình cảm anh giúp…” với giọng điệu khá lả lơi, cợt nhả và mời ở lại ăn tối.

Đến nước này chúng tôi vội vã đứng dậy ra về không quên ném cho anh ta cái nhìn khinh bỉ và… không hẹn gặp lại. Đi đường, chúng tôi vẫn run sợ và cảm thấy may mắn khi đã sáng suốt cùng nhau đến nhà “chuyên gia tâm lý”. Một lần khác, sau khi nhận được tin báo của người dân vào lúc 10h đêm về việc một tuyến đường mới thông xe liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn do lao vào hố ga không nắp, tôi đã vội vã đến hiện trường gặp gỡ nhân chứng và chụp ảnh ghi nhận lại sự việc.

Trên đường về, không may tôi bị 2 tên biến thái đi xe máy bám theo. Do đêm khuya, đường tối vì chưa được lắp đặt đèn cao áp, các đối tượng này đã áp sát xe tôi rồi vọt lên trước, tên ngồi phía trước không ngừng buông ra những lời lẽ tục tĩu kèm theo tiếng cười khả ố, còn tên đằng sau tranh thủ khoe toàn bộ “của quý” trên yên xe.

Dù vô cùng sợ hãi nhưng tôi vẫn cố gắng tỏ ra bình tĩnh đi xe chậm lại và tranh thủ quan sát. Khi thấy một con ngõ gần đó có hộ dân bán tạp hóa vẫn sáng đèn, tôi vội vã rẽ vào, dựng xe bước vào trong với tư thế coi như nhà của mình, không quên nói nhanh với chủ quán mình bị hai tên biến thái đang bám theo để nhờ trợ giúp. Rất may, chị chủ quán tốt bụng đã nhanh chóng hiểu ý, cùng tôi “diễn” tròn vai, vờ dọn hàng đóng cửa tắt đèn đi nghỉ. Sau khoảng 20 phút rình rập bên ngoài không thấy tôi ra, chắc mẩm tôi đã về nhà mình nên 2 tên biến thái lặng lẽ rút…

Theo kết quả khảo sát mới đây của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Hà Nội và TP.HCM cho thấy, 11% nữ học sinh phổ thông, 27% nữ nhà báo, 31% nữ sinh viên bị quấy rối tình dục, hoặc xâm hại tình dục, song hiện vẫn còn thiếu các biện pháp can thiệp kịp thời đối với các vụ việc này.