Phóng viên An ninh Thủ đô đồng hành trong chiến dịch cấp căn cước công dân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chiều 31-12-2020, những người tham dự buổi ra quân triển khai cao điểm cấp căn cước công dân gắn chíp của Công an TP Hà Nội, trong đó có tôi - một nữ phóng viên theo dõi mảng quản lý hành chính của Công an Hà Nội sẽ không nghĩ rằng, chỉ 3 tháng sau đó, mình sẽ bước vào một chiến dịch đặc biệt - chiến dịch chưa từng có trong lịch sử 76 năm truyền thống của lực lượng Công an nhân dân (CAND).

Những bước chân đầu tiên của “chiến dịch”

Dự kiến ngày 1-7-2021, Luật Cư trú được Quốc hội thông qua với nhiều điểm mới, trong đó, từng bước thay phương thức quản lý từ sổ hộ khẩu giấy sang mã số định danh công dân, đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên công nghệ số, là tiền đề xây dựng Chính phủ điện tử trong tương lai. Trước đó, Bộ Công an cũng đã yêu cầu lực lượng Công an toàn quốc thu thập dữ liệu quốc gia về dân cư. Lực lượng Cảnh sát khu vực, Công an xã cũng đã có một năm “ăn, ngủ” cùng những tờ phiếu dữ liệu dân cư. Đặc biệt tại Công an Hà Nội, đây đã là lần thứ 3 họ phải thực hiện nhiệm vụ này.

Gần 10 năm trước, tôi được phân công nhiệm vụ theo dõi mảng Cảnh sát QLHC về TTXH - một mảng việc hết sức đời thường của lực lượng CAND. Trong rất nhiều lĩnh vực mà ngành Công an quản lý, có một phần việc liên quan sát sườn đến cuộc sống của người dân là thủ tục hành chính, giấy tờ liên quan đến cá nhân mỗi người, mỗi gia đình. Gần 10 năm gắn bó, dù chỉ là người cầm bút phản ánh công việc của họ, nhưng mỗi CBCS làm việc trong mảng việc này dù là Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH hay Công an các quận, huyện ở những địa bàn tôi phụ trách đều coi tôi như “người nhà” cùng trong một dòng chảy công việc.

Sau lễ ra quân của CATP Hà Nội, ngay ngày hôm sau, dù là kỳ nghỉ lễ Tết dương lịch nhưng 100% Công an các quận, huyện, thị xã và Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về TTXH - CATP Hà Nội đã đồng loạt triển khai đội hình cấp CCCD gắn chíp. Không chỉ riêng cá nhân tôi mà tất cả CBCS Ban Nội chính - An ninh Thủ đô được phân công theo dõi địa bàn các quận, huyện, thị xã đều có mặt đưa tin tuyên truyền về việc triển khai cấp CCCD gắn chíp.

Song ở thời điểm ấy, hầu hết đều triển khai công việc như bình thường, chỉ thay đổi chút ít ở việc cấp lưu động. Máy móc chưa được trang bị đầy đủ nhưng các Đội Cảnh sát QLHC về TTXH ở Công an các quận, huyện, thị xã vẫn cố gắng duy trì 2 đội hình cấp CCCD, một cố định tại trụ sở, một di chuyển hàng ngày tại các khu dân cư, trường học, công sở, cơ quan Nhà nước.

Hình ảnh chụp lúc 1h45 ngày 23-3 tại điểm cấp căn cước công dân lưu động xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội

Hình ảnh chụp lúc 1h45 ngày 23-3 tại điểm cấp căn cước công dân lưu động xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội

Xuyên đêm cấp căn cước công dân

Ngày 1-3-2021, tại hội nghị giao ban trực tuyến của Ban chỉ đạo xây dựng Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Dự án Sản xuất, cấp, và quản lý CCCD, với Công an 10 tỉnh, thành phố trọng điểm, trong đó có Hà Nội, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã yêu cầu Công an 10 địa phương phải xác định rõ trách nhiệm và tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của 2 dự án nêu trên, nhất là hoàn thành việc cấp CCCD cho công dân tại địa bàn theo đúng tiến độ. Ngay sau đó, Công an 10 tỉnh, thành phố đã được giao chỉ tiêu cụ thể và thời gian ấn định phải hoàn thành, trong đó, Hà Nội được giao số chỉ tiêu cao nhất và thời gian hoàn thành ngắn nhất, nhằm góp phần vào thành công chung của “chiến dịch” 50 triệu CCCD gắn chíp.

Có làm việc cùng những CBCS Cảnh sát QLHC về TTXH trong những ngày ấy mới thấu hiểu thế nào là sự vất vả. Để hoàn thành chỉ tiêu 6,5 triệu hồ sơ CCCD, Bộ Công an đã ưu tiên CATP Hà Nội 110 bộ dây máy bao gồm máy lấy vân tay, máy ảnh và máy tính, nhưng trên thực tế, số dây máy ở thời điểm đầu tháng 3 mới chỉ đạt khoảng một nửa.

“Mỗi dây máy cần 5 CBCS để vận hành, trong khi tổ CCCD tại mỗi Đội cũng chỉ từ 8-10 người, nếu có thêm máy cũng không có người để vận hành” - Chỉ huy Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH CATP Hà Nội chia sẻ về những khó khăn thực tế.

Đảng ủy, Ban Giám đốc CATP cũng đã nhìn thấy những khó khăn, nhưng vẫn quyết tâm, xác định thực hiện 2 dự án là nhiệm vụ quan trọng nhất vì đồng chí Bộ trưởng cũng đã từng đề nghị, Hà Nội là Thủ đô, phải về đích trước để còn “chi viện” cho Công an các tỉnh - thành phố khác. Những lớp tập huấn cấp tốc lấy vân tay, thu thập dữ liệu, nhận dạng đặc điểm cá nhân dành cho CBCS ở tất cả các lĩnh vực công tác của lực lượng công an đã được triển khai, để từ đó, lựa chọn các cá nhân xuất sắc, tăng cường cho lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH.

Máy chưa có đủ thì tận dụng máy cũ, người có thể nghỉ chứ máy nhất định không được nghỉ. Chỉ tiêu cho mỗi dây máy từng ngày tăng chóng mặt. Từ 180 hồ sơ/dây máy lên 220 hồ sơ rồi 350 chỉ một tuần sau đó, nhưng gần như máy nào cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, vượt chỉ tiêu đề ra. Đỉnh cao là đến ngày 21-3, Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH đã thiết lập kỷ lục 550 hồ sơ/dây máy.

Ngày thứ 21 của “chiến dịch” cao điểm cấp CCCD gắn chíp, nhiều CBCS tâm sự, đây là thời điểm không còn chỗ cho sự mệt mỏi. Tất cả vì công việc.

Trong những ngày ấy, chúng tôi đã đi đến tận những địa bàn xa như huyện Mỹ Đức, huyện Ba Vì để phản ánh về công tác cấp CCCD gắn chíp, chia sẻ, thấu hiểu với hoàn cảnh đặc thù của các đơn vị. Là một nữ phóng viên, tôi cũng là người mẹ, câu chuyện của các nữ CBCS, của những gia đình mà cả hai vợ chồng cùng tham gia “chiến dịch” lượm lặt được ở các địa bàn đã khiến tôi không thể ngăn được những xúc cảm trong lòng.

Có nữ chiến sĩ tăng cường là mẹ đơn thân đã phải gửi con cho ông bà, thuê nhà gần đơn vị để thực hiện nhiệm vụ. Chỉ huy đơn vị biết chuyện, cũng định cho chị dừng tham gia “chiến dịch” nhưng chị đã từ chối, tình nguyện tham gia, không nề hà khó khăn. Kíp làm việc mà chị là tổ trưởng bao giờ cũng có kết quả cao nhất nhì trong ngày.

Hay những bữa cơm chiều vắng bóng cả mẹ và cha của một gia đình CBCS CAH Hoài Đức vì cả hai người đều tham gia “chiến dịch”. “Lúc mình về thì con đã ngủ, lúc mình đi thì con chưa dậy, tranh thủ lúc nghỉ giải lao, gọi video để biết con vẫn ổn nhờ sự chăm sóc của ông bà nội ngoại” - đó là tình cảnh của không ít gia đình CBCS trong “chiến dịch” cấp CCCD gắn chíp.

Những bữa cơm ăn vội, những món quà ý nghĩa của người dân dành tặng CBCS, sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân khi sẵn sàng chờ đến 2-3h sáng để làm thủ tục cấp CCCD đã trở thành động lực để hàng nghìn CBCS Công an Thủ đô tham gia “chiến dịch” hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Trong niềm vui cũng không thiếu nỗi buồn, đó là khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở thời điểm cuối tháng 4-2021. Đang bon bon về đích, đầu tiên là một xã có bệnh nhân sau đó là cả huyện, rồi lan ra cả huyện khác. Đã có lúc, 3 huyện trên địa bàn Hà Nội phải dừng cấp CCCD vì liên quan đến các ca F0. Rồi CBCS làm nhiệm vụ do tiếp xúc với ca bệnh cũng bị cách ly… Tiến độ giảm dần, từ mỗi ngày thu nhận 100.000 hồ sơ xuống vài chục nghìn rồi có những ngày chỉ đạt vài nghìn.

Bức ảnh chụp lúc 0h ngày 22-3 tại điểm cấp căn cước công dân lưu động trên địa bàn phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội

Bức ảnh chụp lúc 0h ngày 22-3 tại điểm cấp căn cước công dân lưu động trên địa bàn phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội

Trong những ngày diễn ra “chiến dịch”, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH Bộ Công an đã phát động một cuộc thi viết hình ảnh người chiến sĩ CAND trong triển khai dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và dự án sản xuất, cấp và quản lý CCCD thông qua các tác phẩm báo chí, văn học nghệ thuật. Tác phẩm thơ của một cán bộ Công an tỉnh Bạc Liêu đã như thay lời nói của tất cả lực lượng cùng tham gia “chiến dịch” lịch sử. Xin mượn lời thơ để thay cho lời kết bài viết bởi đó cũng là tâm trạng chung của những người đồng hành cùng “chiến dịch”…

“chiến dịch” này không có máu và hoa

Chẳng có bản hùng ca theo cùng năm tháng

Nhưng sẽ còn nhiều đêm dài thức trắng

Miệt mài cùng con số với đường vân

Nhiều đồng đội phải tạm biệt người thân

Lặn lội, tăng ca, đổi thay giờ sinh học.

Sẽ có mẹ cả đêm dài trằn trọc

Đợi cửa, con về, chờ giấc ngủ bình yên.