Nhầm lẫn cũng là thường?

ANTD.VN - Giờ tôi mới hiểu tại sao người dân ngày càng thiếu mặn mà với thơ. Chẳng qua con người ngày càng sa đà vào thế giới vật chất nên sao nhãng với thơ. Khi của cải đã đủ đầy, người ta sẽ quay lại với món ăn tinh thần này.

- Chẳng phải. Người ta chán thơ bởi chính những nhà thơ đang tự làm hỏng mình. Tại Ngày thơ Việt Nam lần thứ 15 vừa được tổ chức ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, người ta gắn ảnh lung tung, nhầm lẫn tác giả này với tác giả khác. Thơ Nguyễn Du cũng bị sửa, cẩu thả đến thế là cùng.

- Thì nhà thơ vốn tâm hồn treo ngược cành cây, họ có biết tổ chức sự kiện đâu. Chuyện nhầm lẫn cũng là bình thường, bác không nên trách làm gì?

- Vấn đề là, cũng như mọi năm, Ngày thơ được tổ chức ở Văn Miếu - Quốc Tử giám, nơi là biểu tượng của đất học Việt Nam thì không thể coi là sai sót, mà là sự báng bổ.

- Gớm, bác nặng lời quá. Ở đời, có những kẻ “cầm nhầm” của Nhà nước, của nhân dân hàng trăm tỷ đồng mà chẳng thấy bác lên án. Trách làm gì mấy ông nhà thơ chung chiêng giữa đời.

- Tôi không trách nhà thơ, chỉ trách những người đứng ra tổ chức sự kiện tầm cỡ quốc gia này. Không chỉ cẩu thả, họ còn bộc lộ sự kém hiểu biết. Những người như thế mà để họ dẫn dắt đời sống tinh thần của người dân thì thật nguy hiểm. 

- Tôi cũng thấy thế. Để người dân yêu thơ như xưa, nhà thơ nên tự trân trọng tác phẩm của mình cũng như của người khác. Có thế thơ Việt mới đi lên được.